Chủ đề 3G lại được bàn tán nhộn nhịp từ giới công nghệ đến người sử dụng tại Vietnam Telecomp 2008 diễn ra tại TPHCM, 3 tuần sau khi Bộ Thông Tin và Truyền Thông (MIC) phát hồ sơ thi tuyển 3G cho 7 nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam.
3G tại Việt nam sẽ như thế nào?
3G (viết tắt của Third Generation Technology) là công nghệ truyền thông thế hệ thứ 3, cho phép truyền dữ liệu thoại và dữ liệu ngoài thoại như email, tin nhắn, video,…Điện thoại video là một trong những dịch vụ 3G được người sử dụng dễ nhận biết nhất.
Công nghệ 3G trên thế có 6 chuẩn nhưng phổ biến nhất là 3 chuẩn HSPA, WCDMA và EV-DO. Thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, ông Lê Nam Thắng, cho biết công nghệ của lần thi tuyển này là WCDMA. Ông Thắng cho biết MIC lựa chọn WCDMA là dựa vào tài nguyên băng tần và công nghệ hiện nay trên thế giới.
Khách tham quan triển lãm Vietnam Telecomp 2008 tìm hiểu một chiếc điện thoại di động 3G. (Ảnh Doanh Anh) |
Một thống kê của Lehman Brothers cho biết hiện có 293 nhà khai thác mạng 3G trên toàn thế giới – trong đó 185 sử dụng công nghệ HSPA; 26 sử dụng WCDMA và 82 dựa vào mạng EV-DO. Lehman Brothers cũng dự đoán trong vòng 2 năm tới nhiều mạng WCDMA sẽ nâng cấp thành HSPA khi các nhà khai thác này cần tăng tốc độ truy cập cho người sử dụng.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng khẳng định lần thi tuyển này chỉ cho một băng tần và một công nghệ cụ thể và các nhà khai thác còn lại về sau vẫn có thể phát triển ở băng tần khác và công nghệ khác phù hợp hơn.
Thị trường 3G thật sự có phải là miếng pho mát ngon hay không? Chưa ai biết được nhưng rõ ràng tiềm năng của thị trường 3G tại VN là rất lớn. Ericsson dự báo thị trường 3G ở năm sẽ có doanh thu 1,2 tỷ dollar trong 4 năm đầu tiên. Một dự báo quá lạc quan chăng khi mà một số chuyên gia trong ngành lo ngại tình hình kinh tế hiện nay sẽ là rào cản lớn cho việc triển khai 3G tại VN.
Thật sự, sau 7 năm triển khai 3G đầu tiên tại Nhật, năm 2001, số lượng thuê bao 3G trên toàn cầu chỉ tăng đáng kể vào cuối năm 2005, đạt khoảng 500 triệu thuê bao. Malaysia triển khai 3G vào cuối năm 2005. Vào tháng 08 năm 2006, 7 tháng sau khi triển khai, Malaysia có 61.000 thuê bao 3G và đến tháng 3 năm 2008, đạt 250.000 thuê bao. Trong khi đó, Indonesia triển khai 3G sớm hơn Malaysia gần 2 năm – đầu năm 2004 – nhưng hiện chỉ có 90.000 thuê bao 3G.
Thực tế triển khai 3G tại một số nước láng giềng cho thấy, thuê bao chỉ tăng vọt khi các nhà khai thác đưa nhiều dịch vụ hấp dẫn cho thuê bao sử dụng. Ngay cả dịch vụ thoại video, mà trước đây dự báo là “ứng dụng huỷ diệt” cũng bị thuê bao tại Nhật bản hờ hững.
Các nhà khai thác sẽ đưa ra những lời chào mời thật hấp dẫn và cố gắng thuyết phục các thuê bao là 3G sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều rào cản trong việc triển khai 3G.
Những rào cản khi triển khai 3G
Một số chuyên gia nói bên lề hội nghị Vietnam Telecomp 2008 rằng “còn lâu các nhà khai thác VN mới có thể cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng như quảng cáo”. Tại Triển lãm Vietnam Telecomp 2008, tại các gian hàng Mobifone, không thấy có các “demo” cho những dịch vụ 3G. Duy nhất, một dịch vụ được “biểu diễn” là chụp 1 tấm hình bằng điện thoại di động, sau đó truyền dữ liệu vào USB không dây qua kết nối 3G, nhưng không rõ nhanh được gấp mấy lần tốc độ GPRS hiện nay?
Một “demo” không đủ sức hấp dẫn để người dùng có thể bỏ ra hàng trăm USD mua một chiếc máy điện thoại 3G và bỏ thêm vài trăm ngàn thuê bao hàng tháng để sử dụng dịch vụ 3G.
Trình diễn dịch vụ truyền hình di động 3G tại triển lãm Vietnam Telecomp 2008. (Ảnh Doanh Anh) |
Thành công của 3G tại Nhật bản có thể nhận thấy qua sự đa dạng về dịch vụ 3G mà họ đang cung cấp trong nước. NTT DoCoMo đem đến triển lãm Vietnam Telecomp 2008 một sự háo hức cho người sử dụng về các dịch vụ 3G. Những dịch vụ đánh vào giới trẻ như i-widget: chạy các ứng dụng cho màn hình chờ và download nhạc online; hay các dịch vụ cho giới công chức như i-channel: cung cấp tin tức, truyền hình, thông tin thời tiết và các ứng dụng thanh toán của i-concier.
Giám đốc một hãng viễn thông của châu Âu cho rằng đây là thời điểm thích hợp để VN triển khai 3G. Không quá sớm như châu Âu, cũng không sợ quá trễ vì công nghệ 3G đã phần nào định hình, các nước láng giềng của VN cũng đã triển khai 3G.
Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh người tiêu dùng, có nhiều vấn đề tranh cải đang được đặt ra. Một cuộc điều tra thị trường do Ericsson thực hiện về thị trường 3G tại VN cho thấy 74% người được hỏi cho là giá máy điện thoại 3G vẫn còn quá sức đối với họ. Trong khi đó, 67% e ngại về giá dịch vụ 3G.
Còn một số e ngại về kỹ thuật mà các nhà khai thác 3G đều thấy nhưng ít khi nhìn nhận đó là rào cản. Đó là khả năng phủ sóng 3G. Kinh nghiệm một số nước láng giềng như Indonesia và Malaysia là thấy rõ. Sự hăm hở đón nhận 3G của thuê bao lúc ban đầu đã được thay thế bằng nhiều lời chỉ trích trên mạng và báo chí sau đó xung quanh khả năng phủ sóng 3G quá yếu và ít tại nhiều khu vực.
Tạp chí Cellular-news trong số tháng 9 đã nêu lên việc ngộ nhận hướng đại chúng của dịch vụ 3G. Các nhà khai thác 3G nên lưu ý rằng chỉ khoảng 20% dân số thành thị có khả năng chi trả cho thiết bị và dịch vụ 3G.
Một số yếu tố khiến 3G tăng trưởng nhanh trong vòng 2 năm qua, theo một báo cáo của Lehman Brothers, đó chính là giá của thiết bị và dịch vụ giảm đáng kể.
Rõ ràng thị trường 3G tại VN rất tiềm năng. Một số ý kiến bên lề hội nghị Vietnam Telecomp 2008 cho rằng dự đoán của Ericsson về doanh thu trong 4 năm đầu khai thác 3G tại VN có thể là hơi lạc quan. Tuy nhiên, họ không phủ nhận việc triển khai 3G sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều công ty cung cấp nội dung và đẩy nhanh sự phát triển về chất lượng của công nghệ truyền hình di động.
- Doanh Anh