(VietNamNet) - “Outsource kiến thức” là một xu hướng mới của thế giới trong ngành phần mềm, đó là khẳng định của thạc sỹ Nguyễn Hà Phi, người đang định cư và làm việc tại thung lũng Silicon, Mỹ tại hội thảo “Công nghệ và Kỹ năng trong ngành phần mềm” do Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Hanoi-Aptech, Java Vietnam và Khoa CNTT (ĐH Thuỷ Lợi) vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Hà Phi, diễn giả chính của Hội thảo, cho rằng “Knowledge outsource”, tạm gọi là “outsource kiến thức”, là một nhu cầu và xu thế outsource mới trên thế giới mà cường quốc gia công phần mềm Ấn Độ đang muốn hướng đến.
Outsource vẫn là xu hướng liên kết được ưa chuộng trong thời gian tới |
Đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng bởi tính lợi nhuận cao của dự án và đặc biệt là mức độ rủi ro trong khả năng thu hồi vốn thấp hơn nhiều so với hình thức outsource đang được tiến hành phổ biến trên thị trường CNTT thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, ông Phi cũng cho biết, cơ hội để nhận được dự án “outsource kiến thức” không dễ dàng một chút nào bởi hai lý do, nhân lực và đặc biệt là lòng tin của khách hàng. Đây là một thông tin rất mới đối với ngành công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay. Vẫn được đánh giá là nước đứng đầu thế giới về outsourcing, nhưng thị trường outsoucing của Ấn Độ đã có phần chững lại.
Ông Phi đưa ra bài báo của Ấn Độ trích trả lời phỏng vấn ông Rohit Talwar, chuyên gia tư vấn cấp cao cho các tập đoàn toàn cầu đầu tư vào Ấn Độ. Bài báo có đoạn: “Ấn Độ vẫn có thể thu được lợi ích lớn từ outsourcing nhưng cần phải thực sự để ý đến sự cạnh tranh từ các quốc gia phát triển ở Đông Âu, Châu Phi và đặc biệt là các nước phát triển ở Nam Á như Việt Nam và Pakistan.”
Lấy dẫn chứng khách quan từ báo chí Ấn Độ, ông Phi khẳng định Việt Nam thực sự đang là “mối lo ngại” của thị trường outsourcing Ấn Độ. Do đó, các bạn sinh viên Việt Nam có quyền tự hào và có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp trong ngành công nghệ phần mềm.
Một vấn đề khác được nhắc đến trong bài nói chuyện của thạc sỹ Nguyễn Hà Phi, đó là nhu cầu việc làm của các chuyên gia vá lỗi (patching). Ông Phi cho biết, hiện ở Mỹ, lương của các kỹ sư vá lỗi cao hơn lương của các kỹ sư phát triển phần mềm, để được làm ở vị trí này là tương đối khó tại Mỹ và Ấn Độ.
Ông Phi đưa ra ví dụ ngay từ chính công ty của mình, các khách hàng của công ty ông như Amazon, E-Bay rất khó tính trong việc chọn lựa kỹ sư vá lỗi cho những hỏng hóc trong sản phẩm của họ.
Thông điệp chính mà diễn giả đưa trong Hội thảo “Công nghệ và Kỹ năng trong ngành phần mềm” đó là: sinh viên, kỹ sư CNTT ở các nước đều như nhau, khả năng tiếp cận công nghệ mới của sinh viên Mỹ không hơn sinh viên Việt Nam là mấy, nhưng cái khác biệt là ở tư duy làm việc được hình thành trong quá trình đào tạo.
Chính vì vậy, muốn đưa ngành CNTT Việt Nam phát triển, sinh viên CNTT Việt Nam cần phải học hỏi và tự trau dồi vốn tư duy làm việc có hiệu quả, có tính chuyên nghiệp khi hội nhập cùng thế giới. Chính tư duy sẽ tạo ra những hiểu biết sâu rộng và mới mẻ bắt kịp với xu hướng của thế giới như phát triển knowledge outsource.
-
B.D