(VietNamNet) - Theo con số đại biểu QH đưa ra, mỗi năm ngân sách dành cho trợ giúp pháp lý là 5 tỷ đồng nhưng chỉ tiêu hết 1 tỷ. Nhưng QH đang phải cân nhắc 2 phương án về người được trợ giúp pháp lý vì ''quỹ có hạn''.
Người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí
Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý trình ra QH sáng 24/5 để ngỏ 2 phương án về người được trợ giúp pháp lý miễn phí. Phương án 1, người nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo.
Phương án 2 mở rộng hơn, bao gồm người nghèo, người được hưởng chính sách của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, và vùng xa.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu giải thích: ''Không phải chỉ phương án 2 mới chăm sóc đối tượng chính sách, mà cả phương án 1 cũng chăm sóc đầy đủ đến người nghèo, đến đối tượng có công và đồng bào miền núi vùng sâu, vùng xa''.
''Vấn đề là để chúng ta cân nhắc khả năng ngân sách của Nhà nước. Quỹ chi cho hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí thì có hạn, nên cách thiết kế thế nào cho hiệu quả''.
Ủng hộ phương án 2, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Bắc Ninh) đưa ra những con số:
Trong 8 năm qua (từ 1997 đến 2005) ngân sách Nhà nước cấp cho việc thực hiện trợ iúp pháp lý tại 53/64 tỉnh thành trong cả nước là 41 tỷ 700 triệu đồng, có nghĩa là trung bình mỗi năm trên 5 tỷ.
Nhưng chi trực tiếp cho hoạt động trợ giúp pháp lý bao gồm cả trợ giúp pháp lý cho người nghèo, cho các đối tượng chính sách, chi cho công tác đại diện bào chữa, tư vấn tổng cộng 8 tỷ đồng, trung bình mỗi năm chỉ sử dụng có 1 tỷ.
''Đây là con số không hề lớn so với thực lực ngân sách của Nhà nước. Vì vậy không có lý do gì để có thể nói rằng việc chi trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách là không khả thi''. ĐB Nguyễn Thanh Bình lý lẽ.
Đề nghị trẻ em, người tàn tật... cũng được trợ giúp pháp lý
Chọn phương án 1 nhưng ĐB Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung thêm đối tượng là trẻ em vị thành niên.
''Đây là đối tượng ít có điều kiện tiếp cận các văn bản pháp luật, nhận thức của các cháu chưa chín chắn nên dẫn đến các vi phạm, nhất là các cháu thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình nên rất cần sự trợ giúp pháp lý miễn phí'', bà nói.
Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí là người tàn tật, nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, người già cô đơn không nơi nương tựa, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực hoặc nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ và những người được miễn án phí theo quy định của pháp luật.
Về vụ việc được trợ giúp pháp lý, theo bà Nguyễn Kim Cúc (ĐB Long An) cần quy định cụ thể các vụ việc trực tiếp có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Ví dụ như giải đáp pháp luật, hướng dẫn soạn thảo, góp ý cho đơn từ, văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân. Hoặc những việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý mà họ cho là bị xâm phạm như quyền khiếu nại tố cáo hoặc bị oan sai.
Dự án Luật trợ giúp pháp lý được cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Quốc hội sẽ xem xét, thông qua vào 23/6 tới).
- Văn Tiến