(VietNamNet) - Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hoá, Giám đốc Học viện Tài chính, Bộ Tài chính đã cảnh báo như vậy khi trao đổi với VietNamNet về việc vay nợ nước ngoài và sử dụng vốn vay này của Việt Nam.
Sử dụng vốn không hiệu quả - gánh nặng nợ nần tăng từng ngày
- Hiện nay tổng nợ nước ngoài của Việt Nam được công bố chính thức là bao nhiêu, thưa ông?
- Theo báo cáo hàng năm (tháng 12/2003) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng nợ nước ngoài của Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2002 bằng 38,3% GDP (tức khoảng 13 tỷ USD); trong đó chủ yếu là vay nợ dưới hình thức ODA của Chính phủ.
- Giới hạn cho phép vay nợ nước ngoài là bao nhiêu? Làm thế nào để kiểm soát được các khoản vay nước ngoài, hạn chế nợ nước ngoài gia tăng quá mức cho phép?
- Giới hạn cho phép vay nợ nước ngoài hàng năm hay còn gọi là Hạn mức vay nợ nước ngoài hàng năm được xác định chủ yếu dựa trên cơ sở: Chỉ tiêu vĩ mô về nợ nước ngoài như tổng nợ nước ngoài/GDP, trả nợ nước ngoài/xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ...; nhu cầu huy động vốn cho đầu tư và yêu cầu của quản lý vĩ mô nền kinh tế...
Một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động quản lý nợ nước ngoài là phải sử dụng có hiệu quả nguồn vay nợ nước ngoài, khai thác những tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực, đảm bảo khả năng trả nợ. Nếu sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay nợ nước ngoài, bảo đảm khả năng trả nợ thì dù vay nợ nhiều vẫn tốt.
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết, thực tiễn biến động không ngừng, nền kinh tế có thể có những cú sốc, suy thoái theo chu kỳ...; Vay nợ nước ngoài có tính chất đòn bẩy cao, nếu sử dụng không hiệu quả thì gánh nặng nợ nần tăng lên rất nhanh...
- Như vậy, chúng ta nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát và hạn chế vay nợ nước ngoài trong hạn mức và giới hạn về vay nợ. Vậy, ông có thể cho biết một số giải pháp cụ thể?
Có nhiều cách khác nhau để xác định một khoản vay nợ nước ngoài. Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam (Khoản 1, Điều 1, Quy chế vay và trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định 90/1988/NĐ-CP ngày 7/11/1988 của Chính phủ): Vay nợ nước ngoài là các khoản vay ngắn, trung hoặc dài hạn (có hoặc không phải trả lãi) do Nhà nước Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hoặc DN là pháp nhân Việt Nam (kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài) vay của tổ chức tài chính quốc tế, của Chính phủ, của ngân hàng nước ngoài hoặc của tổ chức và cá nhân nước ngoài khác (gọi tắt là bên cho vay nước ngoài). Theo quy định trên, các khoản vay nợ sau được xếp vào vay nợ nước ngoài: Vay ODA; tín dụng thương mại của Chính phủ và DN từ các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ các nước, các ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài...; phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế của Chính phủ và DN Việt Nam... |
- Những giải pháp trước mắt, theo tôi: Thứ nhất là hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống luật pháp, thể chế trong quản lý nợ nước ngoài với mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý vay, sử dụng và trả nợ nước ngoài. Trong đó bao gồm: xây dựng và ban hành Luật về vay, trả nợ nước ngoài; phân công, phân cấp cho các cơ quan Nhà nước rõ ràng, minh bạch; hoàn thiện cơ chế phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài...
Thứ hai là nâng cao quyền hạn đi đôi với trách nhiệm (bao gồm cả các nhân và tập thể) của các chủ thể khi vay, sử dụng nguồn vốn vay nợ nước ngoài.
Ngoài ra, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực phân tích, xây dựng chính sách của đội ngũ cán bộ liên quan đến hoạt động vay, sử dụng và trả nợ nước ngoài;
Thêm vào đó, chúng ta phải thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước năng động và hiệu quả nhằm khuyến khích các nhà đầu tư khai thác tối đa các nguồn lực tài chính trong nước theo phương châm ''vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng''...
''Ngưỡng'' khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế: Nợ nước ngoài/GDP trong khoảng 30-50% thì quốc gia đó đang gặp khó khăn!
- Theo nhận định của một số chuyên gia, tỷ lệ nợ nước ngoài của Việt Nam chưa thuộc loại cao và chưa tới giới hạn nguy hiểm nhưng đáng lo ngại. GS., TS bình luận như thế nào về nhận định này?
- Trước hết tôi muốn đưa ra một số số liệu về tình hình nợ nước ngoài của Việt Nam trong sự so sánh với một số tiêu chuẩn quốc tế:
1. Chỉ số Nợ công/GDP vào cuối năm 2003 của Việt Nam khoảng 30-40% trong khi theo tiêu chuẩn của các nước châu Âu muốn tham gia khu vực theo Hiệp ước Maastricht là 60%;
2. Chỉ số trả nợ/xuất khẩu cuối năm 2002 của Việt Nam là 6% trong khi tiêu chuẩn đối với Các nước nghèo mắc nợ cao (HIPC - Heavily Indepted Poor Countries) là 20%;
3. Giá trị hiện tại của nợ/xuất khẩu cuối năm 2002 của Việt Nam là 70% trong khi tiêu chuẩn HIPC là 150%;
4. Giá trị hiện tại của nợ/thu ngân sách cuối năm 2002 của Việt Nam là 192% trong khi tiêu chuẩn HIPC là 250%...
Như vậy, với những chỉ số về nợ nước ngoài theo các tiêu chuẩn trên, nợ nước ngoài của chúng ta chưa tới mức nguy hiểm nhưng chúng ta không thể chủ quan mà ngược lại cần rất thận trọng trong chiến lược vay và trả nợ nước ngoài.
- Lý do vì sao, thưa ông?
"Số nợ hiện nay của Việt Nam so với các nước khác chưa thuộc loại cao và chưa tới giới hạn nguy hiểm", song theo cảnh báo của Chính phủ, số nợ đó "đang tăng lên nhanh chóng và sẽ có nguy cơ đe doạ tính bền vững của sự phát triển trong tương lai, nhất là khi vốn vay chưa được sử dụng có hiệu quả".
- Lý do, thứ nhất, những chỉ tiêu so sánh với HIPC không phải là ngưỡng so sánh an toàn mà là so sánh với các nước nghèo mắc nợ cao, cần đến sự hỗ trợ quốc tế thông qua các hình thức cơ cấu lại nợ, trong đó có cả xoá nợ...
"Tránh để lại gánh nặng nợ nần cho thế hệ mai sau"
Thứ hai, theo ''ngưỡng'' khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế thì nếu chỉ số Nợ nước ngoài/GDP trong khoảng 30-50% thì quốc gia đó đang gặp khó khăn. Trong khi đó theo số liệu công bố của IMF đến cuối năm 2002 chỉ số này của Việt Nam đã là 38,3%. Bên cạnh đó, với việc duy trì mức độ thâm hụt ngân sách khoảng 5% GDP như hiện nay, nếu không kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay và trả nợ nước ngoài thì có khả năng các chỉ số về nợ nước ngoài sẽ tăng lên vượt ngưỡng an toàn.
Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cả GDP và xuất khẩu của Việt Nam còn nhỏ; dự trữ ngoại hối thấp...
Thứ tư, trong những năm qua số trả nợ của chúng ta còn thấp do hầu hết là những khoản vay mới chưa đến kỳ hạn trả nợ, trong những năm tới áp lực trả nợ sẽ tăng lên mạnh hơn do nhiều khoản vay đã đến hạn trả nợ. Đặc biệt với tình trạng sử dụng nợ chưa thực sự hiệu quả, nhất là nguồn ODA như hiện nay thì áp lực về nợ nước ngoài trong tương lai sẽ không nhỏ;
Thứ năm, bài học khủng hoảng nợ nước ngoài của Argentina và những nguy cơ khủng hoảng nợ nước ngoài hiện nay của Philippines rất đáng để chúng ta rút ra những bài học hữu ích.
Tóm lại, mặc dù tình hình nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ, song chúng ta không thể chủ quan, mà đã đến lúc phải thận trọng hơn trong vay nợ nước ngoài, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay nợ nước ngoài, đặc biệt là nợ phi chính phủ và ODA.
- Việt Nam có sắp rơi vào tình trạng số nợ nước ngoài hàng năm phải trả lớn hơn các khoản vay mới?
- Như tôi đã nói ở trên, vấn đề quan trọng không phải chúng ta vay nhiều hay ít mà là nguồn vốn vay nợ nước ngoài có được sử dụng hiệu quả hay không. Nếu với tình hình hoạt động vay và trả nợ nước ngoài của Việt Nam như hiện nay, rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng số nợ nước ngoài phải trả hàng năm lớn hơn các khoản vay mới.
Tuy nhiên, để đánh giá một cách chính xác hơn vấn đề này, cần có các nghiên cứu sâu hơn. Bởi vì nhìn biểu hiện bên ngoài của việc các khoản vay mới nhỏ hơn các khoản vay phải trả chưa thể kết luận được đó là tốt hay xấu! Chẳng hạn, nếu thị trường vốn trong nước phát triển tốt, nền kinh tế khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính trong nước sẽ dẫn đến giảm vay nợ nước ngoài. Đây là một chiều hướng hoàn toàn tích cực! Bởi vì nguồn nội lực luôn là động lực chính, quyết định đến chất lượng tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Như vậy, đối với hoạt động vay và trả nợ nước ngoài, có 2 vấn đề chính mà chúng ta cần quan tâm là hiệu quả vay và sử dụng vay nợ nước ngoài; Luôn kiểm soát được nợ nước ngoài hay bảo đảm tính bền vững trong hoạt động vay và trả nợ vay nước ngoài.
Cần nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng nguồn vay nợ nước ngoài!
- Nợ nước ngoài gia tăng sẽ đe doạ sự phát triển bền vững nếu sử dụng vốn vay không hiệu quả, để lại gánh nặng nợ nần cho thế hệ mai sau. Theo GS., TS, cần có những giải pháp gì để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài hiện nay?
- Vay nợ nước ngoài hiện nay chủ yếu là ODA. Do vậy, việc sử dụng vốn vay nợ nước ngoài có một số đặc điểm như sau: Việc vay ODA của Chính phủ phải chịu nhiều điều kiện ràng buộc như có dự án, cháp nhận chế độ tài chính của nước ngoài, mua máy móc thiết bị của nước cung cấp ODA, thuê chuyên gia... Vay ODA của Chính phủ được sử dụng để cho vay lại nên tư tưởng bao cấp, ỷ lại vào Nhà nước vẫn còn khá lớn, thậm chí có hiện tượng chạy dự án ODA...
Ngoài ra, cơ chế sử dụng nợ nước ngoài chịu ảnh hưởng và tác động lớn của các cơ chế quản lý NSNN, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, cơ chế hỗ trợ phát triển...
- Vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nợ nước ngoài trong điều kiện hiện nay, theo ông, Chính phủ cũng như các bộ, ngành hữu quan và các địa phương cần quan tâm đến điều gì?
- Như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng nhất là Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng nguồn vay nợ nước ngoài, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ, nguồn vốn vay nợ nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ. Khi trách nhiệm cả cá nhân và đơn vị sử dụng vốn vay nợ nước ngoài tăng lên thì chắc chắn đơn vị đó sẽ phải tính toán, sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn vay nợ nước ngoài.
Không những vậy, cả trên tầm vĩ mô của Chính phủ cũng như các địa phương, các đơn vị sử dụng nguồn vốn vay nợ nước ngoài, cần xây dựng một chiến lược vay và sử dụng đa dạng các nguồn vốn vay nợ nước ngoài, tránh tình trạng lệ thuộc vào một nguồn vốn. Mỗi nguồn vốn có đặc điểm riêng, có điểm mạnh và điểm yếu riêng, cần phối hợp các nguồn vay nợ nước ngoài một cách thích hợp nhất theo mục đích sử dụng;
Một điều nữa cũng không thể thiếu quan tâm là phải nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan như cơ chế quản lý ngân sách, cơ chế đầu tư xây dựng cơ bản, cơ chế quản lý nguồn tín dụng nhà nước...
Vấn đề hạn chế tình trạng đô-la hoá cũng trở nên khó khăn hơn...
- Nợ nước ngoài gia tăng ảnh hưởng như thế nào đến tình hình và chính sách tài chính - tiền tệ?
- Một vấn đề bao giờ cũng có hai mặt, nợ nước ngoài gia tăng cũng vậy, nó vừa có ảnh hưởng tích cực lại vừa có tạo ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế xã hội nói chung và tình hình tài chính - tiền tệ nói riêng. Các tác động tích cực của sự gia tăng nợ nước ngoài có thể kể đến là: tăng tiềm lực tài chính, tăng nguồn thu ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu về nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ... Nhưng bên cạnh đó cũng nảy sinh rất nhiều tác động tiêu cực như tăng gánh nặng nợ nần, tăng nguy cơ khủng hoảng, hoạt động quản lý và kiểm soát luồng vốn và nhất là luồng ngoại tệ ra - vào quốc gia phức tạp hơn, vấn đề hạn chế tình trạng đô la hoá cũng trở nên khó khăn hơn...
- Thưa ông, để hạn chế được tiêu cực và phát huy tác động tích cực, chính sách tài chính- tiền tệ cần phải đạt được điều kiện gì?
- Đầu tiên, việc quản lý chính sách tài chính- tiền tệ cần đảm bảo nâng cao khả năng khai thác các nguồn tài chính nội địa, nâng cao hiệu quả phối hợp và sử dụng tổng thể các nguồn lực tài chính. Việc kiểm soát chặt chẽ sự luân chuyển của dòng tài chính ra, vào quốc gia cũng hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ sự luân chuyển của dòng ngoại tệ, tránh tình trạng đô la hoá.
Việc tính toán, xác định nguồn dự trữ ngoại tệ một cách hợp lý nhằm tối ưu hoá về mặt chi phí trong điều kiện vẫn bảo đảm nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút vốn và khả năng can thiệp nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ... cũng là một trong những việc phải làm ngay!
- Xin cảm ơn ông!
-
Văn Tiến
thực hiện