Có thể nói, 2007 chính là năm của những hệ điều hành di động mới. Kể từ khi Microsoft gia nhập thị trường này 5 năm trước, lĩnh vực hệ điều hành smartphone vẫn tương đối tĩnh lặng.
Symbian, Linux, RIM và Windows Mobile chia nhau "cát cứ" bốn phương, nhưng rồi mọi sự bỗng chốc thay đổi, với sự xâm lấn của hai tên tuổi mới.
Nguồn: Mobilenet
Tháng 6, Apple chính thức xuất xưởng iPhone, với một "hệ sinh thái" phần mềm riêng, độc quyền của Quả táo. Đến tháng 10, đến lượt Google tuyên bố sẽ phát hành nền tảng hệ điều hành nguồn mở dựa trên Linux mang tên Android vào năm 2008.
Những thay đổi lớn
Việc hai gã khổng lồ Apple, Google nhảy vào thị trường hệ điều hành di động đã khiến nhiều mạng di động phải thay đổi kế hoạch kinh doanh vào phút chót. Giới phát triển ứng dụng di động đau đầu nhưng người dùng thì hào hứng. Nói tóm lại, ngành công nghiệp viễn thông đang nín thở chờ đợi những thay đổi lớn.
Thực ra, smartphone chiếm thị phần tương đối khiêm tốn trong thị trường ĐTDĐ nói chung. Năm 2006, chỉ có 8% số điện thoại bán ra là smartphone. Sang năm 2007, tỷ lệ này là hai chữ số, nhưng cũng khó vượt được qua ngưỡng 25%.
Vậy tại sao ta lại phải quan tâm đến hệ điều hành dành cho smartphone cơ chứ, bạn tự hỏi. Đó là bởi vì thị trường viễn thông hy vọng rằng: những khách hàng hiện tại (chủ yếu là ở các nước đã phát triển) sẽ sớm chuyển lên sử dụng smartphone, sau khi phát hiện những điểm bất cập, lỗi thời của điện thoại di động đời cũ.
Đồng thời, các mạng di động cũng dần gác lại vai trò người giữ cổng của mình, cho phép doanh nghiệp bên ngoài cung cấp điện thoại, dịch vụ, phần mềm... tới cho khách hàng.
Tuy nhiên, bao giờ cũng có một câu khuyến cáo kèm theo. "OK, chúng tôi sẽ nhượng bộ. Bạn có thể dùng những mẫu điện thoại này trên mạng của chúng tôi, nhưng nếu gặp trục trặc, xin đừng gọi hỗ trợ".
Thách thức
Cùng với sự thông thoáng về phần cứng, các mạng di động cũng nới rộng quy định hạn chế về dịch vụ trực tuyến mà khách hàng có thể sử dụng. Xu hướng này mở màn từ châu Âu, nơi một số mạng như Vodafone tiết lộ: phần lớn doanh thu dữ liệu trực tuyến của họ có được là nhờ các dịch vụ bên ngoài, do các hãng thứ ba cung cấp.
Mức độ dễ dàng khi truy cập dịch vụ Web lại phụ thuộc vào phần mềm mà điện thoại sử dụng. Lấy thí dụ, hệ điều hành Windows Mobile của Microsoft hỗ trợ rất tốt những dịch vụ như Live IM và Hotmail, trong khi Android hứa hẹn tương thích với mọi dịch vụ Web mà Google đang cung cấp. Apple thì tinh quái móc nối iPhone với dịch vụ nhạc số trả tiền iTunes.
Về mặt thách thức, càng hỗ trợ nhiều hệ điều hành, mạng di động càng tốn kém trong việc đào tạo và cung cấp dịch vụ tư vấn. Giới phát triển ứng dụng di động cũng đau đầu không kém, vì họ không biết phải lựa chọn hệ điều hành nào làm nền tảng chính.
Giới phân tích cũng nhất trí rằng các hệ điều hành mới không đe dọa đến một hệ điều hành hiện tại nào cả. Đúng hơn, nó sẽ mang đến lợi ích chung, vì người dùng sẽ biết nhiều đến smartphone hơn.
Trọng Cầm (Theo CNET)