(VietNamNet) - 'Sẵn sàng ghi nhận ý kiến và quan tâm đến quyền lợi của các nhà khoa học, tại buổi gặp gỡ với giới khoa học, công nghệ ngày 24/9, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kêu gọi cần có một cuộc đột phá trong khoa học công nghệ như "khoán 10 trong nông nghiệp" trước đây.
Sau khi nghe tâm tư, nguyện vọng ý kiến của một số nhà khoa học, Thủ tướng đã thẳng thắn đối thoại, chia sẻ băn khoăn và đưa ra giải pháp cùng tháo gỡ để phát triển nền khoa học, công nghệ nước nhà.
VietNamNet xin lược đăng bài phát biểu của Thủ tướng:
Thủ tướng Phan Văn Khải: ''Bệnh hám chức, hám danh, hám lợi trong cán bộ khoa học không phải không có'' |
Mặc dù điều kiện chăm lo cho cán bộ khoa học công nghệ tuy đã tốt hơn so với 5-10 năm trước, nhưng vẫn còn thua xa điều kiện nghiên cứu của các nước. Trong điều kiện đó, nhiều cán bộ khoa học vẫn khắc phục khó khăn, bám sát thực tế, tạo ra nhiều sản phẩm và công nghệ có giá trị ứng dụng cao, một số kết quả nghiên cứu đã đạt được trình độ quốc tế. Đó là điều đáng tự hào và đáng được biểu dương.
Chính phủ cũng xin ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, công nghệ trong buổi làm việc hôm nay. Như tôi đã nói, tại buổi gặp gỡ này các đồng chí đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, xác đáng cho Đảng và Chính phủ, thể hiện tâm huyết của đội ngũ khoa học công nghệ đối với đất nước. Các đồng chí đã nêu những vấn đề rất cốt lõi của công tác khoa học, công nghệ hiện nay. Tôi rất hoan nghênh ý kiến các đồng chí, Chính phủ sẽ suy nghĩ kỹ và nghiêm túc tiếp thu để vận dụng vào trong thực tiễn.
Đặc biệt là những ý kiến về cơ chế, chính sách, tổ chức, quản lý khoa học, làm thế nào chúng ta tháo gỡ những vướng mắc, ràng buộc, kìm hãm để khoa học công nghệ của chúng ta trở thành động lực phát triển đất nước trong thời kỳ tới. Đó là khâu có ý nghĩa rất quyết liệt đối với vận mệnh đất nước trong thời kỳ mới. Nhiều cán bộ, khoa học công nghệ thể hiện nguyện vọng muốn cống hiến nhiều hơn nữa niềm đam mê và sáng tạo của mình. Đây là thế mạnh của cán bộ khoa học, công nghệ Việt Nam.
Chúng tôi muốn đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ phải nghiên cứu, tạo điều kiện hướng niềm đam mê của cán bộ khoa học, công nghệ thực tế phục vụ trực tiếp vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mang lại hiệu quả; phục vụ cho sản xuất kinh doanh và giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội. Bằng trí tuệ của cán bộ khoa học công nghệ phải nhanh chóng làm chủ được công nghệ nhập từ nước ngoài và tiến nhanh đến tự chủ công nghệ, tạo ra các công nghệ của Việt Nam.
Những ý kiến đề nghị tạo môi trường làm việc tốt, điều kiện nghiên cứu đầy đủ hơn, đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần, lương, thu nhập, khen thưởng... đều là những nguyện vọng chính đáng.
Chính phủ đang nghiên cứu và từng bước đáp ứng nguyện vọng đó, nhất định là tốt dần lên và thực sự khuyến khích được người tài không theo kiểu bình quân chủ nghĩa mà phải theo đóng góp của mỗi cán bộ khoa học và công nghệ.
Những đề nghị nâng cao trình độ, học tập và giao lưu và thông tin quốc tế đều hợp lý. Bộ Khoa học Công nghệ cần phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra chính sách cụ thể hơn để thu hút thế hệ trẻ ham mê khoa học, phấn đấu trở thành nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng để kịp thời thay thế các nhà khoa học thế hệ đi trước. Đây là điều hết sức cấp bách trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ nước ta.
Nhiệm vụ cho các nhà khoa học, công nghệ rất nặng nề!
Vài tháng nữa là kết thúc kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005. Chúng ta rất vui mừng nhận thấy rằng nền kinh tế vượt lên qua khó khăn, trở ngại đạt mức tăng trưởng khá cao. Tuy vậy, ta vẫn nằm trong danh sách các nước đang phát triển có thu nhập thấp của thế giới... Vấn đề này đặt ra cho các nhà khoa học nhiệm vụ rất nặng nề!
Rõ ràng chúng ta không cam chịu sự tụt hậu này, phải cố vươn lên, phấn đấu đưa nước ta ra khỏi danh sách những nước đang phát triển có thu nhập thấp vào năm 2010. Lúc đó chúng ta phấn đấu đạt được thu nhập bình quân đầu người trên dưới 1.000USD. Như vậy, tốc độ tăng trưởng 5 năm 2006-2010 phải cao hơn bình quân 7,5%. Nhiệm vụ nặng nề và rất bức bách của 5 năm tới là nền kinh tế của ta phải phát triển nhanh và bền vững.
Muốn như vậy chúng ta không còn con đường nào khác, hay vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước là phải nâng cao chất lượng của sự phát triển, tăng nhanh sức cạnh tranh của từng sản phẩm, của từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Các vấn đề nêu trên đặt ra cho đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ nước nhà nhiệm vụ rất nặng nề!
Tôi xin nêu những vấn đề sau đây để chúng ta cùng suy nghĩ và cùng hành động trong thời gian sắp tới:
Chúng ta phải gắn kết được các trường đại học với các cơ sở nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoạ học, công nghệ, giáo dục đào tạo vào sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới nâng cao được trình độ của đội ngũ thầy giáo, mới nâng cao được chất lượng đào tạo và gắn kết được đào tạo với yêu cầu của cuộc sống đặt ra, mới có thêm nguồn thu cho nhà trường phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo.
Khoa học, công nghệ đang cần ''khoán 10'' để đột phá
Khi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi đã góp ý Bộ cần quan tâm thúc đẩy một số việc quan trọng. Mong muốn của cán bộ khoa học, công nghệ như nhiều đồng chí đã nêu ở đây là tìm ra cơ chế chính sách, tạo ra động lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như ''khoán 10 trong nông nghiệp''.
Có đồng chí nói đây là ''Hội nghị Diên Hồng'' của khoa học, công nghệ. Tôi nghĩ đó là mong muốn rất chính đáng! Tôi rất muốn sau Hội nghị này, Bộ Khoa học Công nghệ cùng với các bộ xem lại kiến nghị của các cán bộ khoa học, thực sự muốn trong khoa học, công nghệ đột phá như ''khoán 10 trong nông nghiệp'' trước đây.
Chúng ta phải làm gì để tìm ra khâu đột phá? Nói rất đúng như các nhà khoa học nhân văn là phải có tư duy mới.
Chúng tôi rất muốn các đồng chí đề xuất ý kiến, kiến nghị để Chính phủ qua Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, Chính phủ nghe vấn đề, xử lý vấn đề áp dụng khoa học vào đời sống và sản xuất. Đây là những vấn đề rất bức bách. Chúng ta phải đi thật nhanh thì mới tránh được nguy cơ tụt hậu.
Vì vậy, Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ cần tập trung nghiên cứu, để đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, chăm lo phát triển công nghệ và đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Doanh nghiệp phải tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, hình thành các tổ chức nghiên cứu trong doanh nghiệp. Nhà nước sẽ có cơ chế để doanh nghiệp có thể dành từ 3-5% doanh thu cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Các bộ phải cùng với Bộ Khoa học Công nghệ tập trung hơn nữa đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ và thúc đẩy đầu tư của toàn bộ xã hội cho đổi mới công nghệ...
Định giá... trí tuệ để khuyến khích sáng tạo
Cần có cơ chế đặc biệt cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ quốc gia như phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ... Cần phân loại lĩnh vực khoa học, tổ chức khoa học nào thì nhà nước phải lo kinh phí, còn loại nào thì theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và ở đâu thì khuyến khích chuyển đổi... Trí tuệ, kết quả khoa học là tài sản. Sản phẩm khoa học nào có thể định giá được thì định giá để khuyến khích cán bộ, khoa học có nhiều sáng tạo trong nghiên cứu.
Để chuẩn bị gia nhập WTO, Bộ Khoa học Công nghệ cần khẩn trương xây dựng lộ trình hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ; mạnh dạn đưa cán bộ giỏi ra nước ngoài học tập, tìm hiểu công nghệ để chuyển giao về nước. Mở rộng mạng lưới đại diện khoa học, công nghệ ở nước ngoài, có chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là chuyên gia giỏi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia các hoạt động phát triển khoa học công nghệ ở trong nước.
Chúng tôi cũng rất lo lắng là các đồng chí đào tạo bị xơ cứng, không nghiên cứu, không tiếp cận được tri thức mới, rất có hại cho đào tạo, không đáp ứng được nhu cầu mới.Đề nghị các đồng chí hiến kế cho, cả việc Thủ tướng phải làm gì để đưa khoa học công nghệ của chúng ta thành động lực, làm gì để gắn nghiên cứu với đào tạo, đào tạo với nghiên cứu, đi đến phục vụ sản xuất, đưa vào cuộc sống? Và cần có quyết định gì, xin các đồng chí góp ý cho!
Và tôi cũng muốn nói thẳng...
Trong cán bộ khoa học và cơ quan quản lý khoa học hiên nay vẫn còn một số tồn tại mà tôi muốn nói thẳng thắn với cách đồng chí:
Đó là bệnh mất đoàn kết trong cán bộ khoa học của chúng ta còn khá nặng nề. Cái thứ hai là tinh thần hợp tác với nhau cũng chưa tốt. Trường thì giáo viên không có thì giờ nghiên cứu để cải tiến giáo trình cho phù hợp, cứ sách bài đó giảng từ hoài từ năm này qua năm khác. Trong khi các viện nghiên cứu trình độ cao hơn thì ít được huy động, chưa đóng góp cho giảng dạy. Sắp tới chắc phải có cơ chế để tháo gỡ cái này.
Một bệnh nữa trong cán bộ khoa học, công nghệ trong trí thức của chúng ta đó là có nhiều biểu hiện thiếu trung thực. Số này không nhiều nhưng rất ảnh hưởng, hạn chế. Tôi nói mạnh hơn, đậm nét hơn, đó là bệnh hám chức, hám danh, hám lợi trong cán bộ khoa học, công nghệ không phải không có.
Ông cha mình đã nói: ''Hiền tài ở nguyên khí của quốc gia''. Chính khoa học, công nghệ của chúng ta phải làm sao đóng góp rất nhiều hiền tài để trở thành ''nguyên khí của quốc gia'', trở thành động lực để xây dựng và phát triển đất nước. Tôi có niềm tin rằng, những cán bộ khoa học, công nghệ của nước ta ngày nay xứng đáng là ''nguyên khí của quốc gia'' như đánh giá và tôn vinh cao đẹp của ông cha ta trong lịch sử dân tộc.
Nhân buổi gặp mặt tổ chức hôm nay, tôi xin một lần nữa thay mặt Chính phủ cảm ơn sự có mặt động đủ của các đồng chí! Chúc các nhà khoa học, công nghệ của chúng ta sẽ thành công lớn trong những năm sắp tới!''.
-
Văn Tiến lược ghi
Ý kiến của quý vị về bài nói của Thủ tướng Phan Văn Khải: