Xuất hiện ở Việt Nam chưa đầy 4 năm, nhưng game online có tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt và theo đó, nạn hackgame cũng lan nhanh không kém các loại bệnh dịch.
Sau khi FPT tuyên bố độc quyền khai thác MU tại Việt Nam và dọa sẽ khởi kiện các sever MU tự do trên cả nước, "đế chế" MUVN với hàng triệu người chơi gần như đã sụp đổ. Đây quả là cơ hội có một không hai của các nhà cung cấp hội game online mới, đế chế vàng MU đã đi vào quá khứ nhường bước cho những tân binh trẻ với cuộc cạnh tranh khốc liệt, lôi kéo những người chơi game về với mình.
Cuộc chiến không tiếng súng nhưng không kém phần quyết liệt này không chỉ diễn ra giữa các nhà cung cấp game mà còn giữa các game thủ trong thế giới ảo.
Khát khao thể hiện mình và mong đạt tới đỉnh cao mà không cần bỏ ra nhiều công sức đã sản sinh ra gamebuyer, những game sẵn sàng bỏ tiền thật để mua được những món đồ trong game. Có cầu ắt có cung, các gamehacker đã vào cuộc với trò gian lận công nghệ cao của mình. Không chỉ hack game để kiếm tiền, họ còn hack để thỏa mãn tham vọng mong muốn trở thành những tên tuổi lớn của thế giới ảo.
Game online - thế giới ảo và những món hàng được bán với giá hời |
Tôi đi... hack
Trở thành kẻ có sức mạnh và nhận được sự ngưỡng mộ của các game thủ khác quả là một sự cám dỗ khó cưỡng. Rất nhiều game thủ đã đi tìm cho mình những con đường tắt và thật đáng tiếc họ đã... thành công.
Trong vai một tay chơi game cùng với H., một chuyên gia cài keyloger, chúng tôi hạ cánh tại quán game 112 Lê Thanh Nghị (Hà Nội). Chỉ mất chưa đầy 5 phút, H đã vô hiệu hóa chức năng quét virut với vẻ thản nhiên, đồng thời bật chương trình chat lên để tải keyloger. Chung quanh, cả chủ hàng lẫn những người chơi không ai hay biết. Xem H "biểu diễn" xong, tôi định đứng lên trả tiền thì H níu lại bảo: "Ngồi thêm 1-2 tiếng nữa, mới vào một chút mà đã đứng lên bọn nó sẽ nghi".
Quả thật trước màn biểu diễn say sưa của H và sự "ngây thơ" của chủ hàng trước những thủ đoạn như vậy, tôi chợt hiểu ra tại sao nạn hackgame lại có thể hoành hành đến như vậy. Hầu hết các chủ hàng game đều rất mù mờ về công nghệ mạng, tất cả những gì họ có thể làm là cấm người chơi không được nối các thiết bị ngoại vi như USB, đĩa mềm.
Họ không biết rằng những hacker tinh quái đã nắm được điểm yếu này, khi thực hiện hack hầu hết các phần mềm gián điệp được hacker lưu sẵn trên mạng hay thực hiện giao thức chuyển file qua chat. Việc quá tin vào những phần mềm bảo vệ như Norton Anti Virut hay Mc Afee mà không có kiến thức và kinh nghiệm quản lý mạng đã khiến nhiều chủ hàng phải trả giá đắt vì khách chơi game của họ một đi không trở laị do lo sợ bị hack.
Gamehacker, họ là ai?
Tuy nhiên, với một cái nhìn sâu hơn thì trong giới gamehacker luôn có những cấp bậc riêng và cấp độ phá hoại của các thứ bậc này cũng khác nhau. Cao thủ nhất phải kể đến là các coder, tuy chiếm số lượng rất ít nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng, chính họ là những người viết ra phần mềm hackgame.
Sau coder, chiếm số đông là gamepirate hay còn được gọi là cheatuser, là những người không có khả năng lập trình và chủ yếu sử dụng các phần mềm và tài liệu có sẵn do coder viết ra để tiến hành hack. Tùy theo trình độ mà mức độ của cheatuser mà mức độ xâm nhập và đánh cắp cũng khác nhau.
Một gamer biến thành gamehacker như thế nào?
Vậy công sức, tiền của bỏ ra hơn bốn tháng trời cộng với bao đêm "gục bên bàn phím bỏ quên đời" đã bay theo gió. Cường thậm chí không dám tin rằng mình đã mất tất cả, vẫn còn nhà, còn xe nhưng trong thế giới ảo, cậu đã trở thành tay trắng. Sau một đêm mất ngủ vì tiếc, Cường đã lao vào học hackgame và tập hack để mong tìm lại những gì mình đã mất.
Cường đã đạt được mục đích là "tìm lại được cái đã mất", nhưng xem ra cái giá Cường phải trả còn lớn hơn nhiều, đó là niềm say mê game thuở ban đầu. Cậu tâm sự: "Bây giờ, với em, game online nào cũng vậy thôi. Em thấy đó đơn giản chỉ là những món hàng bán được với giá hời". Một cách vô thức, không ít gamer cũng đang tự biến mình thành những kẻ cắp trên mạng.
GameHacker đang là 1 "nghề" rất phổ biến hiện nay |
Khi nạn hackgame tràn lan và ngày càng có xu hướng lan rộng, rất nhiều gamer nghĩ rằng nếu cứ "lương thiện" thì khó mà sống nổi. Trên các diễn đàn hoặc trên mạng chat, các gamer thường truyền khẩu cho nhau các "bí kíp" của mình và cùng nhau thực hành. Để lý giải cho hành động của mình, Gunbound - một gamer phát biểu: ""Muốn chống hack được tốt thì trước tiên phải hiểu về nó đã chứ. Xem ra học ít "ngón nghề" để phòng thân đang được coi là mốt trong giới chơi game online.
"Thiên hạ vô tặc" trong thế giới game online - liệu có quá xa vời?
Việc FPT chính thức công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản ảo cũng như việc trao đổi mua bán đồ ảo bằng tiền mặt đã đem đến một bước phát triển mới cho game online Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh hướng tích cực là tạo ra các gamer chuyên nghiệp, theo kịp xu thế của thế giới thì tuyên bố này cũng vô hình trung trở thành đòn bẩy cho bọn đạo chích game online có đất dụng võ.
Nhìn toàn cảnh công nghiệp game online VN, có thể ví như một cái cây phát triển quá nhanh, lượng thì thừa nhưng chất lại thiếu. Hơn nữa đội ngũ gamemaster phần lớn là những người chơi game giỏi, nhưng năng lực quản trị mạng và xử lý các tình huống ngoài dự kiến thì không nhiều.
Một GameHacker đang "làm việc" |
Vô hình trung, từ sự bất lực của mình, các gamemaster và nhà cung cấp dịch vụ đã để cho một thứ "luật rừng" tự phát trong thế giới game online. Mọi người tự chịu trách nhiệm và giải quyết mọi khúc mắc theo cách riêng và đôi khi rất... rừng của mình.
Bị lấy mất đồ thì tự đi hack để kiếm lại, còn nếu như kém may mắn, lỡ bị bắt quả tang thì chỉ còn nước đi vô bệnh viện mà... rút kinh nghiệm. Đó là những hành vi phạm pháp nhưng cũng không phải là cách giải quyết hiệu quả để xử lý gốc rễ của nạn hacker.
(Theo E-Chip)