"19 trên tổng số 21 hãng sản xuất lớn của Trung Quốc sẽ chuyển sang chế tạo đầu đĩa EVD vào năm 2008", ông Trương Bảo Quân, tổng thư ký Liên minh EVD (Đĩa đa năng cải tiến) cho biết.
Trong quá khứ, chỉ có duy nhất một hãng sản xuất đầu DVD lớn là từng chế tạo đầu EVD, và năm ngoái, số lượng đầu EVD tiêu thụ cũng rất khiêm tốn, mới chỉ dừng lại ở con số 700.000 chiếc. Theo hãng nghiên cứu iSupply, doanh số này chưa bằng một phần mười ba doanh số hàng năm của đầu đĩa DVD.
Không chỉ trong lĩnh vực truyền thông, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh chuẩn riêng tại nhiều hạng mục sản phẩm khác như điện thoại 3G, mạng lan không dây, TV số và mạng gia đình.
"Việc phát triển chuẩn nội địa đã trở thành xu hướng chung ở Trung Quốc. Nó giúp cho các doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh tại thị trường nội địa", ông Ma Jun, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Đức phân tích. "Các công ty nước ngoài khi làm ăn ở Trung Quốc sẽ phải mua lại công nghệ hoặc trả phí licencing cho doanh nghiệp trong nước. Nếu không, ít nhất họ cũng phải liên doanh".
Theo ông Jun, sở dĩ Trung Quốc muốn chuyển sang EVD là vì hiện tại, lợi nhuận từ đầu DVD đã chạm ngưỡng tối thiểu. "Gần như không còn lãi nữa. Giá bán mỗi chiếc đầu do TQ sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD, thế mà họ đã mất đứt 7 USD tiền licensing cho các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu công nghệ DVD rồi".
Trong khi ấy, mức giá trung bình của đầu đĩa EVD sẽ vào khoảng 700 NDT, tương đương 1.400.000 VNĐ. Tuy giá cao hơn nhưng chất lượng của đầu đĩa cũng tốt hơn DVD.
Trọng Cầm (Theo AFP)