Từ sai phạm Vinashin, phải đổi mới giám sát tập đoàn
- Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhận định: "Quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với DNNN nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng bộc lộ rõ sự bất cập, chưa thay đổi kịp với chuyển biến của nền kinh tế thị trường. Cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán và quản lý tài chính nội bộ doanh nghiệp còn kém hiệu quả".
>> Thủ tướng nhận trách nhiệm của Chính phủ về Vinashin
>> Kỳ họp ’áp chót’ và trọng trách trên vai mỗi đại biểu
>> Quốc hội muốn thực quyền, đại biểu phải có chính kiến
Trước đó, tổng kết kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm của Chính phủ xung quanh sai phạm của Vinashin và đưa ra một vài định hướng đổi mới hoạt động các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
Vinashin: Do kiểm tra, kiểm soát hạn chế
Đánh giá về Vinashin, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói: "Việc tập đoàn này rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản là hậu quả của quá trình tập đoàn đã đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, chưa thực sự tuân theo quy luật thị trường và do công tác kiểm tra, kiểm soát còn nhiều hạn chế. Chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn của lãnh đạo tập đoàn".
Ông Hiền nhận định, việc cổ phần hoá DN nhà nước tiến hành chậm, đặc biệt phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước với tập đoàn, tổng công ty còn phân tán, cắt khúc dẫn đến tình trạng không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính về quản lý vốn, tài sản tại các doanh nghiệp này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền. Ảnh: LAD
Mô hình và phương thức quản trị, quản lý nội bộ trong tập đoàn, tổng công ty còn bất cập, làm hạn chế chất lượng quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Ủy ban Kinh tế khuyến nghị mục tiêu năm tới phải là "tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đổi mới mạnh mẽ quản trị doanh nghiệp phù hợp với nguyên tắc vận hành trong nền kinh tế thị trường".
Theo ông Hà Văn Hiền, cần đổi mới các quy định về quản lý tài chính và chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Kiên quyết tách chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
"Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển mạnh các loại hình kinh tế ngoài nhà nước, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa thành phần kinh tế này trở thành động lực phát triển quan trọng của đất nước trong thời gian tới", Ủy ban Kinh tế đề xuất.
Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý Chính phủ một số nhiệm vụ khác như điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích và thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Hạn chế việc cấp phép đầu tư các dự án sản xuất tiêu thụ điện năng cao như gia công thép từ phôi, dự án sản xuất xi măng.
Thiếu nền tảng vững chắc
Tán thành những đánh giá chung của Chính phủ, nhưng Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra nhiều bất ổn của năm 2010.
Chẳng hạn, chỉ 15/21 chỉ tiêu của năm 2010 đạt và vượt kế hoạch. Bởi trong 16 chỉ tiêu Chính phủ đánh giá là “đạt và vượt”, có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7-8%, trong khi nghị quyết của Quốc hội là tăng không quá 7%. Chỉ số giá lại có diễn biến bất ổn định trong suốt năm.
Cơ quan thẩm tra quan ngại ”kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo”.
Điện thiếu nghiêm trọng kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và sản xuất của DN.
Nhập siêu tuy đạt mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu nhưng số tuyệt đối dự kiến vẫn là 13,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2009, nếu loại trừ đá quý, kim loại quý xuất khẩu thì nhập siêu vẫn trên 23%. Đây là yếu tố chính làm cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 10% so với GDP. Nhập siêu kéo dài trong nhiều năm đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng nợ quốc gia và gây sức ép giảm giá đồng nội tệ.
Thâm hụt cán cân vãng lai lớn cùng với thâm hụt ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng nhanh sẽ là những trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế trong những năm tới đây.
Không ít doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động bởi một số chính sách cụ thể.
Một số vấn đề về xã hội và môi trường bức xúc chậm được giải quyết. Theo Chủ nhiệm Hà Văn Hiền: “Không chỉ riêng năm 2010 mà cả trong 5 năm 2006 - 2010, hầu hết các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm đều không đạt kế hoạch”.
-
Lê Nhung