(VietNamNet) - ''Nợ nước ngoài của ta trên dưới 13 tỷ USD nhưng vay, sử dụng thế nào, Quốc hội không biết gì''. Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão cho biết trong phiên thảo luận về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
ĐB Quốc hội phát biểu tại Hội trường. |
Điều ước quốc tế ''trên luật, dưới Hiến pháp''
Trường hợp điều ước quốc tế trái hoặc khác với pháp luật trong nước thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế. Một số đại biểu băn khoăn, nếu điều ước quốc tế trái với Hiến pháp thì sao?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng giải đáp, trong dự luật đã có quy định điều ước quốc tế không được có điều khoản trái với Hiến pháp. Theo ông, vị trí của điều ước quốc tế ''trên luật, dưới Hiến pháp'' là thoả đáng.
ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) lên tiếng: ''Vấn đề không phải cao hơn hay thấp hơn mà quan trọng là thực hiện điều ước quốc tế. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã ký kết 700 điều ước quốc tế, có ai biết hết không? Để các điều ước quốc tế tự... ''bơi'' không phải là tích cực''.
Ông kiến nghị cơ quan soạn thảo ở các bô ngành cần rà soát các điều ước quốc tế để nội luật hoá như khi làm Bộ luật Hàng hải, Luật Thương mại...
Ra Quốc hội, điều ước quốc tế không ổn thì sửa thế nào?
''Trước khi ký điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật, thì đưa ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, sau đó UBTVQH báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Nhưng sau đó phản ứng của Quốc hội ra sao chưa thấy nói đến! Chứ chỉ để Quốc hội biết thì không nên'', ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) băn khoăn.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị (ĐB Hà Nam) hưởng ứng: ''Nếu Quốc hội thấy nội dung của điều ước quốc tế không ổn thì sửa thế nào?''. Ông cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, có thể gửi nội dung xin ý kiến đến các đại biểu Quốc hội chứ không phải đợi vài tháng đại biểu mới biết.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu nói: ''UBTVQH sẽ cân nhắc kỹ, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Quốc hội để phê duyệt. Nếu phải báo cáo Quốc hội thì sẽ rất chậm vì nhiều điều ước quốc tế phải ký ngay trong khi Quốc hội 6 tháng mới họp một lần''.
Chưa làm rõ quyền giám sát của Quốc hội!
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng cho biết, trong 700 điều ước quốc tế đã ký, duy nhất có một trường hợp xin ý kiến của UBTVQH là việc gia nhập Công ước Viên năm 1968 về điều ước quốc tế. Về ý kiến của đại biểu phản ánh dự luật chưa làm rõ được quyền giám sát của Quốc hội, UBTVQH, ông Lê Công Phụng giải trình: ''Quá trình đàm phán ký kết điều ước quốc tế là chuyên ngành. Nhiều điều ước quốc tế được ký kết trong phạm vi quyền hạn của Chính phủ''.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội không đồng tình: ''Quyền của Quốc hội lớn hơn rất nhiều nhưng chưa được thể hiện trong dự luật''. Ông dẫn chứng: ''Nợ nước ngoài của ta trên dưới 13 tỷ USD nhưng ký kết vay, sử dụng thế nào, Quốc hội không biết gì! Trong khi Quốc hội quyết định dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách''.
Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế sẽ tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung để đưa ra Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành Luật này có hiệu lực từ 1/1/2006.
* Trọng tâm công việc tuần tới (tuần cuối cùng của kỳ họp thứ 6), Quốc hội dành 3 ngày (từ 30/11 đến hết ngày 2/12) để nghe báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng sẽ xem xét phê chuẩn nhân sự Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2005, Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2005 của Quốc hội; thảo luận về dự án Luật Đường sắt.
-
Văn Tiến