(VietNamNet) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân cho biết như vậy tại buổi gặp gỡ với đoàn doanh nhân Việt kiều tham gia hành trình xuyên Việt chiều 21/1, tại trụ sở của Quốc hội.
Ông Nguyễn Ngọc Trân vui mừng đón tiếp đoàn và tỏ ý được nghe những tâm tư, tình cảm của Việt kiều qua chuyến hành trình xuyên Việt, những băn khoăn, vướng mắc để tháo gỡ, tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho Việt kiều về thăm quê hương và đầu tư tại quê nhà.
Không ai có thể "tạo ra" quê cha, đất tổ thứ hai!
Đoàn doanh nhân khảo sát từng địa phương dọc đường đi. |
Giáo sư Lê Quý (Việt kiều Úc) rất xúc động khi ông đếm đúng ''46 năm 6 tháng'', nay mới có dịp về thăm quê hương. Ông kể ra hàng loạt dự án, chương trình mà mình muốn tham gia như dự án Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc, Khu công nghiệp An Khánh (Hà Tây), tham gia vào làm quy hoạch khu du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng...
''Một người sống xa quê hương lâu năm như tôi, thấy mình thật may mắn sinh ra là người Việt Nam. Tôi muốn nói với những Việt kiều ở Anh, Pháp, Mỹ..., những nơi đó là quê hương thứ hai! Nhưng không người Việt nào có thể tạo ra được quê cha, đất tổ thứ hai. Còn tha thiết với quê cha, đất tổ thì nên về với quê hương'', ông Quý xúc động.
Giáo sư Lê Quý kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn cho Việt kiều về thăm quê hương. Ông cũng nhắc đến ông Nguyễn Cao Kỳ đã về thăm quê và tham gia vào hoạt động xúc tiến đầu tư.
Qua hành trình xuyên Việt, ông Lưu Văn Khương (Việt kiều Ý) rất băn khoăn khi thấy Việt Nam chủ yếu xuất khẩu khoáng sản thô. Ông mong muốn đóng góp khả năng của mình vào các nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản.
Đánh giá Nghị quyết 36 là ''một bước ngoặt lịch sử'', nhưng theo ông Khương, Quốc hội cần cụ thể hoá Nghị quyết này thành văn bản pháp quy và hướng dẫn cụ thể.
VTV4 nên có mục cơ hội đầu tư cho Việt kiều
''Truyền hình VTV4 dành cho người Việt ở nước ngoài cần thêm một mục về cơ hội đầu tư. Giới thiệu đến Việt kiều chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với Việt kiều. Qua kênh thông tin này, cũng nên giới thiệu với bà con ta ở nước ngoài những dự án đã và đang triển khai trong nước của Việt kiều''. Ông Bùi Minh Bắc (Việt kiều ở CHLB Đức) đưa ra sáng kiến.
Về chính sách lưu trú, visa đi lại đối với Việt kiều, theo ông Bắc, cần cởi mở hơn. ''Nhà nước miễn vi sa cho khách du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc được thì nên miễn visa cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Việt kiều cũng là con của Cha, của Mẹ, rất mong muốn đem tiềm năng về chất xám, về quản lý, vốn đầu tư đóng góp cho đất nước. Tôi biết Trung Quốc làm rất tốt vấn đề này'', ông Bắc tha thiết đề nghị.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết, ông có 9 công ty ở nhiều ngành nghề khác nhau ở trong nước. Đồng quan điểm với nhiều Việt kiểu khác, ông đánh giá chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt ở nước ngoài rất tốt nhưng cần cụ thể và cởi mở hơn. Chẳng hạn đối tượng Việt kiều được mua nhà trong nước, cần mở rộng đối tượng với người Việt xa quê đã có tuổi, này muốn ''lá rụng về cội''.
Ông Mỹ hy vọng Việt kiều ngày càng đầu tư nhiều hơn về nước, đưa các DN trong nước mạnh lên, vươn ra thị trường bên ngoài. Khi DN đã vươn ra thị trường bên ngoài, Việt kiều sẽ là kênh phân phối sản phẩm hiệu quả. Chính sách thu hút Việt kiều đầu tư cũng cần thông thoáng, cởi mở hơn để kiều hối và đầu tư của bà con Việt kiều đúng chỗ, đúng đường hướng của Nhà nước. Ông lấy dẫn chứng cần bãi bỏ thủ tục không cần thiết: ''Tôi vốn quê Hà Tĩnh, Công ty mở một chi nhánh tại Hà Tĩnh, nhưng phó giám đốc mang giấy phép kinh doanh lên xin không được, mà chính tôi tận tay phải cầm giấy phép lên''.
Sẽ mời anh em Việt kiều về làm TGĐ một số công ty nhà nước
Ông Bùi Tiến Thành (Việt kiều Mỹ) dẫn ra những tấm gương Việt kiều về nước như Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân. Ông Thành nói: Tất cả đều về dưới ngôi nhà chung, đóng góp xây dựng đất nước. Quốc hội cần tiếp tục có những điều luật để không còn khoảng cách giữa người Việt trong hay ngoài nước...
Kết thúc buổi gặp gỡ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân hoan nghênh các Việt kiều đã tâm huyết đưa ra những đề nghị, sáng kiến của mình. Những kiến nghị này sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân khẳng định tinh thần của Nghị quyết 36 là đại đoàn kết dân tộc, cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Ông thông báo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết cụ thể hoá Nghị quyết 36. Đó là tạo điều kiện ổn định đời sống cho kiều bào tại nước sở tại, ký kết các điều ước bảo hộ công dân, hỗ trợ tư pháp; tạo điều kiện gắn bó hơn nữa cho người Việt về quê như cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú, hộ tịch, chính sách một giá, sở hữu nhà, người Việt ở nước ngoài được học văn hoá Việt Nam...
Phát huy tiềm năng tri thức của kiều bào, ông cho biết: ''Quốc hội sẽ sửa Luật Doanh nghiệp, mời anh em kiều bào có trình độ, kinh nghiệm làm tổng giám đốc một số công ty nhà nước''. Nhà nước cũng sẽ có chính sách khen thưởng xứng đáng đối với bà con kiều bào đã có công...
Ông Trân mong rằng, hàng năm sẽ có những buổi gặp gỡ như thế này.
Hà Nội đang rất cần đầu tư
Ngay sau cuộc gặp Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, đoàn doanh nhân Việt kiều tham gia chuyến "Hành trình xuyên Việt" đã có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Hà Nội ngay tại UBND thành phố.
Những vấn đề còn "bức bách" của Hà Nội hiện tại, theo giới thiệu khái quát của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu, chính là vấn đề thiếu nhà ở, cầu bắc qua sông Hồng quá tải; kinh tế phát triển nhưng chưa ổn định, chưa khai thác hết tiềm năng; ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp sạch còn yếu; thiếu điện, nước, chưa có nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao.... "Đó cũng chính là những lĩnh vực mà Hà Nội đang kêu gọi sự đầu tư của các doanh nhân Việt kiều cũng như các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư khác"- Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu nói.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP, ông Nguyễn Đỗ Khuê đã tranh thủ "tiếp thị" 8 tiềm năng đặc biệt riêng có của Hà Nội.
"Hà Nội đang cần thu hút sự đầu tư ở các lĩnh vực điện tử, tin học, viễn thông; chế biến thực phẩm vi sinh; công nghiệp cơ khí chính xác cũng như phát triển công nghiệp dệt may để giải quyết việc làm cho nông dân mất đất trong quá trình đô thị hoá" - ông Khuê cho biết.
TP.Hà Nội gặp gỡ các doanh nhân Việt kiều. |
Theo lời Chủ nhiệm CLB Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ, dự tính ban đầu trong Hành trình xuyên Việt của đoàn là sẽ ghé 15 tỉnh, thành trong cả nước nhưng đến khi đặt chân lên thành phố Hà Nội thì đây đã là điểm đến thứ 18 của Đoàn.
"Rất nhiều anh chị em trong đoàn đã xác định được lĩnh vực đầu tư tại các địa phương mình đã đi qua" - ông Mỹ tiết lộ.
Kết thúc buổi tiếp đoàn Doanh nhân Việt kiều đi xuyên Việt, Chủ tịch TP. Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Triệu hoan nghênh những dự định đầu tư của Việt kiều vào Hà Nội.
"Các anh chị nếu gặp vấp váp gì trong quá trình đầu tư tại thành phố cứ phản ánh với chúng tôi. Cán bộ công chức thành phố có người nhiệt tình, cũng có người chưa nhưng thủ tục hành chính của Thủ đô đã trở nên giản tiện hơn nhiều" - ông Triệu khuyến nghị.
-
Văn Tiến - Nguyệt Minh