Đừng vì Vinashin mà kéo lùi tư duy đổi mới doanh nghiệp
- Vinashin tiếp tục là chủ đề nóng tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng nay (2/11).
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cho rằng sai phạm của Vinashin là "một trong những điển hình của sự buông lỏng và thiếu kiểm tra từ phía cơ quan quản lý Nhà nước".
Bà Mai nói không thể đổ lỗi cho cơ chế. "Cơ chế này do chính chúng ta đặt ra vậy thì chúng ta phải sửa... Nếu không, sẽ tiếp tục có thêm những Vinashin mới mà chúng ta đã từng cảnh cáo trong những lần giám sát của Quốc hội".
Không nên lùi tư duy đổi mới DNNN
Không vì một sự việc mà lùi tư duy đổi mới phát triển doanh nghiệp nhà nước. Đó là góc nhìn của Phó Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên.
ĐB Nguyễn Đức Kiên: Không phải Vinashin đã phá sản |
Khẳng định Vinashin có sai phạm, khuyết điểm, song ông Kiên không đồng tình sai phạm mang lỗi hệ thống mà là vấn đề công tác cán bộ. Đối với tập đoàn Vinashin, việc để quá lâu một cá nhân vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, vừa là Tổng giám đốc, vừa là Bí thư Đảng ủy cũng là một trong những điều kiện tạo ra sai sót nặng nề hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, không phải Vinashin đã phá sản bởi vốn của chủ sở hữu vẫn còn. Theo các báo cáo, tổng tài sản của Vinashin khoảng 103.000 tỷ đồng trong khi tổng tài sản nợ ghi trên sổ sách kế toán khoảng 86.000 tỷ đồng.
Ông Kiên cũng so sánh có lẽ chỉ duy nhất Việt Nam áp dụng xử lý hình sự những người quản lý doanh nghiệp nhà nước như trường hợp Vinashin. Ở Mỹ, Tập đoàn Enron bị phá sản cũng không có người quản lý nào đi tù cả.
Nhận định Chính phủ đã xử lý vụ việc Vinashin quyết liệt, đại biểu tỉnh Sóc Trăng nói nếu "không sòng phẳng", vì một sự việc, sẽ làm lùi lại tư duy đổi mới phát triển doanh nghiệp nhà nước đưa ra cách đây 10 năm tại Hội nghị Trung ương khóa IX. Ông tha thiết đề nghị trong nhiệm kỳ tới Chính phủ nên thành lập một cơ quan quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch cũng không tán thành việc chỉ tập trung mổ xẻ Vinashin quanh vấn đề cơ chế. Như thế sẽ dễ quay lại cơ chế chủ quản mà đất nước đã phải tìm cách thoát khỏi.
ĐB Trần Du Lịch: Tập đoàn phải công bố tài chính |
Ông Lịch đề xuất một cơ chế ngân sách cứng, theo đó Chính phủ không nên bảo lãnh, chỉ định cho vay liên quan đến quản lý về nợ công đối với tất cả các doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn lớn, tổng công ty phải công khai công bố tài chính như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, với những báo cáo có sự giám sát của xã hội để tạo minh bạch.
Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) thì cho rằng không nên thành lập Ủy ban lâm thời để vào kiểm tra Vinashin như đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị do trước đó Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra TƯ tham gia vấn đề này.
"Vinashin cũng là một bài học kinh nghiệm rất cay đắng trong quá trình điều hành kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nên tái cấu trúc lại Vinashin cho hợp lý, bởi một lẽ chúng ta là một quốc gia biển mà không có một ngành công nghiệp đóng tàu", ông Trường kiến nghị
Bài học thanh tra, giám sát
Giải trình công tác giám sát Vinashin, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho hay, ngay từ đầu năm 2007, tức chỉ nửa năm sau khi Vinashin chuyển sang hoạt động theo mô hình tập đoàn, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra quản lý vốn và tài sản.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Cần phân định rõ hơn trách nhiệm từng cấp trong quản lý doanh nghiệp |
Với 4 lần kiểm tra, Bộ đã phát hiện Vinashin thành lập thêm "quá nhiều công ty con, công ty cháu", đầu tư dự án dàn trải, cân đối nguồn không hợp lý và chủ yếu dựa vào vốn vay, vay lớn, nợ trên vốn chủ sở hữu 13,7 lần, mua sắm tài sản không đúng quy định, hệ số khả năng thanh toán rất thấp...
Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra và kiến nghị của Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, ngay từ năm 2008, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu họp và ra nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể về sai phạm của Vinashin.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, do tác động của khủng hoảng, nhiều dự án đóng tàu bị hủy bỏ, Vinashin tiếp tục rơi vào khó khăn. Thủ tướng đã ra quyết định thành lập Tổ tái cơ cấu tài chính. Kết quả là số dự án đầu tư đã giảm từ 104 xuống 40. Sau đó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát cắt giảm xuống 28, đến nay chỉ còn 13 dự án và đàm phán với các chủ nợ để cơ cấu lại nợ. Tiếp đó, Thủ tướng ban hành quyết định tái cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay bài học rút ra là khi phân cấp, phân công và giao quyền thì phải phù hợp với năng lực, trình độ quản lý của cán bộ, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp... Ông cũng cho hay có những vấn đề chỉ phát hiện ra sau khi kiểm tra, thanh tra như việc mua tàu của Vinashin. Khi trình lên, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu không được mua mà phải đóng, nhưng Vinashin vẫn mua tàu.
"Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, phân định rõ hơn chức năng và trách nhiệm từng cấp trong việc quản lý doanh nghiệp. Phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, có chế tài đồng bộ, đủ mạnh để bắt buộc doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra", ông Ninh nhấn mạnh.
-
Linh Thư - Ảnh: Lê Anh Dũng