"Nhiều lần lên kế hoạch kiểm toán Vinashin nhưng đều bị cắt"
Ông Vương Đình Huệ: Kiểm toán Nhà nước từng lên kế hoạch kiểm toán từ khi Vinashin còn chưa nâng cấp thành Tập đoàn. Ảnh: VietNamNet |
Từng không dưới 3 lần nêu tại Quốc hội về các sai phạm của Vinashin, trong đó có cả việc thanh tra đã hoãn đi hoãn lại việc thanh tra tập đoàn này, Trưởng đoàn ĐBQH Hưng Yên Vũ Quang Hải cho hay, ngay khi Ủy ban Kiểm tra TƯ công bố sai phạm ở Vinashin, ông đã gửi chất vấn lên Tổng Kiểm toán Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Ông Hải nêu vấn đề: "Chính kết luận vừa rồi của Bộ chính trị đã khẳng định từ 2006 - 2009 đã có tới 11 lần kiểm toán, thanh tra. Vậy trách nhiệm các đoàn kiểm toán sẽ được xem xét đến đâu? Do trình độ chưa tương xứng hay có tiêu cực nào khác trong các đoàn kiểm toán này?".
ĐB Vũ Quang Hải đã nhận được câu trả lời của Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ sớm 1 tháng trước khi khai mạc kỳ họp. Riêng Tổng Thanh tra Chính phủ đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Tổng Kiểm toán Nhà nước giải thích, vì số lượng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rất lớn nên chu kỳ kiểm toán thường 4 - 5 năm mới thực hiện được một lần.
Ông Huệ cũng cho hay, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từng nhiều lần lên kế hoạch kiểm toán, ngay từ khi Vinashin còn chưa nâng cấp lên Tập đoàn.
Từ lúc Vinashin đi vào hoạt động (2006) đến nay, KTNN đã hai lần xây dựng kế hoạch kiểm toán đối với tập đoàn này.
Cụ thể, năm 2008, KTNN đã lên kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính của tập đoàn, nhưng do Thanh tra Chính phủ đã đưa Tập đoàn Vinashin vào kế hoạch thanh tra năm 2009 - nhưng rồi lại hoãn - nên theo quy chế phối hợp và để tránh trùng lặp, KTNN đã đưa ra ngoài kế hoạch và lùi sang năm 2010.
Tuy nhiên, kế hoạch này lại tiếp tục bị "trì hoãn" bởi không được phê duyệt.
Cụ thể, khi gửi cho Thanh tra Chính phủ, thì ý kiến của cơ quan này là: "Thanh tra Chính phủ thấy có sự trùng lặp về một số lĩnh vực và đối tượng kiểm toán".
Nhưng rồi, chính Thanh tra Chính phủ cũng không được Thủ tướng chấp nhận kế hoạch thanh tra Vinashin với lý do "để doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất, chống suy giảm kinh tế, Thủ tướng đề nghị điều chỉnh sang kế hoạch thanh tra năm 2010".
Tại kỳ họp vừa qua, ĐB Vũ Quang Hải lại chất vấn về chuỵên mua tàu Hoa Sen. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ngay cả Ủy ban Thường vụ QH cũng cho rằng: "Nên xem xét, cân nhắc chưa đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2010 các tập đoàn, tổng công ty mà Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính đã có quyết định thanh tra năm 2009 nhưng tạm dừng thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng".
Ngoài ra, như báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, được cho là tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, thì "với một số tập đoàn, tổng công ty mà Thanh tra đã có kế hoạch thì kiểm toán có thể xem xét đưa ra ngoài kế hoạch để tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp".
"Căn cứ ý kiến Thanh tra Chính phủ, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, KTNN lại tiếp tục rút tên Vinashin khỏi kế hoạch", ông Huệ cho hay.
Như vậy, từ 2006 đến nay, KTNN đã hai lần xây dựng kế hoạch nhưng rồi chưa thực hiện được việc kiểm toán Vinashin là do cơ chế phối hợp và tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Theo ĐB Trần Văn Hằng (Nghệ An): "Chính phủ lập nhiều đoàn thanh tra mà rồi "chỉ mỗi báo cáo của Bộ KH&ĐT là lên đến Ủy ban Kiểm tra TƯ", còn lại báo cáo của thanh tra các bộ ngành đều nằm gọn trong ngăn bàn các bộ chứ không lên được đến "trên". |
Ông Vương Đình Huệ giải thích, từ 2006, Vinashin đã thuê các công ty kiểm toán độc lập (tập đoàn kiểm toán quốc tế KPMG) tiến hành kiểm toán.
Tổng Kiểm toán Nhà nước nói thêm: "KTNN luôn xác định việc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, nhất là việc quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trong chiến lược phát triển đến năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ QH phê duyệt, KTNN sẽ tăng cường kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cả về diện và chiều sâu, nhất là kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc sử dụng tiền và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp".
"Chung quy do cơ chế" "Tính từ 2005 đến giờ có tất cả 13-14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát. Đáng tiếc là khi xảy ra khủng hoảng thì cả lãnh đạo TƯ cũng như bộ ngành đều cho rằng phải giảm bớt áp lực về thanh tra để đơn vị này tự xử lý khó khăn về kinh tế. |
-
Lê Nhung