Không rơi vào im lặng
- Sau một tháng rưỡi góp ý và được lắng nghe, điều mà người dân trông đợi từ phía Đảng giờ đây là một sự hồi âm, tiếp thu rõ ràng.
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> Thể chế hóa chức danh Tổng bí thư
>> “Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới”
Một tháng rưỡi không phải là khoảng thời gian dài, nhưng cũng không quá ngắn, để người dân, đặc biệt các bậc nhân sĩ, trí thức gửi đến Đảng tâm nguyện cùng những trăn trở thời cuộc.
Những trăn trở ấy, dù là góp ý của một bậc trưởng thượng, lão thành, trí thức, hay của một doanh nhân, nông dân, công nhân, nghệ sĩ, học sinh, dù ở trong hay ngoài nước, đều phản ánh lòng tin tưởng và trông đợi Đảng phải tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của mình.
Ý kiến gửi về Ban biên tập VietNamNet rất nhiều, nhưng chắc chắn cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong ý kiến của nhân dân đóng góp thông qua các tổ chức và các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều ý kiến nói thẳng, nói thật, không lảng tránh những vấn đề "kiêng kỵ", thể hiện nhiệt tâm, trách nhiệm, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân.
Có những bài viết dài, chia thành nhiều kỳ, có ý kiến ngắn gọn; có bài nặng lý luận, có tác giả tập trung phân tích tình hình thực tiễn, đề xuất ý kiến mới… Bên cạnh các vấn đề phát triển kinh tế, chống tham nhũng, nổi lên sự quan tâm lớn đối với các chủ đề: Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị gắn với dân chủ hóa và công tác nhân sự của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ; đại đoàn kết toàn dân tộc - những vấn đề được coi có ý nghĩa sống còn đối với Đảng cầm quyền và với đất nước ở giai đoạn phát triển đầy thách thức hiện nay.
Có được những ý kiến đóng góp ấy, không gì khác là do sự quan tâm của nhân dân đối với hiện tình đất nước, mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa nhân dân và Đảng. Đó cũng là kết quả của lòng tin cậy giữa người hỏi và người được hỏi: hỏi thực lòng, chân thực thì sẽ nhận được câu trả lời thực lòng, chân thực.
Nói như nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM Lê Hiếu Đằng khi ông nhớ lại không khí trước Đại hội Đảng X, người dân đã rất háo hức, nhiệt tình lên tiếng tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội, đã thảo luận sôi nổi khi bàn về "thời cơ vàng" của đất nước, nhưng văn kiện dự thảo và văn kiện sau khi được thông qua ở Đại hội không thay đổi là bao.
Trí tuệ của Đảng phải bắt nguồn từ trí tuệ của nhân dân. Cần trân trọng các ý kiến đóng góp, chân thành tiếp thu các ý kiến đúng đắn. Khó nhất là việc tiếp thu những ý kiến có căn cứ lý luận và thực tiễn, nhưng khác với dự thảo, để bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi dự thảo. Muốn vậy, Đảng phải có tinh thần khiêm tốn, cầu thị trên cơ sở đổi mới tư duy, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm.
Thời gian từ nay đến Đại hội XI không còn nhiều. Người dân thiết tha mong mỏi những tổ chức và cá nhân có chức năng chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội thực sự tiếp thu các ý kiến xác đáng để bổ sung, sửa chữa; thẳng thắn, công khai tranh luận, trao đổi về những ý kiến khác trên tinh thần bình đẳng, cầu thị. Cần tập hợp và trình bày trung thực, đầy đủ những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau để Đại hội thảo luận và cho ý kiến quyết định.
Nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương Dương Phú Hiệp từng bày tỏ, người chuẩn bị văn kiện khi đã đưa ra hỏi ý kiến thì phải biết lắng nghe, thực sự cầu thị. “Hỏi ý kiến ở đây là hỏi thật, nghe là nghe thật và phải tổ chức công việc tiếp nhận, phản hồi rõ ràng và cần một không khí tranh luận sòng phẳng”.
Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh trong một bài viết cũng đề xuất Ban soạn thảo tập hợp các ý kiến đóng góp thành một hệ thống vấn đề, đối chiếu so sánh với văn bản dự thảo rồi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sau khi đã tiếp nhận được thông tin nhiều chiều, nhiều ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo cần có báo cáo tỉ mỉ và trung thực với Ban chấp hành Trung ương để Ban chấp hành Trung ương thảo luận vào một hội nghị trước khi khai mạc Đại hội XI.
Những ý kiến thảo luận đó cần được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể tổ chức thảo luận, đối thoại trực tiếp với những ý kiến trái ngược về các vấn đề quan trọng trong các văn kiện sẽ trình Đại hội.
Tất cả những vấn đề đó cần được báo cáo ra trước Đại hội XI bằng văn bản để làm tài liệu thảo luận ở Đại hội trước khi biểu quyết.
Khi đã có Nghị quyết thì cần giải trình trước toàn dân về những vấn đề mà Đại hội đã tiếp thu, sửa chữa. Đối với những vấn đề lớn không tiếp thu thì cần có ý kiến giải đáp. Một số vấn đề chưa thể giải đáp được cần tiếp tục nghiên cứu.
Nói như nguyên Thứ trưởng Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực, "xã hội, người dân đang rất chờ đợi, mong muốn làm sao Đại hội XI sẽ là một bước ngoặt cho sự phát triển của đất nước, sau giai đoạn Đổi mới thứ nhất, giai đoạn cởi trói phát triển ban đầu, chuyển sang phát triển mạnh theo chiều sâu và bền vững".
-
Hiền Anh