Cả hai gã khổng lồ di động đến từ Hàn Quốc sẽ trình làng những mẫu "dế" mà chắc chắn, bạn chẳng muốn cất kỹ trong túi chút nào. Đó là vì chúng sẽ sạc điện bằng tấm pin năng lượng mặt trời được tích hợp ngay bên trong vỏ máy.
Mẫu điện thoại của Samsung có tên gọi Blue Earth, trang bị màn hình cảm ứng thời thượng và sở hữu một thiết kế khá mềm mại, nữ tính nhờ những đường cong ở 4 góc.
Mô hình điện thoại Blue Earth của Samsung. Nguồn: Gizmodo
Samsung đã ví von "con dế" này với một viên đá "thạch anh tròn trịa". Điểm đặc biệt là nó được chế tạo từ nhựa tái chế và không chứa các chất độc hại như BRF hay berili.
Tấm pin mặt trời của Blue Earth tọa lạc ngay trên thân máy và nó choán gần như trọn vẹn diện tích của mặt sau.
Về phần mình, đối thủ của Samsung là LG không tiết lộ nhiều thông tin về mô hình điện thoại năng lượng mặt trời. Song từ bức ảnh mà hãng này trưng ra, có vẻ như đó là một phiên bản đặc biệt của KF750 Secret.
Cũng giống như Blue Earth, phần pin mặt trời "bao trùm" lên toàn bộ thân máy phía sau của chiếc điện thoại. Mặc dù vậy, nguồn năng lượng từ nó không đủ để chạy điện thoại trực tiếp.
Trên thực tế, nó chỉ được dùng để sạc lại gói pin thường nằm bên trong thiết bị mà thôi. Câu hỏi đặt ra là liệu thế hệ điện thoại mới này có "kết liễu" số phận của sạc pin được hay không?
Câu trả lời gần như chắc chắn là: Chưa, ít nhất là trong vài ba năm nữa.
Chưa thể xoá sổ pin sạc
Samsung xác nhận rằng mẫu điện thoại Blue Earth vẫn bán kèm với bộ sạc, song nó có khả năng tiết kiệm điện năng rất cao. Ở trạng thái chờ, Blue Earth chỉ tiêu tốn vẻn vẹn 30 milliwatt mà thôi.
LG cũng đang ấp ủ một mẫu điện thoại cho phép đàm thoại 3 phút sau 10 phút sạc lại. Hãng cho biết chỉ khi nào model này phát triển thành công, ý tưởng ĐTDĐ năng lượng mặt trời mới có thể thương mại hóa.
Trong những môi trường tối như túi áo hay túi xách, điện thoại sẽ không thể sạc được. Do đó, người dùng phải đảm bảo rằng điện thoại của họ luôn luôn được tiếp xúc với ánh sáng.
Ngoài ra, do tấm pin mặt trời được bố trí ở mặt sau nên bạn luôn luôn phải "úp sấp" dế cưng của mình để đạt hiệu suất sạc cao nhất. Điều này có thể dẫn đến tình trạng màn hình dễ bị xước, nhòe, mờ.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những công nghệ "dạo đầu" và mang tính chất sơ khai mà thôi. Nó cho thấy các hãng công nghệ đã có ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường và dự báo một xu hướng "công nghệ xanh" sắp lên ngôi, hơn là tạo ra một cú đột phá hay một cơn địa chấn trên làng di động tại thời điểm này.
Tại Triển lãm CES 2009, Motorola cũng đã trình làng một mẫu điện thoại được chế tạo từ vỏ chai tái chế và không sử dụng các hợp chất độc hại trong quá trình sản xuất.
Trọng Cầm (Theo Reuters)