- Vào lúc 3h chiều nay (2/4/2009), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chính thức công bố tên của 4 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trúng tuyển 3G gồm: Viettel, VinaPhone, MobiFone và cuối cùng là liên danh giữa EVN Telecom và Hanoi Telecom.
Đông đảo phóng viên tới dự buổi họp báo công bố DN trúng tuyển 3G chiều 2/4/2009 tại Bộ TT-TT. (Ảnh: Trần Hải) |
Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, vì khả năng 3 "đại gia" GSM trúng tuyển là rất cao. Sự hồi hộp chờ đón kết quả phần lớn chỉ nằm ở chiếc vé 3G duy nhất còn lại trong tổng số 4 giấy phép. Kết quả, liên danh EVNTelecom-HT đã vượt qua S-Fone và GTel để giành tấm vé cuối cùng này.
Trong thời gian 3 tháng kể từ hôm nay, các doanh nghiệp trúng tuyển sẽ phải hoàn tất các thủ tục có liên quan như: đặt cọc, thiết lập hệ thống kỹ thuật, thiết bị.... Sau đó, Bộ TT-TT sẽ kiểm tra và chính thức cấp giấy phép thiết lập mạng và cấp phép tần số. Thời điểm các nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng nhanh nhất là sau 1 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép, và chậm nhất là sau 9 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép.
Trả lời báo giới về mức cước phí của dịch vụ 3G khi cung cấp ra thị trường, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, chắc chắn, cước phí của dịch vụ thoại 3G sẽ chỉ ngang bằng với dịch vụ thoại của các mạng di động 2G hiện nay. Còn điểm nhấn chính của công nghệ 3G là giá cước của các dịch vụ dữ liệu, thì sẽ do các DN quy định. Bộ TT-TT không quản lý giá của tất cả các loại dịch vụ và tất cả các DN, mà chỉ quản lý giá cước của một số dịch vụ cơ bản và DN có thị phần khống chế.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT-TT, 6 hồ sơ dự thi đã đều qua được vòng sơ tuyển. 4 DN trúng tuyển theo thứ tự số điểm từ cao xuống thấp:
Viettel : 966,67 điểm /1.000 điểm
VinaPhone (thuộc VNPT): 620,96 điểm / 1.000 điểm
MobiFone (thuộc VMS) : 563,91 điểm / 1.000 điểm
Liên danh EVN-HT : 430,65 điểm / 1.000 điểm
GTel : 271,50 điểm / 1.000 điểm
SPT : 268,66 điểm / 1.000 điểm
Kỳ vọng lớn vào thị trường 3G ở Việt Nam khiến cuộc đua giành chiếc vé cấp phép dịch vụ này của các DN viễn thông Việt Nam nóng hơn bao giờ hết. Số tiền đặt cọc với nhà nước để được phép cung cấp dịch vụ và số tiền cam kết đầu tư của các DN cũng là những con số gây bất ngờ. Chẳng hạn, Viettel Telecom cam kết sẽ chi 12.789 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong 3 năm đầu, và đặt cọc 4.500 tỷ đồng, bỏ khá xa cam kết của các đối thủ cạnh tranh.
Tổng số tiền cam kết đầu tư trong 3 năm đầu của cả 4 nhà cung cấp dịch vụ lên đến 33.822 tỷ đồng. Tổng số tiền đặt cọc là 8.100 tỷ đồng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng: "Cước phí thoại của dịch vụ 3G sẽ không thể cao hơn cước của dịch vụ 2G hiện nay". (Ảnh: Trần Hải). |
Trả lời báo giới về số phận của các DN không trúng tuyển đợt này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, nếu vẫn muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ 3G, các DN này có thể hợp tác với các DN trúng tuyển để cung cấp dịch vụ trên cơ sở thương lượng với nhau. Hoặc, các DN cũng có thể cung cấp dịch vụ 3G trên các băng tần khác đã có (không phải là trong băng tần 1900 - 2200 MHz của lần cấp phép này. PV)
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết, sau khi các DN đã được cấp phép, Bộ TT-TT trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ thường xuyên kiểm tra giám sát, để xem các DN có thực hiện đúng như họ đã cam kết hay không (về số trạm BTS, các thiết bị hạ tầng, số vốn đầu tư...). Tùy từng mức vi phạm cam kết, các DN sẽ bị phạt tiền. Nếu trong vòng 24 tháng mà DN được cấp phép không đảm bảo cung cấp dịch vụ ra thị trường đến 10% dân cư, thì sẽ bị thu hồi giấy phép.
Ngày 23/3/2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt kết quả trúng tuyển nói trên. Theo Bộ TT&TT, cuộc thi tuyển 3G này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành công khai minh bạch theo quy định của pháp luật về viễn thông, thông lệ quốc tế và các cam kết của VN khi gia nhập WTO.
Các giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT-2000 trong băng tần số 1900-2200 MHz và giấy phép băng tần có giá trị trong thời hạn 15 năm.
-
Huyền Chi