- Thảo luận các báo cáo của Chính phủ về phòng ngừa tội phạm, chống tham nhũng, ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) không đồng tình với thông tin mà Chính phủ đã nêu rằng tỷ lệ tham nhũng dưới cấp cơ sở xã, phường (31%) cao hơn cấp Trung ương (0,3%).
Tham nhũng ở Trung ương thấp hơn xã, phường?
"Con số khiến tôi dở khóc dở cười. Cán bộ dưới địa phương vì đồng lương ít ỏi không đủ sống nên phải tham nhũng chăng? Tham nhũng dưới địa phương không thể cao hơn Trung ương được", ĐB Trần Văn Kiệt bình luận.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, so với năm 2009, số vụ tham nhũng mới giảm 31,6%; số vụ tham nhũng khởi tố mới giảm 23%; đối tượng tham nhũng giảm 28%.
Bởi nhiều cử tri đã chia sẻ với ĐBQB rằng phải chăng phong trào chống tham nhũng lại thoái trào? Vậy còn những hiện tượng như lót tay thì việc mới chạy, rồi các công trình xây dựng chưa sử dụng đã hỏng, tiền bôi trơn... Dân sẵn sàng hối lộ để được việc.
"Tôi cho rằng tham nhũng chưa chấm dứt mà là năng lực, trình độ đội ngũ chống tham nhũng của ta chưa tương xứng, trong khi đó, lực lượng tham nhũng ngày càng thêm thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt", ĐB Kiệt nói.
Ông Kiệt tâm tư, Quốc hội khóa 11 đã từng thống nhất ý chí, nếu thượng bất chính, hạ tắc loạn. Vậy để tình trạng tham nhũng còn tồn tại như vậy, liệu QH có nên phân tích, mổ xẻ kỹ hơn?
ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) cũng nêu nghi vấn, phải chăng tham nhũng càng ở cấp cao, càng phức tạp, tinh vi khó phát hiện hơn so với ở cơ sở nên mới có những đánh giá "lạc quan" như vậy.
ĐBQH cũng lo ngại chuyện thanh tra, phát hiện tham nhũng từ trong nội bộ khi báo cáo cho thấy chỉ 25 cơ quan, tổ chức tự phát hiện hành vi tham nhũng.
"Cán bộ một số nơi cứ nghĩ tham nhũng là ở đâu đâu, chứ chuyện ở địa phương mình là không nghe, không thấy... Hãy đừng để xã hội có những người bàng quan, vô cảm, sống chung với tham nhũng vì lợi ích cục bộ của mình", ông Xướng nói.
Ngay đánh giá của Chính phủ cũng nhận định, một số đối tượng tham nhũng lại là những người trong cơ quan bảo vệ pháp luật.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng phải thu hồi toàn bộ tiền tham nhũng trả lại cho ngân sách. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Về điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba khẳng định, cần phải có một đánh giá chuyên đề riêng, chỉ ra nguyên nhân, khắc phục hạn chế của tình trạng này để giữ trong sạch đội ngũ.
ĐB Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh cũng nói thẳng: "Nhiều vụ tham nhũng nổi cộm nhưng các cơ quan tư pháp chậm vào cuộc xử lý hoặc trả lời công luận, như vụ Vinashin, tiền polymer, thuốc tamifflu...".
Xử không nghiêm, dân hoài nghi
Liên quan đến vấn đề giải trình và minh bạch, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, công khai thu nhập là một trong những giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa tham nhũng.
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, đối tượng được hưởng án treo vẫn cao (23,40%), nhất là tội phạm tham nhũng (34,6%) cử tri rất không đồng tình và rất quan tâm đến đánh giá này. |
ĐB Xuân dẫn chứng, người dân nhiều nước lên mạng là biết ngay thu nhập của nguyên thủ.
"Đây là điểm mà Việt Nam cần học, chức càng to thì càng công khai thu nhập. Nếu không thì không thể trả lời được cho dân là vì sao vị cán bộ đó có biệt thự triệu đô, con cái xài xe sang", ông Xuân nói.
ĐB Đặng Văn Xướng thì cho rằng, phương thuốc hữu hiệu "kê khai thu nhập" đang bị xem là hình thức, khi chỉ mới 24/63 tỉnh hoàn thành, chưa đánh giá gì về chất lượng.
Rõ ràng, như tất cả những phiên thảo luận có liên quan đến phòng chống tham nhũng, điều mà ĐBQH quan tâm là sự cam kết và ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp cao nhất.
Dành trọn vẹn 7 phút chỉ để nói mỗi chuyện phòng chống tham nhũng, ĐB Đặng Văn Xướng "chốt" lại": "Tội phạm tham nhũng rất khó phát hiện. Nhưng nếu phát hiện thì phải xử đúng người, đúng việc. Xử không nghiêm sẽ chỉ làm nhân dân hoài nghi".
-
Lê Nhung