Ba hãng chế tạo máy tính lớn nhất thế giới, Dell, HP và IBM đã bắt đầu bán ra thị trường những mẫu máy desktop để bàn và notebook có "phần cứng tin cậy". Với phần cứng này, những dữ liệu nhạy cảm trong máy tính sẽ bị "nhốt" cố định trong máy đó, không thể copy hoặc di chuyển sang các máy tính khác.
Song Microsoft đã gác lại kế hoạch phát triển các phần mềm hỗ trợ phần cứng tin cậy, đồng nghĩa với việc gã khổng lồ phần mềm sẽ không chịu hậu thuẫn cho công nghệ này, chừng nào chưa phát hành Longhorn, phiên bản Windows kế tiếp dự kiến tung ra vào năm sau.
Chính sách ỡm ờ nói trên của Microsoft đã đặt các hãng chế tạo phần cứng vào một vị thế "xưa nay hiếm": họ đang chạy trước Microsoft, thay vì nghiên cứu để sản xuất ra các sản phẩm phần cứng "phải" tuyệt đối tương thích với những công nghệ phần mềm mà Microsoft tung ra.
"Thành công của chúng tôi không phụ thuộc vào Microsoft", Brian Berger, phó Chủ tịch điều hành hãng bảo mật Wave Systems kiêm Giám đốc marketing của Tổ chức Điện toán tin cậy, vẫn..."nói cứng". "Khi Microsoft "cùng hội cùng thuyền", hẳn nhiên mọi việc sẽ tốt hơn, song đây không phải một hoạt động mà Microsoft là "trung tâm của vũ trụ". Mặc dù vậy, việc tổ chức này phải dựa vào những hãng phần mềm khác để có thể biểu diễn khả năng và ích lợi của một chiếc máy tính "tin cậy" trước công chúng thực sự là ...bất đắc dĩ.
Được công bố vào cuối năm 2004, công nghệ "Phần cứng tin cậy" được dự đoán sẽ cất cánh trong năm nay, với ba hãng PC hàng đầu cùng xuất xưởng notebook và desktop được trang bị bảo mật phần cứng. Dell là hãng sau chót khi tuyên bố bổ sung công nghệ bảo mật vào dòng notebook mới nhất ngày 1/2 vừa qua. Theo dự đoán của hãng nghiên cứu IDC, trong năm 2005 sẽ có khoảng 20 triệu máy tính ra lò với module nền "tin cậy", tăng so với con số 8 triệu hồi năm ngoái.
Công nghệ "Bảo mật phần cứng" là gì?
Các dữ liệu nhạy cảm sẽ được "khoá trái" bên trong con chip của bo mạch chủ. |
Ban đầu, Microsoft là người rất sốt sắng đề xướng cho Máy tính tin cậy. Khi hãng này lần đầu công bố kế hoạch phát triển một công nghệ bảo mật có tên Palladium (Bảo hộ) vào năm 2002, Microsoft nói rằng, phần mềm đi kèm sẽ được phát hành ngay cuối năm 2004. Vào thời điểm đó, những người ủng hộ bản quyền số lo ngại rằng: Palladium có thể bị các hãng phần mềm và truyền thông lợi dụng để kiểm soát máy tính người dùng. Họ đã đẩy Microsoft vào thế thủ và cuộc tranh cãi này thậm chí còn dẫn tới việc người khổng lồ đổi tên công nghệ, từ Palladium thành nền tảng điện toán Bảo mật Thế hệ mới (NGSCB). Hơn nữa, những vấn đề về kỹ thuật, chẳng hạn như làm thế nào để thông tin khoá chặt với một máy tính có thể được sao lưu dự phòng và lưu trong một máy khác, đã buộc Microsoft phải cân nhắc lại.
Con gà và quả trứng
Notebook ThinkPad của IBM được trang bị module nền tin cậy |
Tuy nhiên, quyết định trì hoãn của Microsoft không thể làm chậm lại bước đi của Tổ chức điện toán tin cậy, một tổ chức với số lượng thành viên đã lên tới hơn 70, bao gồm cả những đại gia như Intel, IBM hay Sun Microsystems. Không phải chờ đợi Microsoft, vốn cũng là một thành viên, quyết định các chi tiết cụ thể của phần mềm, tổ chức này càng thảnh thơi thẳng tiến.
"Họ nói: Nếu đây là một vấn đề Con gà và quả trứng thì họ sẽ làm quả trứng và không chờ đợi nữa", Roger Kay, Phó Chủ tịch Điện toán khách của IDC, cho biết. Ông này cũng dự đoán rằng vào năm 2010, khoảng 95% tổng số máy tính bán được sẽ có phần cứng tin cậy.
Mặc dù có trục trặc trên lộ trình phần mềm song các công ty không vì thế mà vứt bỏ ý định mua PC tin cậy. Họ đều trông tới một tương lai gần, khi bảo mật mạng và quản lý ứng dụng sẽ hỗ trợ một cách rộng rãi cho phần cứng. Tuy hiện tại cũng đã có một số ứng dụng cho nền điện toán tin cậy, song đó mới chỉ là những chương trình rất thô sơ và tính năng chưa thật sự hoàn thiện, chủ yếu vẫn xoay quanh dữ liệu.