- Khi đưa vệ tinh VINASAT-1 vào hoạt động, VNPT dự báo phải sau 5-7 năm nữa mới cần phóng vệ tinh VINASAT-2. Tuy nhiên chỉ sau gần một năm khai thác, kinh doanh, dự án vệ tinh VINASAT-2 đã khởi động. Phóng viên VietNamNet đã phỏng vấn ông Hoàng Minh Thống, GĐ Ban QLDA các công trình viễn thông, thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT - chủ đầu tư dự án vệ tinh VINASAT-2.
>> Toàn cảnh phóng vệ tinh VINASAT-1
Thưa ông, vì sao dự án VINASAT-2 khởi động trước dự kiến một thời gian dài?
Dự án VINASAT-2 bắt đầu khởi động vào khoảng tháng 3/2009, tuy nhiên dự định đã có từ trước đó, khi dung lượng vệ tinh VINASAT-1 được sử dụng hơn 70%. Có 2 yếu tố chính khiến vệ tinh VINASAT-2 khởi động sớm hơn dự kiến là do sức ép đến năm 2012 Việt Nam phải có vệ tinh trên vị trí quỹ đạo 131.8oE (131,8 độ Đông).
Và yếu tố thứ 2 là do quá trình kinh doanh VINASAT-1 có tiến triển tốt, hiện tại đã khai thác hết hơn 70% dung lượng. Theo dự kiến, khả năng hết năm 2010, vệ tinh này sẽ hết khả năng đáp ứng nhu cầu dung lượng cho khách hàng. Với các nhà khai thác vệ tinh viễn thông trên thế giới, thông thường khi sử dụng từ 50-70% dung lượng là phải nghĩ đến thế hệ vệ tinh tiếp theo. Việt Nam cũng vậy, và đây là một nhu cầu để phóng vệ tinh VINASAT-2.
Ông Hoàng Minh Thống: "Sử dụng từ 50-70% dung lượng là phải nghĩ đến thế hệ vệ tinh tiếp theo". Ảnh: Hà Phương |
Trên cơ sở khai thác hiệu quả vệ tinh VINASAT-1, và các lý do trên đây, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét cân nhắc về chủ trương đồng ý cho tiến hành triển khai dự án này, đặc biệt là sau khi có các ý kiến của các Bộ liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo văn bản của Thủ tướng chính phủ thì có hai ý liên quan đến mục đích của Dự án vệ tinh VINASAT-2 là tăng cường cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam và giữ quyền sử dụng quỹ đạo vệ tinh ở vị trí 131.8oE.
Tất nhiên về phía VNPT thì vệ tinh VINASAT-2, ngoài các nội dung trên còn phải tiếp tục củng cố mạng lưới kinh doanh qua vệ tinh; bổ sung, đảm bảo an toàn mạng lưới cơ sở hạ tầng viễn thông và dự phòng cho vệ tinh VINASAT-1.
Hiện nay, Ban quản lý dự án vừa thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, đồng thời khẩn trương hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và các bước tiếp theo sao cho đảm bảo tiến độ dự án.
Quá trình xây dựng Dự án lần này có gì khác khi xây dựng Dự án vệ tinh VINASAT-1?
Lần này, VNPT được giao là chủ đầu tư Dự án và sẽ không có Ban chỉ đạo quốc gia dự án như đối với VINASAT-1 nữa. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ Thông tin và Truyền thông phải vào cuộc, xem xét toàn diện các mặt trước khi chủ đầu tư phê duyệt dự án và theo dõi chặt chẽ quá trình thực hiện dự án.
Dự kiến đến năm 2012, vệ tinh VINASAT-2 sẽ được phóng lên vị trí quỹ đạo131.8oE, do đó thời gian không còn nhiều trong khi cần hoàn thiện nhiều thủ tục về đầu tư, về lựa chọn nhà thầu... Theo kế hoạch từ nay đến tháng 3/2010, VNPT sẽ ký hợp đồng gói thầu vệ tinh. Do sự gấp gáp về thời gian như vậy nên Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc một số biện pháp để đảm bảo tiến độ dự án.
VNPT dự định sẽ tiếp tục sử dụng tư vấn để lựa chọn nhà sản xuất vệ tinh cũng như tư vấn giám sát toàn bộ các quá trình sản xuất vệ tinh.
Mỗi nhà sản xuất có ưu thế cũng như hạn chế riêng, việc lựa chọn nhà sản xuất nào hoàn toàn phụ thuộc hồ sơ họ gửi, khuyến nghị cho VNPT.
Trước đây, nhà thầu Lockheed Martin ngoài việc cung cấp vệ tinh VINASAT-1, họ còn xây dựng 2 trạm điều khiển vệ tinh. Đây là lợi thế của họ nhưng không hẳn lợi thế này sẽ giúp họ “thắng” trong lần này.
So với VINASAT-1, vệ tinh VINASAT-2 sẽ có “hình hài” như thế nào?
Vệ tinh VINASAT-2 có công suất lớn hơn, trọng lượng lớn hơn, số bộ phát đáp nhiều hơn, do đó có dung lượng băng tần nhiều hơn. VINASAT-2 sẽ chú trọng vào băng Ku vì lượng khách hàng nhiều hơn, mặc dù vùng phủ sóng chỉ bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Mianma, tuy nhiên VNPT cũng sẽ dự kiến có các vùng phủ linh hoạt khác nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuổi thọ vệ tinh tối thiểu là 15 năm. Dự kiến VINASAT-2 sẽ có từ 24-30 bộ phát đáp trong khi VINASAT-1 chỉ có 20 bộ phát đáp.
Tổng số vốn đầu tư của Dự án vệ tinh VINASAT-2 như các phương tiện thông tin đã đưa là vào khoảng từ 290 đến 350 triệu USD, tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều vào bản chào từ nhà thầu. Về giá mua vệ tinh có thể không thay đổi nhiều nhưng dịch vụ phóng thì tăng khá cao so với trước đây do nhu cầu thị trường lớn trong khi một trong ba nhà cung cấp dịch vụ phóng chính là Sea Launch bị phá sản.
Nếu 2010 đã sử dụng hết dung lượng VINASAT-1 mà phải đến 2012 mới có vệ tinh thứ 2, VNPT sẽ xử lý “khoảng trắng” này như thế nào?
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nếu trong thời gian đó có khách hàng, VNPT có các phương án cụ thể (do công ty Viễn thông Quốc tế -VTI xây dựng) như có thể ký hợp đồng ngắn hạn sử dụng vệ tinh của một số nhà khai thác vệ tinh khác trong khu vực hoặc sử dụng phương thức truyền dẫn khác tạm thời, và sau khi có vệ tinh VINASAT-2 thì chuyển đổi dung lượng sang.
Đây là lần thứ 2 ông thực hiện một dự án lớn tương tự, ông cảm thấy thế nào?
Lần này, VNPT đã có kinh nghiệm nên nhiều khâu có thể thực hiện nhanh hơn. Nhưng cái khó là trước đây thực hiện dự án đầu tiên nên có sự “ưu ái” hỗ trợ nhiều hơn của Chính phủ, các Bộ ngành nên quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý đâu đó nhanh hơn. Nay thì cần phải tuân thủ các thủ tục chặt chẽ hơn, nên có thể cần phải cẩn trọng hơn, tránh các sai sót có thể xảy ra.
Hơn nữa, thủ tục pháp lý chặt chẽ hơn do có nhiều quy định mới trong nước cũng như do Việt Nam đã vào WTO nên phải thực hiện quy định chung. Cái khó nữa là mỗi vệ tinh là sự khác biệt, kinh nghiệm đã có không phải hoàn toàn áp dụng lại được mà vẫn có nhiều tình huống mới đòi hỏi phải sáng tạo trong xử lý.
Cá nhân tôi cảm thấy đỡ lo hơn vì nhiều việc mình đã biết rồi chứ lần trước nhiều lúc thấy “hoảng” và áp lực
Thời điểm này có quá sớm để nói đến vệ tinh VINASAT-3?
Thực ra thì cũng đã nghĩ đến các thế hệ vệ tinh tiếp theo (như vệ tinh VINASAT-3), vì đấy là sự tiến triển logic và bình thường trong quá trình xây dựng hệ thông vệ tinh viễn thông của mỗi quốc gia. Liên quan đến việc này có lẽ việc đầu tiên là phải đăng ký vị trí quỹ đạo với Liên minh Viễn thông quốc tế. Việc này liên quan đến nhiều đơn vị nhưng về pháp lý thì do Cục Tần số vô tuyến điện của Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Khi vệ tinh VINASAT-2 đi vào hoạt động 2-3 năm mà sử dụng đến 70-80% dung lượng thì chắc chắn phải nghĩ đến vệ tinh VINASAT-3. Tôi cho rằng, tốc độ sử dụng vệ tinh VINASAT-2 sẽ không nhanh như vệ tinh VINASAT-1 nữa, nếu tính từ thời điểm vệ tinh VINASAT-2 đưa vào sử dụng thì có lẽ nhanh nhất cũng phải 5-7 năm nữa mới tiến hành vệ tinh VINASAT-3. Việc thực hiện các dự án tiếp theo hoàn toàn do tình hình thực tế, khả năng đàm phán vị trí quĩ đạo và yêu cầu thị trường chi phối.
Xin cảm ơn ông!
Ông Lâm Quốc Cường, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) - đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác vệ tinh đầu tiên của VN VINASAT-1: "Thời gian qua việc khai thác, vận hành và kinh doanh đang đi theo hướng tốt. Đến nay khoảng 77% dung lượng vệ tinh VINASAT-1 đã khai thác hết và đây là kết quả ngoài dự kiến. Một số khách hàng như VTV, VTC, Truyền hình TP. HCM đã ký hợp đồng dài hạn; khách hàng trong khu vực thì có Thái Lan, Lào, Singapore. Lợi thế của VINASAT-1 trong cạnh tranh là giá và dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ khách hàng, tuy nhiên cái khó nhất trong kinh doanh hiện nay vẫn là việc bán hàng." |
- Hà Phương (thực hiện)