221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
772705
Bùng nổ spam trên ĐTDĐ
1
Article
null
Bùng nổ spam trên ĐTDĐ
,

Thư rác (spam) đã buộc bà Fumi Ishii, giám đốc một hãng in ở Nhật, đổi địa chỉ e-mail trên điện thoại di động (ĐTDĐ) vài lần.

Người phụ nữ 57 tuổi này thậm chí đã bỏ ra một tháng trời để truy tìm thủ phạm nhưng spam vẫn liên tục được gửi đến ĐTDĐ của bà. Bà Ishii ngao ngán nói: “Sau nhiều lần truy tìm, tôi cuối cùng cũng tìm ra được thông tin về người gửi những spam này và gọi điện để phàn nàn. Nhưng họ vẫn tiếp tục gửi và lần này tôi không thể biết được chúng được gửi đến từ đâu”.

Từng một thời hoành hành trên các e-mail truyền thống, spam hiện đang tấn công mạnh vào ĐTDĐ dưới hình thức tin nhắn hay e-mail di động. Nick Ingelbert, một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Gartner, nhận định: “ĐTDĐ giờ đã là thiết bị không thể thiếu đối với nhiều người, vì thế việc những kẻ gửi spam nhằm vào ĐTDĐ là không thể tránh khỏi”. Chính phủ nhiều nước đã ban hành luật trừng phạt người gửi spam trong khi các nhà cung cấp dịch vụ áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ khách hàng nhưng vấn nạn spam vẫn tồn tại. Rudy Chan, cựu giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ không dây China.com Inc, thừa nhận: “Spam là thứ mà chúng ta phải sống chung vì không thể loại bỏ được nó”.

Spam trên ĐTDĐ có thể còn hơn cả sự phiền toái. Tại Nhật Bản, người sử dụng thậm chí còn bị tính tiền cho những e-mail không mong muốn này. Đối với những nhà cung cấp dịch vụ, spam không chỉ khiến họ mất uy tín mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Hirohisa Furuichi, một quan chức của Bộ Truyền thông Nhật Bản, nói: “Nếu các nhà cung cấp dịch vụ phải gửi cả những thông điệp không cần thiết, họ phải nâng cấp mạng để hỗ trợ cho lượng dữ liệu thêm này. Số lượng spam quá lớn có thể làm nghẽn mạng và khiến những e-mail hợp pháp không thể gửi đi được”. Việc xác định gánh nặng tài chính mà spam gây ra cho các nhà cung cấp dịch vụ là không dễ. Tuy nhiên, nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu Nhật Bản NTT DoCoMo Inc. cho biết đã chi 250 triệu USD cho các biện pháp chống spam vào năm 2001, thời điểm vấn nạn này bắt đầu bùng phát.

Các nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm bớt spam như hạn chế số lượng thông điệp mà một người sử dụng nhận mỗi lần và trong một ngày hay cho phép người sử dụng từ chối thông điệp từ một số điện thoại hay máy chủ e-mail. Họ cũng tìm cách ngưng cung cấp dịch vụ cho những người gửi spam. Tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, việc đăng ký sử dụng dịch vụ điện thoại trả trước đã bị siết chặt.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng vấn nạn spam trên ĐTDĐ sẽ tiếp tục gia tăng do số lượng người sử dụng ĐTDĐ ngày càng nhiều trong khi phương tiện này có thêm tính năng truy cập Internet. Hiện có khoảng 2 tỉ người sử dụng ĐTDĐ khắp thế giới và số lượng tin nhắn (SMS) tăng mạnh ở nhiều vùng. Vì thế, cuộc chiến vẫn tiếp tục. Joe Farren, người phát ngôn của nhóm công nghiệp không dây CITA ở Mỹ, nhận định: “Spam là mối đe dọa không ngừng gia tăng và các nhà cung cấp dịch vụ buộc phải tiếp tục tăng cường củng cố lại các hệ thống tường lửa để chống lại nó”.

(Theo NLĐ/Reuters)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,