(VietNamNet) - Quốc hội chiều 18/5 ''mổ xẻ'' quyết toán ngân sách nhà nước năm 2004. Với 8 ý kiến của đại biểu và sau giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội nghỉ sớm.
Dự toán chưa sát do dự báo giá cả không chính xác
ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế) phân vân việc dự toán ngân sách không sát với thực tế. Quyết toán ngân sách hàng năm so với dự toán chênh lệch lớn, riêng năm 2004 là 25%. ''Có phải địa phương dự toán thấp để lấy thành tích, được tăng số bổ sung từ ngân sách Trung ương?'', bà đặt câu hỏi.
Giải trình ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng nói. ''Năm 2004, thu từ dầu thô vượt 88%, đất đai vượt 185,7% so với dự toán, chiếm 80% tăng thu. Nếu không kể 2 yếu tố này, chỉ tính sản xuất kinh doanh nội địa yếu tố thì quyết toán chỉ tăng 5%. Tôi cho Quốc hội dự toán như vậy là sáng suốt!''.
''Chúng ta đã dùng chuyên gia về giá, nhà nghiên cứu về dầu, tham khảo thị trường quốc tế, dự báo của OPEC để tính toán giá dầu nhưng cũng chưa thật chính xác. Chưa chính xác nên chúng tôi trình Quốc hội phương án cố gắng làm sao cho chắc. Vượt lên thì tốt nhưng nếu hụt rất gay go'', ông thuyết phục đại biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng giải trình trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng Tài chính hứa trước Quốc hội ''đẩy mạnh chống thất thu''
Không chỉ thấy thành tích, ĐB Nguyễn Kim Khanh (Bình Phước) nói rằng ''Đằng sau con số thu là những bất ổn và lo lắng'' do nguồn thu không bền vững, phụ thuộc vào dầu thô, bán đất và tình trạng chây ì, nợ đọng thuế...
''Trên mọi nẻo đường của đất nước đều thấy khẩu hiểu ''thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước''. Nhưng thực tế xuất khẩu dầu thô, nguyên liệu thô, bán đất mới là nguồn thu chủ yếu! Bán hết thì con cháu chúng ta sẽ làm thế nào'', ông trăn trở.
Ngoài kiến nghị chế tài mạnh với đối tượng gian lận, dây dưa, nợ đọng thuế, ông Nguyễn Kim Khanh hỏi Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng: ''Có hay không cán bộ thuế thông đồng với đối tượng nộp thuế để ''cưa đôi'' tiền thuế?''
''Tình trạng thất thu còn lớn, thỉnh thoảng vẫn có trường hợp người của cơ quan thuế, cơ quan hải quan còn có móc ngoặc với người nộp thuế'', Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục nói: ''Chúng ta có gần 250.000 doanh nghiệp, trong đó cũng có doanh nghiệp ma, chộp giật, trốn thuế... Chúng tôi xin hứa với Quốc hội sẽ tích cực làm tốt công tác đẩy mạnh chống thất thu! Sắp tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật quản lý thuế để quản lý thuế tốt hơn. Sẽ cố gắng giảm dần, đẩy lùi chứ còn khắc phục tuyệt đối tôi không dám hứa!''.
Theo ông, trong 5.542 tỉ đồng nợ đọng thuế đến 31/12/2004, chỉ có 2.168 tỷ là thuộc nợ khó đòi do các doanh nghiệp đã thua lỗ, phá sản và một số là doanh nghiệp ''ma''...
Kỷ luật ngân sách không nghiêm!
Bên cạnh thu ngân sách, thì việc chi sai mục đích, sai nhiệm vụ gây bức xúc nhiều hơn cho đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng lên tiếng: ''Báo cáo của Kiểm toán cho thấy Bộ GTVT dùng vốn đầu tư XDCB để xây dựng trụ sở, mua ôtô... lên tới 143 tỷ đồng. Quyết định đầu tư 28 dự án không có trong danh mục các dự án chủ yếu của kế hoạch 5 năm với tổng mức đầu tư 1.460,7 tỷ đồng. Những việc này, Chính phủ đã xử lý chưa?''
''Trên 10 tỉnh chi vượt 50%; một số tỉnh chi vượt gấp 3 lần… Kỷ luật ngân sách như vậy là không nghiêm!'', Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Đặng Văn Thanh, nhận xét.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận một số tỉnh ''đang lo'' vì vay nợ xây dựng cơ bản vượt mức 30% cho phép (trên tổng số đầu tư XDCB của ngân sách địa phương). Đó là Tuyên Quang 47%, Vĩnh Phúc 59%, Yên Bái 46%, Bình Dương 56%, Hậu Giang 67%... Theo ông, nếu các tỉnh này không cân nhắc sẽ ''dẫn đến nợ nần dây dưa mà khả năng ngân sách không trả được''.
80% vốn đầu tư xây dựng rót về 26 đấu mối ''xin - cho''?
ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) đặt câu hỏi: ''Có bao nhiêu công trình dùng ngân sách 2004 không được đưa vào sử dụng do chất lượng xấu, kém hiệu quả? Có bao nhiêu công trình hoàn thành trong năm 2004 mà chưa quyết toán?''.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng chỉ trả lời việc công trình chậm quyết toán: ''Ta làm quyết toàn ngân sách theo niên độ nhưng quyết toán xây dựng cơ bản theo công trình''.
Ông Lê Quốc Dung cũng phản ánh: Năm 2004, vốn ngân sách cho XDCB là 53.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở 26 bộ, ngành ở Trung ương (chiếm 80%). 26 đầu mối này là nơi ''xin - cho'', tình trạng địa phương phải chạy dự án không giảm.
Ông dẫn chứng: Ở Tiền Giang, dân xin làm cây cầu dài 30m bắc qua con mương với 1,4 tỷ đồng nhưng PMU18 ''phù phép'' cầu dài gần 100m với vốn đầu tư 13 tỷ đồng, làm xong dân không sử dụng được.
Trước không khí nghị trường có phần im lặng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi phát biểu: ''Đại biểu Quốc hội nói chung chỉ nắm được ''ngọn'' mà chưa nắm được ''gốc'' của ngân sách. Gốc của ngân sách là định mức chi như thế nào, thực hiện ra sao...''. Ông cũng cho rằng, thời gian dự toán và quyết toán ngân sách ''xa nhau'' quá (quyết toán sau 18 tháng) nên đại biểu có thể... quên, khó góp ý kiến.
Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng giải trình những thắc mắc của đại biểu bằng văn bản trước khi Quốc hội ''bấm nút'' thông qua quyết toán ngân sách 2004 vào ngày 22/6 tới.
-
Văn Tiến