(VietNamNet) - Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện đang tin học hoá mạng lưới cung cấp dịch vụ để chuẩn bị phát triển các dịch vụ thương mại điện tử như ngân hàng tại nhà, thanh toán thẻ,...
Sau năm năm đi vào hoạt động kể từ tháng 8/1999, đến nay dịch vụ tiết kiệm bưu điện của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện đã có nhiều loại hình tiết kiệm đa dạng, tạo được một kênh huy động vốn hiệu quả và ổn định cho đầu tư phát triển đất nước.
Đặc biệt, với sự ra đời của dịch vụ tiết kiệm không kỳ hạn dưới dạng tài khoản tiết kiệm cá nhân từ tháng 1/2002, mô hình dịch vụ tiết kiệm đã tiến thêm một bước mới đáng kể: Tin học hoá mạng lưới cung cấp dịch vụ. Công ty cũng đã biên soạn tài liệu hướng dẫn quy trình nghiệp vụ và chương trình giao dịch trực tuyến tiết kiệm bưu điện dành cho các giao dịch viên và kiểm soát viên, những người trực tiếp giao dịch với khách hàng. Đây là một trong những bước trong tiến trình tin học hoá toàn bộ mạng lưới cung cấp dịch vụ của mạng tiết kiệm bưu điện trong thời gian không xa.
Tiết kiệm Bưu điện đã có 124 điểm nối mạng tin học phục vụ dịch vụ tài khoản tiết kiệm cá nhân gửi rút nhiều nơi tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và một số trung tâm kinh tế trọng điểm khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ,…
Theo các chuyên gia tiết kiệm bưu điện Nhật Bản, dịch vụ này ở Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ ban đầu, và giờ đây chính là thời điểm để phát triển các dịch vụ thương mại điện tử.
Sắp tới, Tiết kiệm Bưu điện Việt Nam sẽ chú trọng các dịch vụ: tiết kiệm có kỳ hạn lĩnh lãi định kỳ; trích chuyển tự động từ tài khoản tiết kiệm cá nhân sang tài khoản tiết kiệm gửi góp; gửi góp có mục đích; đổi ngoại tệ; thanh toán các loại tiền trợ cấp, tiền lương hưu, điện thoại, tiền nước; các dịch vụ tài chính hiện đại như ngân hàng tại nhà, thanh toán thẻ,…
Thủy Nguyên