221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1034267
ĐTDĐ tái chế
1
Article
null
ĐTDĐ tái chế
,

Một chiếc điện thoại được sản xuất từ vật liệu tái chế, một trạm phát sóng tiết kiệm tới 50% điện năng so với bình thường: Đó chỉ là hai trong số nhiều công nghệ "xanh" được mang đến trưng bày tại Triển lãm Mobile World Congress (Barcelona).

Mẫu điện thoại ý tưởng Remade của Nokia. Nguồn: Textually
Môi trường cũng là chủ đề đầu bảng trong bài phát biểu khai mạc Triển lãm của ông Rob Conway, Giám đốc điều hành GSM Association.

Xắn tay áo hành động

"Giao tiếp di động đã giúp nhân loại tiết kiệm được rất nhiều năng lượng và nhiên liệu, bởi thay vì đáp máy bay hay lái xe đến tận nơi gặp mặt, ta có thể sử dụng ĐTDĐ".

Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng "Ngành công nghiệp di động cần tích cực hơn trong việc cắt giảm lượng điện tiêu thụ, hỗ trợ những nguồn năng lượng tái tạo được và những vật liệu tái chế".

Hiện GSM Association đang sử dụng nguồn quỹ phát triển của mình để hậu thuẫn cho một số công nghệ thân thiện với môi trường, bao gồm các trạm phát sóng sử dụng năng lượng tự nhiên. Ngoài ra còn có máy phát điện chạy bằng dầu thực vật do Ericsson phát triển.

"Các kết quả nghiên cứu ban đầu rất đáng khích lệ. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những sáng kiến này với cộng đồng", ông Conway tuyên bố.

Trong khi ấy, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Olli-Pekka Kallasvuo của Nokia lại thúc giục ngành công nghiệp di động "sử dụng vật liệu hiệu quả hơn", cũng như có ý thức hơn trong việc tái chế rác thải điện tử. Ngoài ra, tối ưu hóa khâu vận tải, giao hàng cũng là một phương án khả thi.

Quan trọng nhất, theo Nokia, các hãng di động cần thiết kế ra những sản phẩm có cơ chế hoạt động "tiết kiệm điện". Để minh họa cho ý tưởng của mình, ông Kallasvuo đã lôi từ trong túi ra "Remade", một mẫu điện thoại ý tưởng được chế tạo gần như hoàn toàn từ vật liệu tái chế.

Tái chế và tiết kiệm điện

Không chỉ vận hành tiết kiệm điện hơn so với các mẫu điện thoại truyền thống, quy trình sản xuất của Remade cũng đòi hỏi ít năng lượng và chi phí. Nguồn: Engadget
"Quy trình sản xuất của Remade tiêu tốn ít năng lượng hơn hẳn so với các mẫu điện thoại hiện hành.

Lớp vỏ máy được làm từ can nhôm tái chế, bàn phím cao su được tinh chế từ lốp xe hơi thải ra, trong khi các bộ phận bằng nhựa được lấy từ chai lọ cũ", Kallasvuo cho biết.

"Tuy nhiên đây mới chỉ là sản phẩm ý tưởng. Chúng tôi chưa thể thực hiện cuộc gọi từ Remade được", ông nói. Cử tọa ồ lên vẻ thất vọng, bởi chắc còn lâu nữa, một sản phẩm bằng xương bằng thịt mới có thể xuất hiện trên kệ hàng.

Ý tưởng tái chế và tiết kiệm năng lượng cũng nung nấu trong đầu ông Wang Jianzhou, Giám đốc điều hành mạng di động China Mobile của Trung Quốc.

"Chúng tôi đã thiết kế ra một loại hộp đựng điện thoại mới, với mục tiêu tiết kiệm 57.000 mét khối bìa mỗi năm".

"Chúng tôi cũng đang tìm cách giảm mức điện năng tiêu thụ của hơn 300.000 trạm phát sóng đang hoạt động", ông Wang cho biết.

Trạm phát kiểu Ericsson

Lời giải có thể nằm ngay ở sảnh trưng bày chính của Triển lãm Mobile World Congress, nơi mô hình một tháp phát sóng do Ericsson chế tạo vươn lên sừng sững.

Tòa tháp này được quảng cáo sẽ tiết kiệm tới 50% nguồn điện năng tiêu thụ so với các trạm phát sóng chuẩn hiện nay.

Thông thường, các trạm phát sóng thường bố trí bộ khuếch đại công suất và các thiết bị điện tử trong cabin trên mặt đất, còn cột ăngten thì đặt trên đỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình truyền tín hiệu giữa ăngten với bộ khuếch đại, khoảng một nửa điện năng đã bị thất thoát. Bên cạnh đó, trạm phát sóng cũng đòi hỏi rất nhiều điện để chạy máy điều hòa, nhằm ngăn không cho thiết bị bên trong cabin bị nóng chảy.

Ý tưởng của Ericsson là xếp toàn bộ thiết bị điện tử gần với bộ khuếch đại công suất, cho phép giảm thiểu nguồn điện năng tiêu hao.

Đồng thời, trạm phát sóng cũng hoạt động như một ống khói. Luồng không khí di chuyển bên trong sẽ làm mát thiết bị mà không cần tới hệ thống quạt hay điều hòa.

Hiện tại, Ericsson mới chỉ xây dựng duy nhất một tháp phát sóng kiểu này ở gần trụ sở chính tại Thụy Điển. Đây là sản phẩm "đặc chế" cho các nước nhiệt đới và trình độ công nghệ chưa cao lắm.

Trọng Cầm (Theo PC World)
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,