Động thái của các "ông lớn"
Dịch vụ Yahoo! Answers sẽ được Việt hoá thành Yahoo Hỏi & Đáp. |
Đầu tiên là Yahoo, sau hàng loạt dịch vụ âm thầm triển khai tại Việt Nam, chỉ trong ba ngày (19 - 22/6/2007, đã triển khai hai dịch vụ mới: Cổng Yahoo! Mobile và thử nghiệm Yahoo Hỏi và Đáp (phiên bản tiếng Việt của Yahoo! Answer).
Mô hình hướng đến người dùng, lấy người dùng làm trung tâm, để họ tự xây dựng, cung cấp nội dung cho nhau, trong khi nhà cung cấp dịch vụ chỉ làm nhiệm vụ "bắc cầu" và quản lý... là cách mà Yahoo làm đối với dịch vụ "Yahoo! Hỏi và Đáp". "Yahoo hỏi và đáp" thực chất là một mạng xã hội ảo.
Lộ trình "xâm nhập" thị trường Việt Nam của Yahoo: - Cuối 2006: Cung cấp dịch vụ Yahoo! Messenger trên Web bằng tiếng Việt, khai trương website Yahoo.com.vn cũng bằng tiếng Việt. Liên kết với một tờ báo tại VN cung cấp tin tức nhanh thông qua trang này. - 19/6/2007: Open Beta dịch vụ Yahoo hỏi và đáp hoàn toàn bằng tiếng Việt, chính thức khai trương sau 2 tuần thử nghiệm. - 22/6/2007: chính thức mở cổng Internet dành cho điện thoại di động thế hệ mới tại 12 nước, trong đó có Việt Nam. Một dịch vụ kết hợp khai thác thị trường điện thoại di động và nội dung Internet! |
Sau đó, khi đã có một cộng đồng lớn và gắn kết, nhà cung cấp có thể khai thác vô vàn nguồn lợi từ đây, như: bán quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, bán nhạc số, thương mại điện tử...
"Người sử dụng dịch vụ của Yahoo có tính cộng đồng cao hơn so với các dịch vụ khác" - một nhân viên của Yahoo Singapore phụ trách thị trường Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp mặt các tester cho phiên bản Yahoo! Hỏi & Đáp tiếng Việt. "Yahoo! đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, trước hết là các dịch vụ Yahoo! Messenger và Blog 360 ở Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế tuyệt đối. Giới trẻ VN rất thích lướt Net và hầu như chẳng ai lại không tham gia một vài diễn đàn nào đó", đại diện Yahoo nhận xét.
Sau Yahoo, 2 "đại gia" Internet khác là Microsoft và Google cũng đã có những động thái - tuy chưa rõ ràng - nhằm vào thị trường nội dung số của Việt Nam. Ông Steve Ballmer, CEO Microsoft, trong chuyến thăm gần đây, đã dành khá nhiều thời gian nói về các công nghệ mới liên quan đến web 2.0, nhắc nhiều về trang dịch vụ nội dung Live.com của Microsoft... Còn Google thì cũng mới khai trương văn phòng tại Singapore (tháng 5/2007) để "đón lõng" thị trường Đông Nam Á.
Trả lời phỏng vấn hãng AFP, ông Richard Kimber, Giám đốc điều hành khu vực của Google không che giấu tham vọng "xâm nhập" và "mở mang" thị trường Đông Nam Á rằng: "Môi trường online tại khu vực này đang tăng trưởng cực kỳ nhanh. Theo ước tính, có tới gần nửa tỷ người dùng Internet tại Đông Nam Á. Có mặt tại Singapore, đây sẽ là cầu nối tuyệt vời để chúng tôi tìm hiểu nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng Đông Nam Á".
DN Việt Nam lại... "chậm chân"
"Các nội dung thông tin bằng tiếng Việt trên mạng Internet của Việt Nam hiện còn rất ít, và đó là cơ hội cho Yahoo trong việc triển khai các dịch vụ như "Yahoo! hỏi và đáp", đại diện Yahoo nói. "Việc triển khai các dịch vụ nội dung trên Internet ở VN có lợi thế với chúng tôi hơn nhiều so với các nước phát triển, vì họ đã có một cơ sở dữ liệu quá khổng lồ bằng tiếng Anh trên Internet rồi".
Vậy, lợi thế nào về tiếng Việt dành cho chính các doanh nghiệp Việt? Tại sao lợi thế tiếng Việt lại đang dành cho doanh nghiệp nước ngoài khai thác?
Thị trường nội dung và giá trị gia tăng trên Internet ở Việt Nam đã bắt đầu nhen nhóm. Một số ý tưởng xây dựng các cộng đồng, mạng xã hội đã được thực hiện, ví dụ đã có các mạng xã hội ảo như: Blog Việt, Thế hệ trẻ, Xahoi..., cyworld...; các trang tìm kiếm chia sẻ video, mp3, thông tin như: Clip, Baamboo, Gneet... cũng đã bắt đầu có tên tuổi trên thế giới Internet trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước mắt, những trang này chỉ tạm hướng vào các dịch vụ giải trí (có lẽ vì đây là mảng dễ thấy hiệu quả hơn cả).
Hoặc, trên diễn đàn TTVNOL, từng nổi đình nổi đám diễn đàn phụ mang tên "hỏi gì, đáp nấy", thu hút khá đông người tham gia, với cơ sở dữ liệu lên đến hàng ngàn câu hỏi, mang tính thời sự và lượng thông tin dồi dào.
Thế nhưng, rõ ràng là chưa có đại diện tiêu biểu nào của Việt Nam tỏ ra vượt trội trong số đó.
Chẳng nói đâu xa, chỉ cần nhìn vào những bước đầu tư chuẩn bị cũng đã thấy rõ sự lép vế: chỉ có hệ thống máy chủ đặt trong nước, dung lượng đường truyền hạn chế, nội dung rập khuôn, ít sáng tạo...
Bamboo, một trong các trang tìm kiếm video do một công ty Việt Nam xây dựng cũng chỉ lấy lại hầu hết dữ liệu từ YouTube.
Vnspoke, Vietspace, Ngoisaoblog, cyworld, mạng Thế Hệ Trẻ... và nhiều mạng xã hội, cộng đồng blog khác của người Việt cũng chỉ chiếm số lượng người dùng quá khiêm tốn khi đứng cạnh Yahoo! 360 hoặc GooglePage.
Nguyên nhân?
Đứng trước tiềm năng của thị trường nội dung số, trong khi các "đại gia" nước ngoài đã có động thái rõ ràng, DN Việt Nam còn đang thiếu gì: Tầm nhìn, vốn, kinh nghiệm hay uy tín...? hay là một tinh thần "màu cờ sắc áo" từ cả DN lẫn người dùng? Có phải người dùng Việt Nam hay có tâm lý không thích sử dụng dịch vụ trong nước, "chuộng" rồi lệ thuộc vào các dịch vụ trực tuyến của nước ngoài?
Liệu đã đến lúc để lo ngại trước những chiến lược có tính toán và không hề che giấu tham vọng chiếm lĩnh thị trường nội dung số Việt Nam của các "ông lớn" đến từ nước ngoài. Liệu thị trường cung cấp nội dung Internet Việt Nam trong lĩnh vực giải trí và cộng đồng mạng có lại bị "thôn tính" giống như cách Google đang ngạo nghễ trước các công cụ tìm kiếm trực tuyến của Việt Nam?
-
Thế Phong
Quan điểm của bạn: