Có dấu hiệu bao che cho Vinashin?
- Thẩm tra báo cáo Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhận định "có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước".
Không xử lý kịp thời
Trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội dẫn lại chuyện Vinashin như một điển hình cho việc tuy có phát hiện dấu hiệu tội phạm nhưng không xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba. Ảnh: Trí Dũng
Ủy ban Tư pháp đánh giá, qua 11 lần thanh tra, kiểm toán những sai phạm như đầu tư dàn trải tràn lan trên nhiều lĩnh vực không liên quan đến chức năng của tập đoàn, kém hiệu quả, thua lỗ nặng nề. rồi tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản, sản xuất kinh doanh đình trệ, nội bộ diễn biến phức tạp trong khi 1,7 vạn công nhân bỏ và chuyển việc và có trên 5.000 công nhân mất việc làm, nợ lương...
"Nhưng Chính phủ và các cơ quan chức năng không biết, không ai chịu trách nhiệm. Xã hội và cử tri rất bức xúc cho rằng có sự bao che cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản của nhà nước”.
Thế nào là "nhân thân tốt"
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp lưu ý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, Kiểm toán Nhà nước các cấp đã phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị thu hồi nhiều tiền và tài sản nhưng Kiểm toán Nhà nước không chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự một trường hợp nào.
Số vụ việc được cơ quan thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra cũng rất ít.
Thêm vào đó, một số cán bộ kiểm toán đã vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, có hành vi tham nhũng. Thực tế cho thấy các vụ nhận hối lộ chỉ khi bị phát hiện mới thấy rõ sự móc nối, bao che, thậm chí còn hướng dẫn lập chứng từ để hợp thức hóa những sai phạm giữa người có chức vụ, quyền hạn và người đưa hối lộ.
Cũng theo Ủy ban Tư pháp, đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử hàng trăm đối tượng phạm tội nhưng cả nước lại mới chỉ có 25 cơ quan, đơn vị tự phát hiện được tham nhũng. Trong khi đó, nhiều năm qua đã có hàng chục vụ tham nhũng với hàng trăm bị can đã bị khởi tố, sau đó đình chỉ điều tra.
Mà lý do đình chỉ chủ yếu vì người vi phạm có "nhân thân tốt", hoặc đã vi phạm, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
"Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề cần được làm rõ về quan điểm xử lý và việc áp dụng luật với những người có hành vi tham nhũng. Nhất là trường hợp căn cứ vào chuyện bồi thường, khắc phục hậu quả của người tham nhũng để đình chỉ điều tra, xử lý nội bộ và căn cứ nhân thân tốt để cho hưởng án treo", báo cáo viết.
Ủy ban Tư pháp nhận định, đang có dư luận xã hội và ý kiến của một bộ phận cử tri cho rằng, người dân, doanh nghiệp khi cần giải quyết công việc liên quan tới người có thẩm quyền, vì lợi ích của mình họ sẵn sàng đưa hối lộ để được việc.
Cán bộ, công chức cũng coi việc nhận tiền của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc là đương nhiên, bình thường, nhận rồi hóa quen, “không có thấy thiếu” và phát sinh tình trạng nhũng nhiễu.
Từ đó, người dân và doanh nghiệp cho rằng bất kỳ ở đâu, lĩnh vực nào có liên quan tới quyền và lợi ích cũng đều có tham nhũng.
-
Ngọc Lê