- Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng nên hướng tới mở rộng quyền lợi về chính trị như dành cho kiều bào ghế đại biểu trong Quốc hội.
>> Để tay lên tim, tìm nhà ngoại giao hào hoa
>> Không thể ’chia năm xẻ bảy’ cơ quan ngoại giao
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) - Bộ Ngoại giao hôm nay (4/11) tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Hòa giải dân tộc: "Bài thuốc" cho công tác kiều bào
Đánh giá 6 năm triển khai Nghị quyết, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khẳng định chủ trương, đường lối chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, coi kiều bào là bộ phận không tách rời dân tộc, song ông cho rằng thực tiễn mới chỉ làm được 50% tinh thần của Nghị quyết.
Để làm tốt một nửa phần chưa làm được còn lại, theo ông, điều cần “thoát ra” nhiều hơn nữa chính là tinh thần hòa giải dân tộc, đặc biệt với sự chủ động của những người ở trong nước, đẩy mạnh hòa giải dân tộc như một bước đổi mới tư duy trong hiện thực hóa Nghị quyết 36 về công tác kiều bào.
“Phải nói chúng ta đã hòa giải. 35 năm qua, chúng ta đã có nhiều giải tỏa nhưng chưa hết hẳn trong tâm lý con người, kể cả hai phía, chúng ta và những người ở nước ngoài bỏ chạy mang hận thù… Đến lúc này chúng ta phải đề cao truyền thống vị tha, đẩy cái này lên. Đó sẽ là bài thuốc, vị thuốc làm cho những người ra đi quay về với đất nước”, ông Niên phát biểu.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Chính sách đã có, nhưng vướng khi chạm thực tế. Ảnh: Phương Thuận |
Các chính sách cụ thể hóa Nghị quyết 36 như luật về quốc tịch, đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, pháp lệnh về ngoại hối, quy định về miễn thị thực nhập xuất cảnh cho NVNONN, về cư trú, hồi hương,… theo hướng ngày thuận lợi cho kiều bào đã được ban hành.
Tuy nhiên, theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, cơ chế thực hiện các chính sách trên trong cuộc sống vẫn còn chưa suôn sẻ, khi “chạm thực tế” là “vướng”.
Do đó, cần phải tháo gỡ vướng mắc để bà con kiều bào hướng về đất nước, thấy “đất nước này là của họ”.
Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội Ngô Quang Xuân nhấn mạnh vai trò chủ chốt của các đại sứ, tức người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài - nơi tiếp xúc trực tiếp và gần nhất với kiều bào.
Hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ, trong đó gần 400 ngàn người có trình độ đại học trở lên. |
“Cần thực hiện luật cơ quan đại diện, làm thế nào nâng tầm cơ quan đại diện, nâng tầm đại sứ lên. Bà con bận lắm, không có thời gian đến với mình, phải làm tinh thần hết mình với bà con, vất vả, nếu không nói thật là khó lắm”, ông nói.
Trong khi đại sứ có vai trò “cốt lõi” trong việc xây dựng mạng lưới công tác cộng đồng ở nước sở tại thì một vấn đề không ổn như ông Xuân nêu ra hiện nay, đó là việc bàn giao giữa đại sứ nhiệm kỳ cũ và đại sứ nhiệm kỳ mới. Có trường hợp các đầu mối, cơ sở đã được thiết lập từ nhiệm kỳ cũ nhưng không bàn giao tốt, dẫn đến chuyện người sang công tác sau phải làm lại.
Về việc mở rộng quyền lợi chính trị như đảm bảo ghế đại biểu trong Quốc hội cho kiều bào như ông Niên nêu, ông Xuân đồng tình chủ trương này trong tương lai nhưng cho rằng để hiện thực hóa, sẽ phải tháo gỡ nhiều vấn đề.
Hút chất xám kiều bào
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn trong bản báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36 đã đề xuất một bộ giải pháp tổng thể liên quan đến công tác kiều bào.
Một trong những đề xuất đó là xây dựng “Pháp lệnh về công tác đối với NVNONN” để bảo đảm thực thi nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 36 cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước đối với kiều bào.
Bên cạnh đó, kiến nghị Ban Bí thư sớm xem xét, có ý kiến để triển khai thực hiện đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN xây dựng đất nước”.
Đây là một đề án với khá nhiều nội dung chiến lược như: thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác này, xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, trí thức có trình độ cao, lập Trung tâm mạng thông tin và quỹ hỗ trợ tìm kiếm, vận động trí thức kiều bào, lập các nhóm tư vấn chuyên gia, trí thức, trong đó có sự tham gia của những người ở tuổi hưu, từng là chuyên gia, cố vấn cho lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, tập đoàn xuyên quốc gia, mong muốn đóng góp với trong nước qua việc tư vấn…
Trung bình hằng năm có khoảng 500 nghìn lượt kiều bào về nước, trong đó khoảng 300 chuyên gia, trí thức về làm việc và hàng nghìn người về tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. |
Báo cáo tổng kết cho hay ở nhiều cấp độ còn chưa hết thành kiến, còn tâm lý e ngại hoặc coi thường vai trò đóng góp của trí thức, doanh nhân kiều bào. Vẫn còn sự so bì giữa trí thức trong và ngoài nước, thậm chí còn quan niệm đơn giản rằng chỉ cần tạo thông thoáng hoặc có thêm đãi ngộ vật chất là có thể thu hút được trí thức kiều bào.
Do vậy, nhiều chính sách tạo điều kiện cho kiều bào chậm được triển khai, gây tranh cãi kéo dài trong quá trình xây dựng, ban hành như các vấn đề về nhà ở, đầu tư, lập hội doanh nhân kiều bào, thủ tục cấp giấy xác nhận gốc Việt Nam…
Ngoài ra, kiến nghị minh bạch hóa các thủ tục về nhập xuất cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương…, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào; sớm hoàn thiện các quy định tạo thuận lợi cho NVNONN được mua và sở hữu nhà ở trong nước, đăng ký giữ quốc tịch, cấp giấy xác nhận gốc Việt NamN, tham gia hội tại Việt Nam hoặc tiếp tục hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội của nước sở tại sau khi về thường trú tại Việt Nam.
-
Xuân Linh