(VietNamNet) - Vấn đề định giá phần mềm đến nay vẫn còn là "mớ bòng bong", ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai các dự án CNTT của đất nước. Theo đó, cả phía người mua và người bán đều "mắc" , không biết "gỡ" từ đâu khi đến nay vẫn chưa có cơ chế định giá thống nhất nào giải quyết vấn đề này!
Đi mua đã khó...
Không như phần cứng đang áp đảo trong các dự áp đầu tư CNTT, ứng dụng phần mềm vẫn là bài toán hóc búa chưa tìm ra lời giải. |
"Tôi đã từng đi mua phần mềm...", ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ Giáo dục & Đào tạo - một khách hàng phần mềm lớn - kể chuyện. Cách mua của ông Ngọc là tìm hiểu trên mạng xem có công ty nào bán không. Ông nói: "Trên thế giới có mấy loại phần mềm: Thứ nhất là phần mềm dùng đại trà, giá rất rẻ, vài trăm "đô" có khi xong việc, lại có cả mã nguồn. Thứ hai là phần mềm chuyên dụng, giá có thể rất đắt, nên thường thì tôi hay yêu cầu các công ty cho dùng thử một tháng, hai tháng. Thậm chí họ còn cử người bay sang demo cho mình xem, ưng thì mới nói chuyện mua bán. Thứ ba là Phần mềm mã nguồn mở, có thể tận dụng tối đa để sản xuất phần giá trị gia tăng, dùng đội ngũ chuyên gia giỏi của mình để khai thác tiết kiệm".
Ông Ngọc nhận xét: "Nhìn chung, việc mua bán phần mềm ở ta còn nhiều vấn đề nổi cộm, nhiều vấn đề tế nhị trong đó". "Tôi đi mua thế là vì mình là người mua để dùng trực tiếp chứ không phải là mua cho hết tiền theo kế hoạch, theo dự án".
Ông Ngọc nói chi tiết hơn về thực trạng này: "Những năm trước đây, đúng là khi có tiền, người ta tập trung mua phần cứng. Đúng là mua phần cứng dễ thanh toán hơn, dễ duyệt hơn vì quan niệm sở hữu phần cứng nó rõ ràng hơn, sờ thấy, nhìn thấy. Còn phần mềm thì tù mù. Từ khoảng 3-4 năm trở lại đây, tình hình có đổi khác. Máy móc nhiều lên. Cơn đói “máy tính” đã bớt nhiều. Nhiều cơ quan, mỗi cán bộ sở hữu một máy PC. Xã hội nhận thức được còn thiếu ba thứ đều phải mất tiền: phần mềm, thông tin (mua cơ sở dữ liệu, mua tin tức…) và dịch vụ (đào tạo, bảo dưỡng, sửa chữa, tư vấn…).
Cho đến cuối năm 2004, các dự án trong "Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển CNTT đến 2005" mới giải ngân được khoảng 12%.
Các dự án của Bộ Công an quy mô hơn 200 tỷ đồng, của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn trên 70 tỷ đồng, đã xây dựng xong nhưng không triển khai được. |
Hiện nay việc mua 3 thứ trên đã trở thành phổ biến. Trong các cơ quan Nhà nước thì từ khi có Đề án 112 (Tin học hoá quản lí Nhà nước), ba mục phần mềm, thông tin, dịch vụ đã trở thành mục chi khá phổ biến.
Tuy nhiên, theo chiều hướng trên, ông Ngọc nhận định: "Nhiều dự án triển khai phần mềm, thông tin và dịch vụ còn rất lãng phí. Lấy thí dụ dư luận thời gian qua kêu nhiều về Đề án 112. Mua nhiều phần cứng lãng phí đã đành, song bỏ tiền ra mua phần mềm, thông tin, dịch vụ cũng lãng phí vì chất lượng, hiệu quả thấp.
Việc định giá phần mềm, thông tin và dịch vụ quả là có gặp khó khăn vì đa phần đều rơi vào cảnh tù mù, khó đo đạc. Nhiều khi biểu giá trong nước còn đắt vống lên. Nhiều phần mềm dựa trên nền mã nguồn mở cũng được bán với giá rất đắt. "Chẳng cứ ngành giáo dục của tôi, các ngành khác cũng đều gặp khó khăn trong vấn đề định giá phần mềm!", ông Ngọc nói.
Bán càng khó hơn...!
TS. Quách Tuấn Ngọc: Tại Trung tâm Tin học từng có quyết định cung cấp miễn phí phần mềm hỗ trợ xếp thời khoá biểu bằng Excel cho các trường phổ thông, cung cấp miễn phí các phần mềm quản lí trường phổ thông. Sau này chỉ tính giá dịch vụ bảo dưỡng. Vậy mà còn khó khăn vì nhiều rào cản... |
Bộ GD&ĐT cũng là đơn vị sản xuất phần mềm để bán, và theo TS Quách Tuấn Ngọc là "cũng mong có thu nhập thêm". Tuy nhiên, ông nói "bán phần mềm nhiều khi rất khó vì đối tác của mình (là các trường, sở…) chưa mặn mà triển khai, thậm chí có cho không người ta cũng chưa thiết. Yếu tố quan hệ cũng rất quan trọng. Chăm bẵm, đi lại mời chào mệt lắm! Đấy là chưa kể việc định giá phần mềm phải tính đến cả yếu tố bảo dưỡng, duy trì, cập nhật theo yêu cầu khách hàng. Đây là chỗ khách hàng khó thấy lúc đầu".
Với các DN chuyên sản xuất, cung cấp phần mềm thì việc định giá để thực hiện các dự án CNTT ở công đoạn nào cũng khó. Dù là bán phần mềm cho DN hay đơn vị hành chính sự nghiệp thì cách "đối xử" với phần mềm mỗi nơi một khác.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Công ty Truyền thông Sara thuộc tập đoàn Sara - một đơn vị chuyên sản xuất phần mềm - nêu ra cái khó đầu tiên là: "Phần mềm không giống như các sản phẩm có tính định lượng, định tính, định hình khác, và những người lãnh nhiệm vụ đi mua không có nhiều kiến thức về CNTT nên đưa giá nào người ta cũng rụt rè. Khách hàng cũng không định lượng được phạm vi công việc khi triển khai một dự án phần mềm ứng dụng. Khi bắt tay vào dự án thì nhiều khi họ bất ngờ thay đổi ý định, khiến tiến độ bị chững lại, chi phí phát sinh. Đến lúc thanh lý thì lại bị kêu là quá hạn hợp đồng. Họ muốn rẻ, 10 triệu thay vì 100 triệu, để công việc diễn ra suôn sẻ, DN buộc phải tìm cách chiều theo".
"Giá nào thì chất lượng ấy thôi!", ông Hùng nói. "Một sản phẩm phần mềm cũng giống như chiếc xe máy. Cũng là xe máy nhưng của Tàu và của Thái hình thức có thể giống nhau, nhưng chất lượng, giá cả khác hẳn nhau. Nhưng xe thì có thể nhận biết, định giá dễ dàng còn định giá phần mềm thì chẳng dễ dàng gì và không phải ai cũng định giá được! Không thể mơ hồ so sánh đơn thuần kiểu cũng là phần mềm kế toán sao cái này đắt, cái kia rẻ. Có người mua cái rẻ về phục vụ dự án và rồi phù phép đội giá lên. Ngay đến lúc phần mềm mua về đó nằm đắp chiếu cũng chưa chắc định ra được tại sao nó bị bỏ đấy!".
Ông Hùng nói: "Chỗ chúng tôi làm việc với một loạt công ty xây dựng ở Việt Nam, chỉ làm được với Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, hầu hết đều vướng ở vấn đề định giá. Tôi cũng cảnh báo rằng, nhiều khi người ta lại quá quan tâm đến vấn đề giá cả mà bỏ qua việc kiểm định chất lượng. Mua phần mềm về rồi thì dùng lãng phí, có khi chỉ nghiệm thu xong rồi cho vào sọt rác, không dùng nữa!".
Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Giám đốc AZ Solutions, thì việc định giá phần mềm "vướng" ngay ở những công đoạn đầu. "Trước hết đó là việc phải chuẩn bị số liệu cho dự án", ông Tuấn nói. "Để đi đến thống nhất hệ thống danh điểm vật tư cho một Tổng công ty chúng tôi phải tiêu tốn thời gian gần 10 tháng từ khâu chuẩn hóa mã, tên gọi, số liệu đầu vào, đối chiếu số liệu v.v… Hoặc thời gian chờ đợi phía khách hàng chuẩn bị số liệu phù hợp với cách quản lý bằng hệ thống tin học. Các chi phí phát sinh này đều do chúng tôi chi trả để có thể đưa hệ thống vào hoạt động".
Ông Tuấn bày tỏ: "Một khó khăn nữa có thể nêu ra là sự thay đổi nhân viên tiếp nhận đào tạo chuyển giao dự án CNTT. Do đặc điểm chuyển dịch nhân sự hiện nay có nhiều trường hợp nhân viên của DN thay đổi trong quá trình đào tạo. Lúc này nhà cung cấp cần tái đào tạo lại cho nhân viên mới của khách hàng và điều đó cũng làm cho các NCC gặp khó khăn về thời gian cũng như hiệu quả do khó lấy được khoản chi phí này".
Vòng luẩn quẩn do đâu?
Chưa có hệ quy chuẩn nào để định giá phần mềm phù hợp với đặc thù Việt Nam cho nên trong nhiều năm qua xảy ra hiện tượng các dự án về CNTT triển khai phần cứng ào ạt, nhiều khi "vô tội vạ", còn hễ nhắc đến phần mềm là bị ách lại. Ông Phí Anh Tuấn cho rằng: "Tỷ trọng đầu tư cho phần mềm có tăng hơn trước nhưng con số 10% vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể". Còn theo ông Quách Tuấn Ngọc thì tỷ lệ kinh phí mua phần cứng đã có lúc chiểm khoảng 95% tổng đầu tư.
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BC-VT TP. HCM cho rằng: "Đề án 112 đã chi phí rất lớn cho phần mềm nhưng chưa hoàn chỉnh, 03 phần mềm dùng chung có chất lượng không cao, triển khai tại nhiều nơi hạ tầng không sẵn sàng nên không phát huy được hiệu quả. Theo báo cáo của Ban điều hành chỉ có khoảng 30% vận hành được. Nhiều đơn vị mua sắm phần cứng nhưng không có phần mềm ứng dụng. Trung tâm tích hợp dữ liệu không có dữ liệu, không có ứng dụng để khai thác nên đắp chiếu. Trong khi các phần mềm với số kinh phí xây dựng không nhỏ thì triển khai không hiệu quả...". "Nguyên nhân chính của tỉ lệ phần mềm thấp không phải là do định giá phần mềm mà do triển khai không đồng bộ". |
Và như vậy, tỷ trọng đầu tư cho phần mềm ít mang lại hiệu quả không tốt cho cả hai phía. Về phía đơn vị sử dụng sẽ không khai thác hết hiệu quả hệ thống phần cứng. Giá trị giảm do khấu hao vô hình nhanh. Với các đơn vị phần mềm sẽ không có hiệu quả do thời gian chờ ra quyết định, thời gian triển khai, nghiệm thu kéo quá dài dẫn đến không phát triển mạnh được.
Giải thích nguyên nhân, ông Tuấn đưa ra nhiều yếu tố dẫn đến sự chênh lệch này, trong đó có việc "lãnh đạo đơn vị chưa hoạch định trước việc đầu tư và các công việc cần phải thực thi trong dự án CNTT từ đó không đặt vấn đề phải giải quyết bài toán phần mềm ứng dụng trước khi trang bị hệ thống phần cứng.
Một nguyên do từ chính phía doanh nghiệp có nhu cầu mua phần mềm, mà ông Tuấn cho rằng: họ "chưa có kinh nghiệm và chưa có các chỉ tiêu để đánh giá giá trị phần mềm và các chi phí ẩn phát sinh trong quá trình triển khai các dự án ứng dụng. Mặt khác khi không có các kinh nghiệm này thì các doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng các đơn vị tư vấn hỗ trợ cho mình".
Như vậy, định giá phần mềm cách nào để khai thông các dự án CNTT, tạo ra một thị trường phần mềm "bình an", hạn chế bất công, "chặt chém", không lãng phí tiền đầu tư của nhà nước, DN, tiền chảy đúng chỗ... là vấn đề cần sớm được giải quyết. VietNamNet sẽ tiếp tục đi sâu vào vấn đề này trong những bài viết sau...
-
B.D
Ý kiến của bạn: