(VietNamNet) - "Trong khi người dân rất khó khăn mới làm ra được từng đồng để đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thì một số cơ quan lại rất phung phí trong việc xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện làm việc đắt tiền, mua xe ô tô vượt tiêu chuẩn quy định, tổ chức lễ hội, khánh thành công trình tốn kém..."
Đây chỉ là một trong rất nhiều vấn đề mà cử tri cả nước bức xúc gửi tới kỳ họp thứ 7, QH khoá XI thông qua Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Thường vụ QH tập hợp được hơn 979 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Trong đó có 62 ý kiến gửi đến Quốc hội, 136 ý kiến gửi đến Chính phủ, 10 ý kiến gửi đến các cơ quan tư pháp, 771 ý kiến gửi đến các bộ ngành, tổ chức, đơn vị. Dự kiến, bản báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri lần này sẽ được đại diện lãnh đạo Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình QH vào 8/6 tới.
Theo phản ánh, đa số ý kiến cử tri tỏ vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu đất nước đạt được trong năm 2004 và trong hai quý đầu năm 2005. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề khiến cử tri bức xúc kiến nghị QH xem xét, giải quyết, đó là mối lo về hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi; giá cả nhiều mặt hàng tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; tình trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách và tài sản công; thất thoát, tiêu cực trong đầu tư, xây dựng cơ bản; tệ nạn tham nhũng, ma tuý, mại dâm; vấn đề cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, đảm bảo an toàn giao thông... chưa có chuyển biến rõ rệt.
Quốc hội, Chính phủ và Trung ương cần làm gương chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm!
Cử tri và nhân dân ở nhiều địa phương rất bức xúc kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ tăng cường chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, cử tri rất bất bình trước tình trạng một số cán bộ lợi dụng chức quyền để chia chác đất đai. Nhiều đơn vị kinh tế Nhà nước, nhất là một số tổng công ty 90, 91 thuộc Chính phủ và các Bộ quản lý liên tục diễn ra tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng.
Cử tri và nhân dân rất lo lắng trước tình trạng này và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ làm rõ trách nhiệm thuộc về ai để xử lý nghiêm minh, có giải pháp kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên.
Không chỉ bức xúc trước tình trạng tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, cử tri cả nước cũng bày tỏ sự bất bình trước việc lãng phí ngân sách Nhà nước và tài sản công diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều nơi. "Trong khi người dân rất khó khăn mới làm ra được từng đồng để đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thì một số cơ quan lại rất phung phí trong việc xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện làm việc đắt tiền, mua xe ô tô vượt tiêu chuẩn quy định, tổ chức lễ hội, khởi công, khánh thành công trình tốn kém" - một cử tri phản ánh.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có biện pháp đồng bộ để chấm dứt tình trạng này, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương cần làm gương trong việc chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Quốc hội cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân góp ý vào 2 dự án Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trước khi ban hành" - cử tri kiến nghị.
Cử tri yêu cầu xử lý nghiêm các vụ tiêu cực trong xây dựng cơ bản
Lo lắng trước thực trạng đầu tư xây dựng cơ bản dàn trải và hiệu quả kinh tế không cao, nhiều công trình Nhà nước phải đầu tư vốn lớn nhưng thi công chậm, thời gian kéo dài gây lãng phí nghiêm trọng, cử tri kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ, đủ mạnh sớm khắc phục tình trạng này.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đông đảo cử tri và nhân dân ở nhiều nơi bất bình vì có nhiều vụ việc tiêu cực đã bị phát hiện, nhưng việc xử lý, giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền còn chậm. Nhiều công trình xây dựng chất lượng kém không sử dụng được, hoặc vừa mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, do bị bớt xén nguyên vật liệu, "rút ruột" như khu nhà chung cư đang xây dựng ở quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) và 59 công trình có thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng đã đăng trên một số tờ báo trong năm 2004, được Tổng Hội xây dựng Việt Nam thu thập và công bố.
Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm minh những cơ quan, tổ chức, cá nhân để xảy ra những vụ việc tiêu cực nêu trên và có giải pháp để quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đầu tư và xây dựng cơ bản.
Liên quan đến vấn đề thiếu điện gây bức xúc hiện nay, cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết nguồn điện trước mắt và có chiến lược bảo đảm ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất và đời sống trong mọi tình huống.
Trước tình trạng tai nạn giao thông diễn ra ngày một nghiêm trọng ở cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, cử tri bức xúc kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nhằm khắc phục tình trạng này.
Ngoài những vấn đề trên, cử tri cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, nhất là ngành Giáo dục & Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và từng gia đình cần phối hợp đồng bộ để quản lý, giáo dục thanh thiếu niên có lối sống lành mạnh. Thực trạng một bộ phận lớp trẻ không nhỏ bị tha hoá về đạo đức và lối sống, tổ chức ăn chơi sa đoạ, hút sách, nghiện ngập... khiến cử tri và nhân dân vô cùng lo lắng.
Nhiều người có công vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách
Đông đảo cử tri và nhân dân cả nước rất hoan nghênh và phấn khởi trong những năm qua Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp đã tập trung và quan tâm tới công tác xoá đói, giảm nghèo, làm giảm tỉ lệ đói nghèo trong cả nước còn 8,3%. Đặc biệt, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các ngành đã tập trung làm nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo.
Tuy nhiên, hiện nay số hộ đói nghèo vẫn tập trung chủ yếu ở các khu căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cả nước vẫn còn gần nửa triệu hộ nghèo đang sống trong các nhà tạm, dột nát. Cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác xoá đói giảm nghèo, triển khai có hiệu quả Quyết định 134/2004-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.
Băn khoăn trước việc tăng lương và phụ cấp cho cán bộ, công nhân viên chức và những đối tượng chính sách triển khai quá chậm, trong khi giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ, công chức và nhân dân, cử tri kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, giải quyết nhằm đảm bảo mức sống cho cán bộ, công nhân viên chức, các đối tượng chính sách và cán bộ nghỉ hưu.
Đặc biệt, đã qua 30 năm giải phóng đất nước, nhưng đến nay vẫn còn một số người tham gia kháng chiến và tù chính trị do nhiều lý do vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách. Cử tri mong Chính phủ sớm giải quyết cho những trường hợp này.
Cử tri muốn cơ quan công quyền không còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết KNTC của dân
Theo phản ánh của cử tri cả nước, tuy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực song nhiều vụ việc không phân định rõ đúng, sai, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết giữa các cơ quan, giữa cấp trên và cấp dưới dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, nhất là vào dịp các kỳ họp của Quốc hội. Thậm chí, một số vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết cuối cùng, đúng pháp luật, nhưng qua nhiều năm vẫn không thi hành được; làm cho người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải dành thời gian tiếp công dân, tăng cường đối thoại, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện kéo dài, nhất là trên lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.
Cử tri và nhân dân nhiều địa phương kiến nghị các cơ quan tư pháp sớm giải quyết những vụ việc mà nhân dân khiếu nại và bức xúc kêu oan kéo dài; thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, tổ chức đã dũng cảm dám đấu tranh chống tiêu cực; xử lý nghiêm minh những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, cửa quyền, hách dịch, thiếu trách nhiệm với nhân dân và bao che tiêu cực.
-
Nguyệt Minh