Điều trần để "truy" đến cùng
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng, không nhất thiết phải đợi dồn đến nửa năm một lần mới đưa ra nghị trường chất vấn. Chất vấn ở phiên toàn thể tại nghị trường chỉ tiến hành được mỗi năm hai lần, trong khi các vấn đề phát sinh thường xuyên.
Gay gắt hơn
Trong năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức được hai phiên điều trần về xóa đói giảm nghèo và quản lý giá thuốc. Như ông thấy thì điều trần tại các Ủy ban có gì khác so với chất vấn trước Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội?
- Với các bộ ngành thì ra điều trần tại các ủy ban sẽ không cảm thấy căng thẳng như chất vấn có tính giám sát tối cao tại Thường vụ hoặc trên nghị trường.
Cái lợi thứ hai là các thành viên ủy ban có nhiều thời gian để trao đi đổi lại, nhiều ĐB được nói, nói nhiều lần, trao đổi lý lẽ đến cùng. Tính chất gay gắt cũng gay gắt hơn.
Cái lợi thứ ba là hiệu quả ngay sau phiên chất vấn sẽ nhìn thấy ngay, có tác động nhanh và kịp thời luôn đến các bộ, ngành. Bởi lẽ khi điều trần là chọn toàn những vấn đề nóng, vấn đề mới phát sinh. Khi đã đưa ra chất vấn ở ủy ban nghĩa là sẽ có phương án xử lý ngay lập tức.
Qua đây tôi cho rằng không nhất thiết phải đợi dồn đến nửa năm một lần mới đưa ra nghị trường chất vấn.
Chất vấn ở phiên toàn thể tại nghị trường chỉ tiến hành được mỗi năm hai lần, trong khi các vấn đề phát sinh thường xuyên.
Cho nên ngay khi có vấn đề thời sự phát sinh mang tính chất cấp thiết mà cử tri bức xúc thì có thể mời các bộ ngành sang trao đổi, thống nhất được với nhau thì điều chỉnh, xử lý.
Trong năm nay, Ủy ban Các vấn đề xã hội đã tiến hành hai phiên giải trình, hồi tháng 4 mời Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội đến giải trình về chuẩn nghèo. Tháng 10 vừa rồi có một phiên điều trần của Bộ Y tế về giá thuốc.
Nhiều cái lợi như vậy, theo ông, vì sao các ủy ban chưa mặn mà tổ chức điều trần dù luật cho phép?
- Thực ra mỗi năm trước kỳ họp QH, ủy ban đều mời Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đến báo cáo, cũng như cuộc giải trình, bản chất giống nhau. Nhưng lần này chúng tôi làm bài bản hơn.
Luật pháp hiện hành từ Hiến pháp cho đến quy chế hoạt động của UB Thường vụ, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban đều quy định quyền của Hội đồng và các ủy ban là có thể mời các thành viên Chính phủ đến giải trình về những vấn đề mà họ thấy cần thiết.
Nhưng ít ủy ban làm, vì cũng chưa có tiền lệ. Thứ hai, do các ủy ban cũng bận việc, rồi lại phải thẩm tra nhiều đạo luật. Mà muốn tổ chức điều trần lại phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
Lý do khác có thể do vướng từ phía cơ quan nhà nước, các bộ ngành họ không bố trí được người tham gia. Quốc hội các nước thì tổ chức hoạt động điều trần thường xuyên. Có khi họ điều trần hàng tuần, thậm chí, chỉ cần một số ĐBQH mời các thành viên Chính phủ đến để làm rõ vấn đề họ quan tâm.
Theo ông, vì sao pháp luật cho phép nhưng các ủy ban cũng như các ĐBQH ít khi sử dụng đến những công cụ giám sát như điều trần ở ủy ban, bỏ phiếu tín nhiệm, thành lập ủy ban lâm thời?
- Ủy ban Thường vụ QH cũng khuyến khích các ủy ban tổ chức các phiên giải trình.
Nhưng để tổ chức được một phiên như vậy, thì quan trọng nhất là lựa chọn vấn đề và sắp xếp thời gian.
Thứ nhất, phải xem vấn đề đó có bức xúc không, có cần thiết phải xử lý điều chỉnh sửa đổi ngay không? Thứ hai là chọn thời gian nào để làm. Làm vào lúc nào để tạo ra hiệu ứng tốt nhất.
Tính chất quan trọng nhất trong hoạt động giám sát của Quốc hội là phải công khai, minh bạch. Đó cũng là lý do mà vì sao phiên giải trình ban đầu, ủy ban mời một số đơn vị báo chí, nhưng đến phiên sau chúng tôi mời rất đông báo chí, và thấy hiệu quả.
Ở đây cũng không có chuyện gì khó khăn mà có thể phải đợi điều kiện chín muồi, ví dụ sự việc đó đến mức độ nào, sự đồng thuận ở QH cao chưa thì mới tiến hành điều trần hay lập ủy ban điều tra được.
Ví dụ, đề nghị của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết về lập ủy ban điều tra Vinashin là có căn cứ của pháp luật.
Nhưng vụ này đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, mọi việc vẫn đang làm. Vậy có cần thiết có thêm một cơ quan khác làm không, có sự chồng chéo ở đây.
Do đó, nếu thực sự thấy cần thiết thì sẽ làm, còn bây giờ các cơ quan chức năng cũng đang điều tra như vậy thì cũng thấy chưa thực sự cần thiết.
Không nên vì nghe phê phán mà tâm lý nặng nề
Sau phiên điều trần, các hạn chế quanh vấn đề về xóa đói giảm nghèo và quản lý giá thuốc đã được khắc phục đến đâu, thưa ông?
- Bộ LĐTB&XH đang chuẩn bị nghị quyết cho Chính phủ và quyết định cho Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo 2011 - 2015. QH cũng đồng ý tiếp tục đầu tư ngân sách cho chương trình giảm nghèo 5 năm tiếp theo.
Sau phiên giải trình với Bộ Y tế, thì bộ này đã cùng với Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu sửa đổi một số quy định trong quản lý giá thuốc.
Bộ Tài chính cũng thấy được trách nhiệm của mình trong quản lý giá thuốc, với mục tiêu quản lý giá thuốc tốt, bình ổn tốt. Qua cuộc giải trình, ngành y tế và ủy ban chúng tôi cũng thấu hiểu được nhau hơn. Có thể nói, hiệu quả tốt.
Chuẩn bị cho một phiên điều trần có nhiêu khê không, thưa ông?
- Thời gian chuẩn bị khá dài, cũng mất đến 2 - 3 tháng.
Như bạn thấy, nhiều ý kiến trao đổi trong cuộc họp đó rất căng thẳng, gay gắt nhưng đều thể hiện tinh thần trách nhiệm.
Vì vậy tôi mới cho rằng các ủy ban nên tăng cường các phiên giải trình mỗi khi có vấn đề nổi cộm trong đời sống để cùng tháo gỡ.
Tác dụng của những phiên điều trần này đó là làm cho ĐBQH thấu hiểu cách triển khai thực hiện của cơ quan chức năng. Góp thêm cho Chính phủ đề xuất, đánh giá định hướng giai đoạn tiếp theo.
Có lần ông đã phát biểu rằng, đang có hiện tượng báo cáo thẩm tra ban đầu của một số ủy ban mang tính chiến đấu, phê phán cao, nhưng qua nhiều phiên họp thì tính chiến đấu cứ giảm dần đi. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Cũng phải hiểu thế này, ban đầu khi các ủy ban đi giám sát hoặc thẩm tra và thu thập số liệu thì số liệu ban đầu chưa được phân tích đầy đủ nên khi đưa ra thấy có vẻ gay gắt, căng thẳng.
Sau đó khi đã họp hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá các yếu tố tác động chủ quan, khách quan một số vấn đề nhận thức chưa đúng đã được điều chỉnh lại. Nên các bản báo cáo cuối cùng bao giờ cũng có vẻ chuẩn mực hơn. Tôi nói chiến đấu giảm dần đi là theo nghĩa đó.
Nhưng, tôi cho rằng, các cơ quan chính phủ phải thấy việc đưa ra mổ xẻ nguyên nhân, đánh giá các tồn tại, phê phán như vậy là để rút ra bài học.
Không nên vì những ý kiến phê phán đó mà gây ra tâm lý nặng nề, tưởng như giữa Chính phủ và Quốc hội có xung đột gì đó trong khi các ý kiến góp ý như vậy chính là sự bổ khuyết lẫn nhau.
Là cơ quan giám sát, khi thấy có vấn đề cảnh báo thì Quốc hội nên đưa ra cảnh báo sớm.
Chính phủ cũng phải lắng nghe để bổ khuyết và sửa chữa kịp thời.
Cơ quan Quốc hội đưa ra phân tích tồn tại không phải để moi móc, mà mọi phê phán đều phải xem là động lực cho sự phát triển.
-
Lê Nhung