- Vì sao 3G thất bại nặng nề ở châu Âu nhưng lại thành công được tại Nhật Bản, một quốc gia châu Á có hạ tầng viễn thông hoàn toàn bị phá hủy sau Thế chiến thứ Hai?
Bằng cách nào, người Nhật đã vượt qua được những rào cản và thách thức mà các nhà mạng châu Âu điên đầu vỡ óc cũng bó tay để triển khai 3G thành công, giúp cho người dùng di động trong nước được hưởng thụ các dịch vụ di động chưa từng có?
Hãy cùng mổ xẻ bài học 3G Nhật Bản, bắt đầu từ việc nhìn lại quá khứ.
Tổng quan về thị trường
Có thể nói, tiến trình phát triển của Internet và viễn thông tại Nhật có rất nhiều điểm khác biệt so với phương Tây. Sau Thế chiến thứ Hai, hạ tầng viễn thông của Nhật đã bị phá hủy "sạch sẽ". Ý thức được thông tin liên lạc là động mạch chủ chốt của kinh tế quốc gia, Chính phủ Nhật đã giao trọng trách cho NTT - mạng viễn thông lớn nhất nước, để xây dựng và khôi phục lại hạ tầng công nghệ.
Nguồn: Engadget
Đến giữa thập niên 70, phần lớn người Nhật đã được tiếp cận với các dịch vụ điện thoại cơ bản. Đến tháng 4/1979, NTT đã hoàn tất việc triển khai một mạng lưới quay số trực tiếp trên quy mô toàn quốc.
Suốt 2 thập kỷ qua, mật độ điện thoại tính trên đầu người tại Nhật không ngừng tăng lên với tốc độ chóng mặt. Đến năm 2002, số thuê bao di động đã vượt quá số lượng thuê bao điện thoại cố định - một hiện tượng mà phải vài năm sau, các nước khác mới lặp lại được.
Thế nhưng thị trường dịch vụ Internet tại Nhật lại không phát triển nhanh được như vậy. Tính tới cuối năm 1999, chỉ mới có 14,4% dân số Nhật đã sử dụng Internet, thấp hơn nhiều so với con số 29,5% của Singapore hay 25,2% của Hồng Kông.
Tuy nhiên, nhờ có thành công mang tính hiện tượng của các dịch vụ Internet di động như i-Mode (do mạng NTT DoCoMo triển khai), dân số Internet của Nhật đã nhanh chóng đông lên. Giờ đây, xứ sở hoa anh đào đã qua mặt cả Singapore lẫn Hồng Kông về tỷ lệ phổ cập Internet và trở thành một trong những quốc gia có mạng băng rộng xDSL, cáp quang-tới-tận-nhà (FTTH) và truyền hình cáp mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đa số người Nhật lướt Net từ ĐTDĐ chứ không phải từ PC như ở các nước khác. Trong số 65 triệu thuê bao di động của Nhật, số lượng người dùng lướt Net đã chiếm quá nửa. Người Nhật có thể làm gần như mọi thứ với "dế": từ xem phim, xem truyền hình, nghe nhạc, đọc báo, đọc truyện tranh, viết blog cho đến sáng tác tiểu thuyết.
Sự ra đời của ĐTDĐ và điện thoại cầm tay
Mọi chuyện bắt đầu từ điện thoại tích hợp trên ô tô. Công nghệ này được mạng NTT giới thiệu từ năm 1979, nhưng do phải gắn chặt với xe nên chúng không thể coi là thiết bị di động đúng nghĩa.
Nguồn: Akihabara
Do đó, đến năm 1987, NTT bắt đầu cung cấp dịch vụ điện thoại di động cầm tay có tên "HiCap". Cũng tại thời điểm này, các mạng đối thủ của NTT là NCC, IDO và Cellular Phone Group lần lượt ra đời. Giữa các hãng bắt đầu hình thành cơ chế phân vùng rất đặc biệt: cứ hai mạng (NTT với IDO hoặc Cellular Phone Group) sẽ chia nhau cung cấp dịch vụ cho mỗi một vùng.
Việc roaming giữa các mạng khác nhau hoàn toàn không bắt buộc mà tùy thuộc vào nội dung đàm phán giữa họ. Đến tháng 8/1991, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trên thị trường di động, NTT đã tách riêng bộ phận kinh doanh di động và NTT DoCoMo ra đời.
Tháng 8/1991, các dịch vụ PDC (hệ thống di động số cá nhân) trên tần số 800MHz đi vào hoạt động. Hai năm sau, PDC mở rộng thêm dải tần 1,5 GHz và kinh doanh cực kỳ phát đạt.
Đến tháng 4/1994, các mạng di động NTT Personal, DDI Pocket và ASTEL ra đời, vận hành trên nền công nghệ PHS (hệ thống điện thoại cầm tay cá nhân). Có thể hiểu về PHS như những chiếc điện thoại không dây, có thể hoạt động được trong phạm vi bán kính vài chục mét tính từ "máy mẹ". Rõ ràng, tính di động của PHS hạn chế hơn nhiều so với PDC.
Do liên tục xóa bỏ các mức phí không cần thiết và cắt giảm giá cước, các mạng di động PDC tăng trưởng rất nhanh. Không những vậy, họ còn tích cực trình làng các mẫu điện thoại mới đầy hấp dẫn và các gói cước hết sức linh hoạt, phù hợp với mọi nhu cầu từ phía người dùng.
Trong khi đó, các mạng PHS tỏ ra đuối sức và mất dần thuê bao. Nhận thức rõ không thể cạnh tranh nổi với NTT DoCoMo trên nền tảng PDC, hai mạng Cellular Phone Group và IDO đã quyết định ứng dụng một công nghệ điện thoại di động hoàn toàn mới, khác biệt là CDMA-One vào năm 1998.
Internet di động: điềm báo cho 3G?
Điểm sáng chính của công nghệ 3G là nó sẽ cải thiện khả năng truyền tải dữ liệu, đặc biệt là việc truy cập Internet. Trong thế giới 2G, rất ít quốc gia thành công được với khái niệm "Internet di động". Mạng WAP ở châu Âu chết tắc bên trong tốc độ truy cập ì ạch như sên, sự nghèo nàn của nội dung và sự vỡ mộng nơi người dùng.
Nguồn: Akihabara
Trong khi đó, Nhật Bản lại giới thiệu được tới khách hàng đủ mọi loại dịch vụ Internet di động khác nhau. Đó là lý do vì sao họ chứng kiến tốc độ tăng trưởng vô tiền khoáng hậu cả về thuê bao lẫn mức độ sử dụng dịch vụ. Từ thực tế của Nhật Bản, người ta có thể học được rất nhiều kinh nghiệm về dịch vụ dữ liệu và nội dung, cũng như kỳ vọng vào một sự khởi đầu suôn sẻ cho công nghệ 3G.
Tháng 2/1999, NTT DoCoMo khai trương một dịch vụ kết nối Internet mới toanh mang tên "i-Mode". Các thuê bao i-Mode có thể kết nối Internet thông qua những mẫu "dế" thiết kế đặc biệt. Các dịch vụ chính bao gồm email, tin tức thời sự, các ứng dụng như ngân hàng trực tuyến và đặt vé.
Ngay lập tức, i-Mode trở thành... mốt, gây sốt và nổi như cồn. Chỉ trong một năm hoạt động đầu tiên, số lượng thuê bao của DoCoMo đã đạt tới "thành tích" mà NiftyServe của Fujitsu cặm cụi cày cuốc trong suốt 15 năm. Thông qua dịch vụ i-Mode, NTT DoCoMo đã vươn lên trở thành ISP lớn nhất thế giới (tính theo số lượng thuê bao).
Các mạng di động khác lập tức vắt chân lên cổ, phát triển các dịch vụ tương tự. KDDI Group tung ra Ezweb trong khi J-Phone công bố J-Sky.
Ít ai biết người có công lớn trong việc phát triển i-Mode, hay "Information-mode" lại chính là một nữ kỹ sư còn rất trẻ. Mari Matsunaga luôn ôm mộng tạo ra một dịch vụ giá trị gia tăng đặc biệt hấp dẫn giới trẻ, nhất là các thiếu nữ tuổi teen. Và quả thực, những người dùng i-Mode "nặng đô" nhất hiện nay chính là phái đẹp trong độ tuổi từ 18-30.
Một chiếc điện thoại trang bị i-Mode sẽ cho phép người dùng truy cập các nội dung Internet tùy chọn. Các nội dung Web phục vụ i-Mode sẽ sử dụng ngôn ngữ cHTML (phiên bản nhỏ gọn của HTML). Ngoài ra, DoCoMo cũng công bố một loại mã đặc biệt, cho phép các website tạo ra những icon (biểu tượng) để diễn tả những khái niệm như vui, buồn, hôn, tắm vòi sen, quán mỳ, chuyến tàu....
Chưa hết, các thuê bao còn có thể tải các nhân vật hoạt hình, bản tin thời tiết, thông tin thời sự và lịch giải trí về máy. Tuy nhiên, ăn khách nhất vẫn là các dịch vụ cho phép mọi người tương tác với nhau. SMS và email là hai dịch vụ được nhiều người dùng nhất, kế đến là download hình nền hoạt họa và nhạc chuông. Người dùng có thể gửi email cho các thuê bao i-Mode khác, hoặc là tới PC. Dữ liệu được truyền qua mạng với tốc độ 9,6 kb/giây.
Mỗi tháng, người dùng chỉ phải đóng mức phí khá rẻ là 300 Yên, cộng với 0,3 Yên cho mỗi 128 byte dữ liệu. Tuy vậy, một số nhà cung cấp nội dung cũng áp phí nếu người dùng truy cập vào site của họ. Có hai dạng site trên i-Mode: chính thống và phi chính thống.
Vai trò của nội dung
Chính thống là khi giữa DoCoMo với nhà cung cấp nội dung (CP) có thỏa thuận với nhau, theo đó, DoCoMo sẽ chịu trách nhiệm đi thu cước và giữ lại 9% hoa hồng. Trong trường hợp phi chính thức, người dùng phải trả tiền thẳng cho nhà cung cấp nội dung.
Ở những quốc gia có hệ thống thanh toán điện tử phát triển mạnh, đây chẳng phải là vấn đề gì lớn. Hơn nữa, quan hệ giữa nhà mạng với các CP cũng trở nên bình đẳng hơn, vì vai trò độc quyền của nhà mạng không tạo ra sức ép quá lớn.
Giới chuyên gia cho rằng, lý do chính làm nên thành công của i-Mode chính là cơ chế tính cước hợp lý, việc sử dụng ngôn ngữ cHTML cho phép thưởng thức nội dung tiện lợi và nhất là vai trò kiêm nhiệm của DoCoMo (vừa là ISP, vừa là mạng di động).
Dù không được phổ biến và hút khách như i-Mode song hai dịch vụ đối thủ là EZWeb và J-Sky cũng nhanh chóng thiết lập được một nền tảng khách hàng trung thành cho mình.
Thay vì sử dụng cHTML, EZWeb lại sử dụng kết hợp giữa wml (ngôn ngữ đánh dấu không dây) với hdml (ngôn ngữ đánh dấu thiết bị cầm tay). Bên cạnh đó, nó cũng lựa chọn WAP. Tuy nhiên, do các ngôn ngữ và giao thức nói trên không tương thích với các trang html nên người dùng rất khó xem được hình ảnh đồ họa.
Để bù lại, EZWeb triển khai mức cước thấp hơn so với i-Mode. Người dùng phải đóng mức cước cố định 200 Yên/tháng để truy cập 80-90% nội dung sẵn có, cũng như sử dụng dịch vụ e-mail (tối đa 2000 ký tự). Một số CP sẽ đòi thêm mức cước nội dung 200-300 Yên/tháng, song số này không nhiều.
Cũng giống như i-Mode, KDDI (mạng di động cung cấp EZWeb) sẽ đứng ra thu cước thay cho CP và chỉ giữ lại 9% doanh thu từ nội dung.
Trong khi đó, J-Sky lại sử dụng ngôn ngữ đánh dấu di động MML tương thích với HTML. Cơ chế tổ chức của J-Sky cũng rất khác với EZWeb và i-Mode, bởi người dùng không cần phải ký vào bất cứ thỏa thuận nào thêm mới dùng được dịch vụ. Người dùng sẽ phải trả tiền theo lượng dữ liệu họ download hoặc upload (2 Yên/kb), thay vì theo tháng.
(Còn tiếp)
-
Trọng Cầm