Khiếu nại đông người: thực tế khó né tránh
- Nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để quy định trong luật việc giải quyết khiếu nại đông người, vì đây là thực tế không thể né tránh, khi vụ việc xảy ra, các cơ quan nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giải quyết.
Thẩm tra dự án Luật Khiếu nại tại phiên họp QH sáng nay (25/10), Chủ nhiệm UB Pháp Luật Nguyễn Văn Thuận nói nhiều ý kiến cho rằng, những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật Khiếu nại về cơ bản không khác so với cơ chế giải quyết khiếu nại của pháp luật hiện hành - một cơ chế đã tồn tại trên 30 năm với tính nhân văn là tạo cơ hội cho người bị khiếu nại sửa sai, nhưng trên thực tế lại không có hiệu quả.
Ông Thuận nhấn mạnh, không nên tiếp tục duy trì cơ chế khiếu nại như hiện nay và việc ban hành luật sẽ không có nhiều ý nghĩa cho việc giải quyết khiếu nai, tố cáo, mà chỉ giải quyết về hình thức. Nghĩa là, từ nội dung của Luật Khiếu nại, tố cáo tách thành hai đạo luật, một quy định về khiếu nại, một quy định về tố cáo giải quyết tố cáo.
Khiếu nại diễn biến phức tạp. |
"Nhạy cảm, phức tạp"
Một trong những quy định của dự thảo luật, đó là trong trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn từng người viết đơn riêng để được giải quyết.
Theo Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Chính phủ chủ trương dự thảo luật không đề cập vấn đề khiếu nại đông người bởi khiếu nại đông người đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, mỗi hình thức cần có biện pháp giải quyết riêng.
Ông Truyền cho hay khiếu nại đông người là vấn đề "rất nhạy cảm và phức tạp", nếu quy định trong Luật khiếu nại dễ dẫn đến việc lợi dụng, để gây rối, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự toàn xã hội.
Trong khi đó, Chủ nhiệm UB Pháp Luật cho hay thực tế tình trạng khiếu nại đông người vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất gay gắt, phức tạp và thường liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, môi trường...
Đối với các vụ việc này, ông Thuận nói, nhìn chung các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn phải giải quyết dưới các hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, do chưa có quy định của pháp luật về xử lý khiếu nại đông người nên khi có vụ việc xảy ra đã gây không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình xem xét, giải quyết. Song nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để quy định trong luật việc giải quyết khiếu nại đông người, vì đây là thực tế không thể né tránh, khi vụ việc xảy ra các cơ quan nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giải quyết.
Khắc phục đơn thư lòng vòng
Một trong những kiến nghị của UB Pháp luật liên quan đến giải quyết đơn thư khiếu nại kéo dài.
Một số ý kiến cho rằng, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đã có một lượng lớn đơn thư khiếu nại của người dân được gửi đến các cơ quan nhà nước không có thẩm quyền giải quyết, dẫn đến việc chuyển đơn lòng vòng, vừa không có hiệu quả, vừa tốn công sức, thời gian của các cơ quan nhà nước cũng như của người dân.
Trong một số trường hợp, việc chuyển đơn của người dân còn làm cho giải quyết khiếu nại thêm phức tạp. Vì vậy, các ý kiến đề nghị Luật Khiếu nại cần phải có các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước có biện pháp xử lý thống nhất và khắc phục tình trạng này.
80% khiếu nại liên quan đất đai Từ 2005 đến tháng 6/2006, khoảng 80% số vụ việc khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất. Theo tổng kết của Thanh tra Chính phủ, khiếu nại diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao. Khoảng 80% số vụ việc khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất. Cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương đã tiếp nhận 628.302 đơn khiếu nại. |
Tại phiên họp sáng 25/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật phòng, chống mua bán người của Chính phủ. Theo UB Tư pháp, với tính chất là luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người, bên cạnh hành vi đã được quy định trong Bộ luật hình sự thì Luật này còn điều chỉnh những hành vi mà cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh. Đó là tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người trái với ý muốn của họ để chuyển giao nhằm mục đích bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhận đạo khác. |
-
Linh Thư