- Cuộc chiến dằng dai suốt 8 năm trời giữa Blu-ray và HD DVD cuối cùng cũng kết thúc, khi Toshiba chính thức tuyên bố bỏ cuộc.
Phe Blu-ray như lơ lửng trên 9 tầng mây với chiến thắng đến quá bất ngờ. Nhưng liệu người dùng có thực sự được lợi từ một kết cục như vậy hay không?
Nguồn: AFP
Bước ngoặt bất ngờ
Phải nói là bất ngờ, vì cho đến tận cuối năm 2007, thế giằng co giữa HD DVD với Blu-ray vẫn chưa hề ngã ngũ. Thậm chí, phe HD DVD còn có vẻ lấn lướt hơn, khi tháng 8 năm ngoái, hai hãng phim Paramount Pictures và Dreamworks Animation đều tuyên bố từ bỏ Blu-ray để toàn tâm toàn ý hỗ trợ cho HD DVD.
Trước đó vài ngày, gã khổng lồ phần mềm Microsoft quyết định kích cầu cho HD DVD bằng cách giảm giá đầu đĩa phụ kiện dành cho máy chơi game Xbox 360, từ 199 USD xuống còn 179USD, chưa kể 5 đĩa phim HD DVD tặng kèm miễn phí.
Sang đến tháng 12, Toshiba hồi hộp chờ đón một mùa mua sắm Giáng sinh nhộn nhịp, sau khi công bố quyết định giảm giá một số model đầu đĩa HD DVD xuống còn vẻn vẹn.... 100 USD.
Blu-ray là định dạng đĩa DVD thế hệ mới do Sony nghiên cứu phát triển, HD DVD là định dạng DVD thế hệ mới do Toshiba phát triển. Cuộc chiến dành thế chủ đạo trên thị trường DVD thế hệ mới giữa hai định dạng này đã diễn ra 8 năm nay.
Ngay cả những chiến binh "cựu trào" của phe Blu-ray cũng không dám tin là cuộc chiến sẽ sớm kết thúc. Bằng cớ là đầu năm 2007, trong khuôn khổ triển lãm CES 2007, hãng LG Electronics đã công bố một đầu đĩa "hai mang", vừa xem được HD DVD, vừa xem được Blu-ray.
Hãng Warner Bros thì trình làng một đĩa mô hình với mặt trên là HD DVD, mặt dưới là Blu-ray, tức là xem được trên cả hai loại đầu đĩa.
Ý tứ của họ không thể rõ hơn: "Dù phe nào thắng, chúng tôi vẫn không thua". Tại thời điểm ấy, ngay cả kẻ liều lĩnh nhất cũng chưa dám đặt cược cho Blu-ray.
Ấy thế mà mọi sự đã quay ngoắt 180 độ trong cái ngày 4/1/2008 định mệnh, khi Warner Bros công bố một quyết định khiến toàn thể phe HD DVD choáng váng.
Với tư cách hãng phát hành DVD lớn nhất Hollywood, ông lớn Warner Bros đã kẻ cả nói rằng: từ nay chỉ biết mỗi hai từ Blu-ray mà thôi.
Không hiểu nguyên nhân nào đã khiến Warner Bros thay đổi quan điểm nhanh đến như vậy, vì trước đó, hãng này vẫn trung thành với phương châm "hai chân hai xuồng", tức là ủng hộ cả hai phe.
"Có thể phe Sony đã hứa hẹn nhiều điều khoản hấp dẫn như không thu phí bản quyền công nghệ chăng?", dư luận bán tín bán nghi. Nhưng tất nhiên, những câu hỏi kiểu đó mãi mãi nằm sau tấm màn bí ẩn, vì đó là chuyện "hậu trường kinh doanh" giữa các đại gia với nhau.
Chỉ biết rằng với việc Warner Bros dứt áo ra đi, phe HD DVD đã phải lĩnh một cú đấm trời giáng. Cuộc hội thảo nhằm quảng bá cho định dạng HD DVD của Liên minh HD DVD, vốn dự định tổ chức trong dịp CES 2008, đã bị hủy bỏ ngay lập tức.
Toshiba yếu ớt phản đòn bằng cách đại hạ giá các sản phẩm đầu đĩa của mình, hy vọng vãn hồi được tình thế (dường như đã định). Tuy nhiên, nỗ lực nhỏ bé ấy đã không thành công.
Việc một loạt dịch vụ phim trực tuyến, các đại gia bán lẻ và kinh doanh điện tử tại Mỹ lần lượt nhảy sang phe Blu-ray đã được người ta tiên liệu từ trước, như một hệ quả tất yếu.
Nếu như ai đó còn thắc mắc vì động cơ đằng sau quyết định của Warner Bros, thì sự lựa chọn của Netflix, Best Buy hay Wal-mart là quá rõ ràng.
Thiếu tựa phim hỗ trợ, đầu đĩa HD DVD chẳng khác gì đống sắt vụn, vì chúng không xem được cả đĩa DVD thông thường. Sau tuyên bố của Warner Bros, doanh số tiêu thụ của cả đĩa phim lẫn đầu đĩa HD DVD đều bị ảnh hưởng nặng nề. Là kẻ kinh doanh, các hãng kia làm sao có thể phớt lờ xu hướng chung của thị trường cơ chứ?
Giới phân tích đều kết luận rằng: mắt xích mang tên Warner Bros đã quyết định cả cuộc chiến định dạng DVD thế hệ mới. Nó khiến cho phe HD DVD thất bại trong tức tưởi, còn phe Blu-ray thì "chìm trong những ngày "xanh", đúng như tên gọi của định dạng này.
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Thực ra, ngay cả giới chuyên môn cũng không thể định đoạt được đâu là định dạng tối ưu hơn, xứng đáng chiến thắng hơn.
Định dạng hiện đại hơn về công nghệ đã... thua. Nguồn: Reuters
Đều dựa trên công nghệ laser xanh, HD DVD và Blu-ray hứa hẹn mang đến chất lượng hình ảnh siêu nét, màu sắc sống động như thật và nhất là dung lượng lưu trữ khổng lồ.
Về dung lượng, HD DVD có vẻ yếu thế hơn khi chỉ lưu được tối đa 15GB trên một mặt đĩa, so với con số 25GB của Blu-ray. Trong những cuộc thí nghiệm trước đây, dung lượng tối đa mà đĩa HD DVD đạt được là 45GB, chưa bằng một nửa so với dung lượng 100GB của Blu-ray.
Còn trên lý thuyết, công nghệ Blu-ray có thể đạt tới dung lượng 200GB, gấp hơn 3 lần dung lượng 60GB của HD DVD.
Ấy thế nhưng giá thành sản xuất và bán ra của đầu đĩa lẫn đĩa phim HD DVD lại rẻ hơn tương đối so với Blu-ray. Với những người tôn thờ chủ nghĩa "thắt lưng buộc bụng", sản phẩm Blu-ray chưa bao giờ là sự ưu tiên hàng đầu của họ.
Một trong những chiêu bài hiệu quả của Toshiba để quảng bá cho HD DVD là giảm giá sản phẩm với tần suất dày đặc, dù cho giữ nguyên mức giá ban đầu, đầu đĩa của hãng cũng đã rẻ hơn 30-40% so với đối thủ Sony rồi. Để phản đòn, Sony không còn cách nào khác là cũng phải hạ giá sản phẩm, dù mật độ thưa hơn và tỷ lệ "sale-off" cũng thấp hơn.
Số liệu thống kê của các hãng nghiên cứu cho thấy Blu-ray chỉ có thể áp đảo HD DVD tại những thị trường "xông xênh" như Nhật Bản hay Bắc Mỹ. Ngược lại, ở những khu vực địa lý nổi tiếng là "chặt chẽ", tiết kiệm như châu Âu, doanh số tiêu thụ của HD DVD không hề thua kém.
Và điều mỉa mai nhất trong cuộc chiến định dạng lần này là kẻ thắng cuộc dường như lại "tụt hậu" về công nghệ so với kẻ bại trận. Một tuần sau khi Toshiba bỏ cuộc, Sony tuyên bố sẽ tung ra hai model đầu đĩa mới BDP-S350 và BDP-S550, với giá bán tương ứng là 400 và 500 USD.
Cả hai sản phẩm đều được trang bị cổng Ethernet, cho phép kết nối với mạng băng thông rộng gia đình. Tuy nhiên, tại thời điểm xuất xưởng, BDP-S350 cũng chưa truy cập các nội dung Internet được ngay. Nó cần có một phần mềm mang tên BD-Live sẽ được Sony tung ra sau đó. BDP-S550 có phần khá hơn, vì sẽ được cài sẵn BD Live trước khi ra lò.
Cả hai đầu đĩa đều có khả năng hiển thị hai nội dung cùng lúc (theo hình thức ảnh lồng ảnh). Ngoài máy chơi game PlayStation 3, chưa sản phẩm đầu đĩa Blu-ray nào của Sony làm được điều này.
Với tên gọi Bonus View, tính năng ảnh lồng ảnh này cho phép hiển thị phần bình luận hoặc trả lời phỏng vấn của đạo diễn/diễn viên trong một cửa sổ nhỏ, trong khi bộ phim vẫn đang trình chiếu như bình thường.
Điều bạn nên biết là: Đầu đĩa HD DVD đã có khả năng kết nối Internet và hiển thị ảnh lồng ảnh ngay từ khi chúng mới ra mắt thị trường vào năm 2006.
"Sẽ phải mất 12-18 tháng nữa, định dạng Blu-ray mới có thể đạt đến sự hoàn thiện và giá trị tương đương với HD DVD hiện nay. Trong tương lai ngắn hạn, hóa ra chính người tiêu dùng mới là kẻ thua cuộc", nhà phân tích Steve Wilson của ABI Research bình luận.
Kỳ II: Nhìn lại cuộc chiến định dạng DVD: Tương lai nào cho Blu-ray?
- Trọng Cầm