Không để Cam Ranh làm căn cứ quân sự của nước ngoài
- Khẳng định chủ trương không để cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự của nước ngoài, song Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng cho hay, một trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật tại cảng nước sâu nổi tiếng này đang được chuẩn bị xây dựng để cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường cho các tàu nước ngoài nếu có nhu cầu.
Sẵn sàng cho tàu hải quân nước ngoài vào Cam Ranh
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trao đổi với phóng viên bên hành lang phiên họp Quốc hội ngày 1/11.
Hiện đại hóa hải quân
Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN 17, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết chủ trương xây dựng một trung tâm dịch vụ tại cảng Cam Ranh, phục vụ theo cơ chế thị trường, sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân tất cả các nước, kể cả tàu ngầm. Xin Bộ trưởng cho biết thêm chủ trương này?
Hải quân Việt Nam đang ngày càng được hiện đại hóa để đủ khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước trên biển, do đó cần có một cơ sở làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật để sửa chữa, bảo dưỡng cho tàu hải quân.
Tuy nhiên, nếu cơ sở làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật này chỉ phục vụ cho tàu hải quân Việt Nam sẽ dư thừa công suất, gây sự lãng phí lớn. Đó là cơ sở để đầu tư một số vốn khá lớn.
Vì thế, cảng Cam Ranh làm dịch vụ cho tàu hải quân của Việt Nam cũng sẵn sàng làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tàu hải quân cũng như tàu kinh tế của các nước trên thế giới nếu có nhu cầu theo quy chế quản lý của Việt Nam, kể cả tàu quân sự, dân sự. Tất nhiên họ phải xin phép chúng ta và có các hợp đồng kinh tế.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Đã có kế hoạch đào tạo thủy thủ đoàn, kỹ sư, kỹ thuật viên ở nước ngoài để sữa chữa các loại tàu. Ảnh: LAD |
Hiện nay đang ở giai đoạn làm dự án để chuẩn bị đầu tư và chúng ta có thể phải thuê tư vấn của nước ngoài. Ví dụ mua các thiết bị công nghệ của Nga, giai đoạn đầu có thể phải thuê một số chuyên gia kỹ thuật của Nga để giúp xây dựng nhà máy làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật này.
Chủ quyền hoàn toàn của chúng ta và ta là chủ đầu tư, quản lý và làm chủ. Nhưng đây là khu vực chỉ để dành riêng làm hậu cần kỹ thuật, không lẫn với khu vực dành riêng cho tàu hải quân của Việt Nam, cũng không phải là căn cứ quân sự của nước ngoài.
Dịch vụ sửa chữa nhỏ, vừa
Quy mô cũng như năng lực đáp ứng dịch vụ các loại tàu trên thế giới hiện nay của trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật này ra sao, thưa Bộ trưởng?
Chúng tôi đang lập dự án, đang đàm phán để thuê tư vấn của Nga và sau đó còn rất nhiều thủ tục tổ chức thẩm định, rồi phải thuê chuyên gia của nước khác phản biện để có tính khách quan, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả nhất. Sau đó trình lên cấp thẩm quyền phê duyệt, lúc đó mới triển khai xây dựng.
Bây giờ tôi chưa thể nói được quy mô như thế nào và tổng mức đầu tư bao nhiêu nhưng hướng là sửa chữa nhỏ, vừa, còn những dịch vụ đại tu thì mình chưa làm được.
Như các bạn biết, các tàu hải quân nước nào sản xuất thì họ đại tu, nếu đại tu phải làm lại cả máy, động cơ... khả năng đó Việt Nam chưa làm được.
Tôi đã đến nghiên cứu cơ sở thiết kế đóng tàu, tiếp xúc với các chuyên gia hàng đầu của viện nghiên cứu, thấy rằng kể các nước khác mua tàu ngầm của Nga đều phải quay trở lại nhà máy sản xuất để đại tu, như thế mới đảm bảo nuôi con tàu hoạt động từ 25-28 năm.
Giao lưu hải quân các nước
Thưa Bộ trưởng, tại sao Việt Nam chọn tư vấn, thiết bị Nga?
Điều này dễ hiểu thôi. Vũ khí trang bị của ta chủ yếu của Liên Xô trước đây viện trợ và hiện nay đang quản lý bảo quản giữ tốt, dùng bền theo hướng vẫn an toàn và đảm bảo tiết kiệm. Những vũ khí mới mà chúng ta đã, đang và sẽ mua chủ yếu cũng là của Nga.
Nga là đối tác chiến lược, có sự tin cậy chính trị, công nghệ hiện đại, giá cả hợp lý.
Hơn nữa, Việt Nam cũng quen sử dụng và khai thác hiệu quả. Thuê chuyên gia của Nga tư vấn và vận hành ban đầu trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật tại cảng Cam Ranh cũng như thiết bị công nghệ của Nga, về giá cả tôi tin chắc rẻ hơn của các nước phương Tây.
Liệu Việt Nam có tiến tới cung cấp dịch vụ sữa chữa tàu ngầm không, thưa Bộ trưởng?
Căn cứ này sửa chữa cả tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu quân sự và tàu dân sự. Tàu sân bay thì khó, nó là loại kỹ thuật đặc biệt, chúng ta chưa có khả năng làm loại này.
Dự kiến khi nào trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật tại cảng Cam Ranh hoàn thành? Nhân lực đáp ứng cho trung tâm được chuẩn bị ra sao?
Nhanh cũng phải 3 năm. Bây giờ mới đang ở giai đoạn lập dự án, thuê tư vấn, rồi còn phải thẩm định... Làm sao ta phát huy được nội lực, cái gì ta làm được thì cố gắng làm, cái gì chưa có khả năng thì phải thuê, mua. Con người mới là quyết định. Chúng tôi đã có kế hoạch đào tạo thủy thủ đoàn, kỹ sư, kỹ thuật viên ở nước ngoài để sữa chữa các loại tàu.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, các lợi ích khác được đặt ra như thế nào khi đưa vào khai thác trung tâm dịch vụ cảng này, thưa ông?
Ngoài mục đích về kinh tế, giao lưu với hải quân các nước, tạo sự tin cậy, hữu nghị hiểu biết lẫn nhau, chúng ta cũng đặt vấn đề học hỏi kinh nghiệm của bạn từ khâu quản lý, điều hành, bảo dưỡng, sữa chữa cũng như các hoạt động khác của tàu vì chúng ta đang phát triển tàu hải quân theo hướng hiện đại trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm.
-
Cao Nhật ghi