Thà chính phủ không cam kết
- Ở nhiều quốc gia, người dân chấp nhận sự tồn tại của tham nhũng, miễn là chính phủ điều hành đất nước phát triển. Doanh nghiệp chấp nhận hối lộ, miễn đạt hợp đồng.
Chiều 13/10, Hội nghị chống tham nhũng quốc tế lần thứ 14 đã kết thúc tại Bangkok với thông điệp "Niềm tin sẽ được khôi phục, nếu theo sau những tuyên bố mạnh mẽ là hành động cụ thể. Nhiệm vụ của chúng ta là ủng hộ những người sẵn sàng thay đổi luật chơi".
Không nói còn hơn nói mà không làm
4 ngày sôi nổi trôi qua với nhiều phiên thảo luận nhóm kéo dài đến hết cả giờ giải lao hay giờ ăn trưa, nhiều gương mặt đã thành quen thuộc vì thường xuyên xếp hàng để được chất vấn các diễn giả.
Hiếm có hội nghị nào mà gần 1.300 đại biểu đến từ 135 quốc gia lại đồng chí hướng đến thế. Tất cả đều khẳng định tham nhũng là căn bệnh ung thư rất khó chữa.
Những đại diện trẻ tuổi của Việt Nam trong môt phiên thảo luận |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thanh tra Brazil (chủ nhà của hội nghị sau, năm 2012) khẳng định: "Không quốc gia nào không bị tham nhũng phá hoại, điểm khác biệt chỉ là cách các nước định nghĩa tham nhũng, hay tham nhũng ở mức độ nào thôi. Có những quốc gia né tránh, không gọi đúng tên bệnh tham nhũng". Ông chỉ rõ, những cuộc vận động hành lang ở các nước rất phát triển hay việc người lao động nghèo phải trả thêm tiền để nhận dịch vụ công ở những nước đang phát triển đều là tham nhũng.
Đồng cảm trong việc nhận định về tham nhũng, nhưng khi nhận định về khả năng chiến thắng tham nhũng thì lại có sự phân hóa rõ nét.
Nhóm những người bi quan nhận thấy không có nhiều bước tiến trong cuộc chiến đấu, bởi tham nhũng ngày càng nặng nề và sâu rộng hơn, niềm tin đang ngày càng giảm sút, dù đó là niềm tin vào sự phát triển kinh tế hay xã hội, tin vào những cam kết chống tham nhũng của chính phủ hay vào sự hiệu quả của luật pháp.
Ở nhiều quốc gia, người dân đã đầu hàng, chấp nhận sự tồn tại của tham nhũng, miễn là chính phủ vẫn điều hành đất nước phát triển. Doanh nghiệp chấp nhận hối lộ, miễn đạt được hợp đồng. Tiếng nói của truyền thông và các tổ chức xã hội ngày càng yếu ớt trước những mối đe dọa thường trực. Thậm chí, bà Elena Panfilova - GĐ điều hành của Tổ chức minh bạch của nước Nga còn thẳng thắn cho rằng "Chống tham nhũng không hiệu quả vì đang bị "chính trị hóa". Thà một chính phủ không cam kết, còn hơn cam kết rồi không thực hiện".
Thừa nhận pháp luật dù tốt đến đâu cũng không đủ, nhưng những người lạc quan lại có cái nhìn khác, rằng xã hội đang dần thức tỉnh, để mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng nhận lãnh trách nhiệm trong hành trình đẩy lùi tham nhũng, kể cả ở những quốc gia tham nhũng đã thành hệ thống. Tin vui là số đông đang ở phía lạc quan.
Tỉnh ngộ
Chẳng hạn, với cộng đồng doanh nghiệp, ông Aleksandr Shkolnikov (Trung tâm doanh nghiệp tư nhân quốc tế - CIPE) bình luận, các doanh nghiệp phải thấu hiểu nếu chấp nhận tham nhũng, hối lộ, họ sẽ thất bại. Trong một cuộc đấu thầu, chỉ một người thắng cuộc, dù cả 10 doanh nghiệp tham gia đều hối lộ chăng nữa.
"Khi chỉ một số doanh nghiệp tham nhũng thì họ có thể chiến thắng, và những người không tham nhũng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Còn khi tất cả đã tham nhũng thì anh sẽ thua vì anh hối lộ ít hơn, và dù anh thắng lần này, không có gì đảm bảo anh sẽ thắng lần tiếp theo, bởi sẽ có doanh nghiệp khác hối lộ nhiều hơn anh".
Ông Richard Boucher (Phó Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD) cảnh báo thêm rằng, nếu mọi doanh nghiệp đều tham nhũng thì không ai nhận được cái mình cần. "Bạn cần nguyên liệu tốt để sản xuất, nhưng nguyên liệu đưa đến cho bạn sẽ có chất lượng kém, vì doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đó đã thắng thầu nhờ hối lộ chứ không phải nhờ chất lượng sản phẩm hay giá cả cạnh tranh. Tất cả khu vực tư nhân đều trở thành nạn nhân của tham nhũng, và tất cả đều thất bại".
Kết luận được đưa ra là khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra thực tế này, họ sẽ tỉnh ngộ để bắt tay nhau vào cuộc chơi công bằng hơn.
Các tổ chức xã hội cũng như mỗi cá nhân trong cộng đồng lại có vai trò khác. Nếu nhóm này buông xuôi, chấp nhận tham nhũng là thực tế, thì tham nhũng có cơ hội phát triển mạnh. Còn ngược lại, khi phần đông xã hội đòi hỏi sự trong sạch, không tha thứ cho tham nhũng, với sức ép đủ lớn thì chính phủ sẽ phải thức tỉnh. "Những chính phủ chưa cam kết sẽ phải cam kết, những chính phủ đã cam kết sẽ phải hành động cụ thể thực thi cam kết" là khẳng định của nhiều đại biểu.
"Làm thế nào để giới trẻ tham gia nhiều hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng" không chỉ là tiếng nói của một bạn trẻ Việt Nam vang lên trong phiên bế mạc (qua một đoạn video clip), mà cũng là cách tiếp cận rất kiên trì của vài hội nghị chống tham nhũng quốc tế gần đây. Đã có hẳn một phiên thảo luận đặc biệt với chủ đề "Giới trẻ - nạn nhân của tham nhũng hay những người thay đổi cuộc chơi" tại hội nghị lần này.
Các nhà hoạt động xã hội già dặn đều thừa nhận, lợi thế lớn của tuổi trẻ là khả năng tiếp cận thông tin "tốt hơn phần lớn chúng ta đang ngồi đây". "Hãy là một đứa trẻ lâu nhất có thể" là thông điệp nhận được nhiều sự tán thưởng, bởi những đứa trẻ sẽ dễ dàng phân biệt đúng sai, trắng đen, tốt xấu mà không dễ bị tác động.
"Để khôi phục niềm tin, chúng ta phải giữ được niềm hy vọng và sự quyết tâm". Nhưng thông điệp còn lại sau hội nghị phải là "Niềm tin sẽ được khôi phục, nếu theo sau những tuyên bố mạnh mẽ là những hành động cụ thể".
-
Khánh Linh (từ Bangkok)