Việc tài sản ảo có được bảo hộ hay không vẫn là một vấn đề mới và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại Điện tử - Bộ Thương mại đã có ý kiến về vấn đề này.
>> Bộ Thương mại bước đầu công nhận tài sản ảo>> Sàn giao dịch ảo cho game, ai được lợi?
Việc tài sản ảo có được bảo hộ hay không vẫn là một vấn đề mới và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại Điện tử- Bộ Thương mại – một trong những cơ quan đã có những nghiên cứu bước đầu về vấn đề này.
* Theo ông, tài sản ảo bao gồm những loại nào?- Hiện nay, các nghiên cứu về tài sản ảo chưa đi tới một khái niệm thống nhất. Hiểu theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng ảo trong thế giới ảo. Hiểu theo nghĩa rộng, tài sản ảo bao gồm tên miền, địa chỉ e-mail, các đối tượng ảo trong thế giới ảo.
* Bộ Thương mại có ủng hộ việc coi tài sản ảo là tài sản không?
- Khái niệm tài sản ảo rất mới mẻ. Mặc dù thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới, việc mua bán tài sản ảo diễn ra rất sôi động nhưng cho tới nay, vẫn còn rất ít nước thừa nhận chính thức tài sản ảo là tài sản và ban hành luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản ảo. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước không thể đứng ngoài cuộc. Bộ Thương mại đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu vấn đề này.
* Theo ông, căn cứ vào những yếu tố nào để khẳng định tài sản ảo là tài sản hợp pháp theo quy định của pháp luật?
|
- Cần phải dựa vào Bộ luật dân sự để xét xem tài sản ảo có phải là tài sản không. Theo điều 163 của Bộ luật Dân sự, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Điều 181 xác định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Theo nghiên cứu bước đầu của chúng tôi, có thể coi tài sản ảo thuộc loại quyền tài sản.
Trong trò chơi trực tuyến đã có những sản phẩm ảo được bán với giá lên tới 80.000 USD. Trên mạng internet, giao dịch mua bán sản phẩm ảo diễn ra sôi động hằng ngày với giá trị bằng tiền thật không phải là nhỏ. Chúng ta cần nhanh chóng nghiên cứu sâu để thấy tài sản ảo có phải là tài sản không và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy những mặt tích cực của thế giới ảo nói chung, trò chơi trực tuyến nói riêng, và hạn chế những mặt tiêu cực của chúng.
* Về mặt cá nhân, ông có ủng hộ việc bảo hộ quyền sở hữu đối với tài sản ảo không?
- Về mặt cá nhân, tôi ủng hộ việc thừa nhận tài sản ảo là tài sản và cần đưa ra những quy định pháp luật xác đáng để bảo vệ nó như chúng ta đã đưa ra các quy định pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu các tài sản thông thường khác. Sự phát triển của khoa học và công nghệ khiến cho khái niệm tài sản không ngừng mở rộng. Chẳng hạn, cách đây vài chục năm khi chưa có internet, có ai nghĩ rằng cụm từ www.business.com là tài sản và có giá lên tới 7 triệu USD !
* Cùng với sự phát triển của game online, trên thị trường đã xuất hiện một số game thủ chơi chuyên nghiệp để "cày" tài sản ảo sau đó bán lấy tiền thật. Chơi game nhưng lại là kiếm tiền. Ông thấy điều này có gì bất thường không ?
- Tôi thấy đó không có gì quá bất thường. Đối với đại đa số mọi người, bóng đá, tennis chỉ là những trò chơi. Tuy nhiên, đối với nhiều vận động viên, chơi bóng đá và tennis là những nghề nghiệp nghiêm túc và có thể đem lại thu nhập rất cao. Game online cũng vậy. Đối với đa số người chơi game, đó chỉ là một trò chơi thông thường nhưng đối với một số người thì đó có thể là một nghề nghiệp thực sự. Họ chơi game để kiếm các đồ vật ảo sau đó bán lại cho những người khác ít có thời gian chơi hơn hoặc chơi kém hơn. Bây giờ có thể nhiều người hoài nghi về điều này nhưng biết đâu thập kỷ sau lại coi đó là bình thường!
* Tại các nước và vùng lãnh thổ khác, người ta nhìn nhận vấn đề tài sản ảo như thế nào?
- Đứng về luật pháp thì Đài Loan, Hàn Quốc đang đi tiên phong trong việc ban hành các văn bản pháp luật về tài sản ảo. Ở Đài Loan, Hàn Quốc, pháp luật đã thừa nhận chính thức tài sản ảo là tài sản, ăp cắp tài sản ảo cũng bị xử lý hình sự như đối với các tài sản khác. Mỹ chưa ban hành các quy định pháp luật thừa nhận tài sản ảo nhưng không cấm mua bán công khai các tài sản này.
Đặc biệt là tại Mỹ, có nghiên cứu nghiêm túc cho rằng nếu Mỹ không nhanh chóng ban hành những quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản ảo thì sẽ tụt hậu so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan trong việc phát triển ngành kinh tế ảo - một ngành kinh tế có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Thế giới ảo không chỉ dừng lại ở trò chơi trực tuyến mà nó còn có thể có ích trong các lĩnh vực khác như thương mại, y tế, giáo dục...
Tài sản ảo trong game online thuộc về ai ? Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom: Game thủ là chủ sở hữu tài sản ảo
Đồ vật ảo trong game online bản chất là một loại dữ liệu máy tính có giá trị bằng tiền thực sự. Mà thứ gì đó có giá trị bằng tiền thật lại không được pháp luật bảo hộ quyền tài sản thì rất dễ dẫn đến những tranh chấp phức tạp. Nếu không có quy định pháp lý về quyền và nghĩa vụ đối với tài sản ảo trong game online thì trong trường hợp có tranh chấp về tài sản ảo xảy ra, người chơi sẽ buộc phải tự giải quyết với nhau. Rõ ràng, việc giải quyết "ngoài vòng pháp luật" có thể dẫn tới những hệ quả không tốt. Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VinaGame: Công ty phát triển trò chơi là chủ sở hữu tài sản ảo Tài sản ảo trong game online là những đoạn mã lập trình thể hiện hình ảnh và công dụng của một vật phẩm trong trò chơi game online. Theo quan điểm của VinaGame, những vật phẩm trong trò chơi là sở hữu của đơn vị phát triển phần mềm trò chơi (trong trường hợp Võ lâm truyền kỳ là hãng KingSoft - Trung Quốc) vì toàn bộ vật phẩm là một phần không tách rời của phần mềm này. Người chơi khi tham gia Võ lâm truyền kỳ chỉ có quyền sử dụng phần mềm trò chơi với mục đích giải trí mà thôi. Theo thông lệ của việc sử dụng các sản phẩm như phần mềm, sách báo, nhạc, phim... thì người dùng cuối được phép sử dụng và phải chấp nhận những quy định của nhà cung cấp khi sử dụng (ví dụ không được sao chép, không được kinh doanh lại...). Và chắc chắn là không thể có chuyện người dùng cuối có quyền sở hữu sản phẩm (hay một phần của sản phẩm) được. Cho đến nay, chưa có bất kỳ công ty phát triển phần mềm nào trên thế giới cho phép người dùng cuối được sở hữu tài sản cả. Một quan chức của Bộ Thương mại: Người chơi đã trả phí cho nhà cung cấp... Về bản chất, một nhân vật, một thanh kiếm, một bộ giáp... chỉ là các mã máy tính trong cơ sở dữ liệu trên máy chủ của nhà cung cấp. Tuy nhiên, người chơi đã trả phí cho nhà cung cấp và nhà cung cấp phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo cam kết. Theo quan điểm của tôi, tài sản ảo mà người chơi có được trong game online phải thuộc về người chơi vì 2 lý do cơ bản. Thứ nhất, người chơi phải bỏ tiền bạc, công sức và thời gian của mình thì mới tạo ra được các đồ vật ảo. Thứ hai, người chơi có thể có được các đồ vật ảo qua việc mua bán, trao đổi một cách hợp pháp. Hoàng Ly (thực hiện) Vàng ảo đắt hơn vàng thật
4 triệu đồng gần bằng 4 chỉ vàng SJC, có nghĩa là bạn có thể sắm được một sợi dây chuyền vàng chóe to tướng - và quan trọng nhất là hàng thật - để khoe với mọi người về cái sự giàu của mình. Cho nên, có vẻ như quá đỗi vô lý nếu đổi 4 chỉ vàng thật kia chỉ để lấy một đoạn mã máy tính - đang phiêu lưu ở xó xỉnh nào đó trong server của nhà cung cấp trò chơi. Quá đỗi vô lý, đối với những người... chưa biết game online là gì. Còn nếu như đã có ít nhất 3 tháng lang bạt tại lục địa MU huyền hoặc hay chốn giang hồ gió tanh mưa máu, bạn sẽ thấy rằng "cái sự vô lý" trên là hoàn toàn bình thường. Cách đây chưa lâu, một game thủ VN đã rao bán trên mạng eBay một Blade Knight (game MU Global) quy ra tiền Việt là 40 triệu đồng. Rồi khi Võ lâm truyền kỳ đã vươn tới con số 30 cụm server trải dài từ Nam chí Bắc, hình thành một thị trường ảo rộng lớn thì dân ngoại đạo với game online cứ liên tục tròn xoe mắt khi nghe đâu đó trong quán cà phê: "Tao mới mua 100 cái bánh chưng, 3 chai", "Đôi giày hoàng kim Nga My 1,5 triệu đồng là quá rẻ", "Thằng Võ Đang nick... mới lượm cái dây chuyền hoàng kim kháng tất cả, bán ngay 200 USD", "Cây thương khủng của thằng X đòi mua 1 chai nó chưa chịu bán"... Vật phẩm thượng hạng trong game chỉ rơi ra với xác suất cực thấp, cho nên cung không bao giờ đủ cầu. Mặt khác, sự tham gia ngày càng đông của giới doanh nhân, nghệ sĩ, trí thức thành đạt túi rủng rỉnh tiền đã đẩy giá cả các vật phẩm trong game leo thang đến chóng mặt. Một doanh nhân trẻ cho biết, anh đầu tư "lai rai" cho nhân vật của mình chỉ mới khoảng... 50 triệu đồng, để có thể trở thành một kiếm khách gần như bách chiến bách thắng. Đối với thu nhập của anh ta và nhiều người khác, số tiền kia chẳng phải là một vấn đề quá lớn trong gần 1 năm online. Tôi là một game thủ... tồi, nên chẳng trông mong một ngày nào đó "hữu duyên" với cái Ma Hoàng Hổ Hạng Quyển trên đường thiên lý. Thế nên, cách duy nhất để sở hữu cái dây chuyền đáng thèm khát này là xì ra 4 triệu đồng cho những tay săn boss chuyên nghiệp. Đáng tiếc là tôi không phải là một doanh nhân thành đạt, và số tiền quy bằng VND trên đã vượt quá "sức chịu đựng" của một game thủ bình thường. Hơn nữa, khi đã sắm sửa một bộ giáp trụ, vũ khí thượng đẳng, chẳng ai dám chắc cơn ác mộng khủng khiếp nhất sẽ không xảy ra với mình: bị hack ! Hiệp khách mới hôm qua còn oai phong lẫm liệt trên đỉnh Trường Bạch có thể trở thành một gã "sexy", bị lột sạch từ cây Phá thiên kích đến con chiến mã trung thành. Điều đó cũng có nghĩa là hàng chục triệu đồng của người chơi đã đi vào cõi vĩnh hằng khi quyền sở hữu tài sản ảo vẫn chưa được bảo hộ... Giang Khê (Theo Thanh Niên) |