Thị trường viễn thông Việt Nam hiện có doanh số khoảng 5 tỉ đô la Mỹ/ năm và dự báo tăng gấp đôi từ năm 2015. Các nhà cung cấp sẽ cạnh tranh trên quy mô thị trường này và doanh thu sẽ dần tiến đến ngưỡng bão hòa.
Chính vì thế, áp lực đối với các nhà khai thác mạng hiện nay không chỉ là cạnh tranh về giá cước mà còn là cuộc chạy đua về các dịch vụ giá trị nội dung gia tăng để khai thác băng tần 3G với số vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Giảm cước không còn là thế mạnh độc tôn
Trong 5 năm qua, mỗi năm giá cước dịch vụ di động Việt Nam giảm khoảng 30%, số lượng thuê bao tăng khoảng 70% và doanh thu tăng cỡ 25%. Các nhà cung cấp cũng tìm mọi hình thức khuyến mãi để thu hút khách hàng mới hoặc kích thích người dùng mở khóa các số đã hết hạn sử dụng. Số tiền trong tài khoản được tặng ít nhất bằng 100% mệnh giá nạp tiền, cá biệt có những gói cước mức này lên đến trên 230%.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom công bố cuộc thi viết ứng dụng cho thiết bị di động năm 2010.
Diễn biến này, theo các nhà mạng, đã là đỉnh điểm của giảm cước. Với hơn 100 triệu thuê bao, 90% trả trước và doanh thu trung bình/tháng/thuê bao chỉ ở mức 5-6 đô la Mỹ, thì mức cước như hiện nay là đang ở mức hợp lý so với mặt bằng chung. Vì vậy, đây cũng là một thách thức lớn đối với nhà cung cấp sau triển khai 3G.
Ông Nguyễn Việt Dũng, PGĐ chiến lược của Viettel Telecom nhận định: Kinh nghiệm ở thị trường quốc tế cho thấy, mức cước thoại sẽ tiến dần về ngưỡng bão hòa và doanh thu sẽ duy trì được trong ngắn hạn. Muốn gia tăng tốc độ tăng trưởng thì các dịch vụ dữ liệu phải đóng vai trò chủ đạo trên thị trường.
Dịch vụ nội dung lên ngôi?
Ước tính doanh thu toàn thị trường Việt Nam từ dịch vụ gia tăng nội dung trên di động năm 2009 đạt 1.000 tỉ đồng, chủ yếu từ tin nhắn quảng cáo, phản ánh một thị trường còn rất sơ khai. Theo dự báo của các chuyên gia, để thành công thì trong 5 năm đầu ra mắt dịch vụ 3G, doanh thu hàng năm từ nội dung phải đạt được ít nhất 30% và trong 10 năm là 50%.
Đây thực sự là một sức ép không hề nhỏ đối với các nhà mạng vì để phát triển thị trường nội dung đòi hỏi không chỉ có vai trò của nhà cung cấp hạ tầng mà còn nhiều yếu tố khác như việc làm ra nội dung của cộng đồng công nghệ thông tin, nền hành chính công chuyên nghiệp hơn để kích thích môi trường thương mại điện tử phát triển.
Trong khi nhiều mạng vẫn “đào sâu” dịch vụ truyền thống như nhạc chuông, tin nhắn quảng cáo, internet ... thì Viettel sớm mở ra những hướng đi mới. Nhà mạng này đã thành lập hẳn một trung tâm media để ứng tạo những dịch vụ nội dung mới cho thuê bao không chỉ của Viettel. Ngoài những dịch vụ mới đã tạo ra trào lưu mới, thay đổi thói quen dùng di động như Mobile Newspaper, I-book, Imuzik... Viettel còn lập các cổng điện tử như Game portal, Info portal hoặc trang đấu giá trên di động Minternet...
Trong các dịch vụ gia tăng cho di động thì thị phần game và các phần mềm ứng dụng di động hứa hẹn mang lại doanh thu chủ yếu. Hạ tầng viễn thông Việt Nam đang ở mức độ rất sẵn sàng cho các dịch vụ nhưng sau rất nhiều cuộc thi phát động sáng tạo phần mềm di động như NextGen, SamsungMobile game, VietGame, Mobile labs… số phần mềm có chất lượng vẫn quá ít.
Ông Trần Đức Hùng, GĐ Trung tâm VAS của Viettel Telecom cho rằng giới trẻ Việt Nam rất đam mê công nghệ, sáng tạo, chứng minh khả năng có thể tạo ra những sản phẩm, những ứng dụng phục vụ cho cộng đồng, nhưng do các thí sinh vẫn chưa đầu tư đúng mức và mắc nhiều lỗi trong sử dụng nên còn chưa được ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, nếu có điều kiện và biết đầu tư thêm, những ứng dụng này sẽ không chỉ nằm yên trong giới hạn thí nghiệm. Nếu cứ tiếp tục tung ra những sản phẩm thiếu đầu tư sẽ là cách góp phần giết chết thị trường đầy tiềm năng của công nghiệp nội dung số.
Thay đổi để phát triển
Nhằm tạo ra sân chơi thực sự sáng tạo và chuyên nghiệp,cho ra những phần mềm ứng dụng chất lượng cao, ngày 20/1 Viettel phát động cuộc thi viết phần mềm ứng dụng cho di động với nhiều cải tiến mạnh tay.
Di động hứa hẹn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho phần mềm ứng dụng và game.
Cuộc thi này không hạn chế về chủ đề và đòi hỏi thí sinh phải bám sát tiêu chí: độc đáo, mới lạ, rõ ràng dễ sử dụng, mang tính khả thi, ứng dụng thực tế cao, đồng thời có chất lượng đồ họa - âm thanh tốt.… Tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ bắt buộc giúp cho người dùng di động Việt Nam dễ sử dụng.
Nhà mạng này cũng dành ra 22 giải với tổng trị giá lên đến hơn 500 triệu đồng. Trong đó, 1 giải nhất trị giá 100 triệu, 2 giải nhì mỗi giải trị giá 40 triệu đồng và 3 giải ba mỗi giải trị giá 30 triệu đồng cùng 15 giải khuyến khích trị giá 10 triệu đồng/1giải. 15 triệu đồng cũng dành thêm cho ứng dụng, game được nhiều người bình chọn nhất.
Với những ứng dụng đoạt giải, Viettel Telecom đưa vào khai thác kinh doanh tại Việt Nam trên hai trang cung cấp các ứng dựng và trò chơi trên di động đang thu hút đông đảo người sử dụng của nhà mạng này là website/wapsite http://mstore.vn; http://upro.vn. Lần đầu tiên các thí sinh đạt giải không chỉ dừng lại ở tư cách tham dự - nhận thưởng mà sẽ trở thành đối tác kinh doanh với nhà tổ chức và được hưởng cơ chế chia sẻ lợi nhuận như với các nhà cung cấp nội dung hiện nay của Viettel.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó GĐ chiến lược Viettel Telecom, những cải tiến lớn trong tổ chức cùng cơ hội hợp tác thương mại hấp dẫn sẽ đủ sức bật sáng tạo của người Việt. Hình thức huy động “vốn trí tuệ” này sẽ được Viettel tiếp tục áp dụng thời gian tới nhắm tới mục tiêu tạo ra các dịch vụ nội dung gia tăng do người Việt tạo ra, phục vụ chính người Việt.
Các chuyên gia cho rằng, để trả được “món nợ” 3G, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên nhưng về dài hạn cũng chính là xu thế phát triển của thị trường thiết bị di động trên thế giới và Việt Nam nói riêng.
- Minh Chiến