- Họp với đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội về việc chậm xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh dẫn ngay câu chuyện xử lý Vedan vừa qua rồi đúc kết: "Phải có hình thức nặng hơn nữa, xử phạt người đứng đầu là quan trọng nhất, kể cả kỷ luật, cách chức".
Để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 và chuẩn bị kế hoạch phát triển giai đoạn tới, đoàn giám sát của Ủy ban KHCN&MT phối hợp với Bộ TN&MT đã làm việc với các bộ ngành về việc xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều kiến nghị đã được nêu trong buổi làm việc đầu tiên với hai Bộ Công thương, Xây dựng ngày 7/10.
Lỡ hẹn ba năm
Việc đóng cửa hay tiếp tục duy trì cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từng làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên ngay tại thời điểm "phanh phui" những sai phạm của Vedan. Không ít lý do được đưa ra giải thích cho việc nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất thiếu hệ thống xử lý ô nhiễm, chẳng hạn, công nghệ cũ, "do lịch sử để lại"...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh (phải). Ảnh: LN
Tuy nhiên, đại biểu QH kỳ vọng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do Thủ tướng phê duyệt (dự kiến giai đoạn 1 kết thúc năm 2007) sẽ giải quyết rốt ráo hậu quả lịch sử.
Nhưng, số liệu mà Thứ trưởng hai Bộ Công thương, Xây dựng chỉ ra đã chứng minh rằng kế hoạch kết thúc việc di dời, thay đổi công nghệ hoặc đóng cửa cơ sở ô nhiễm nặng đã "lỡ hẹn" ba năm, và tới đây nếu không điều chỉnh sẽ tiếp tục kéo dài chưa có hạn chót.
Bộ Công thương vẫn còn tới 14/71 cơ sở ô nhiễm, 23/71 cơ sở đã thực hiện các yêu cầu của nhà nước như đầu tư công nghệ mới, tìm địa điểm di dời... song chưa được cấp giấy chứng nhận. Trong số 34 cơ sở sản xuất đã xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm cũng chỉ có 3 cơ sở di dời đến nơi mới, còn lại chủ yếu xây mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý chất thải.
Bộ Xây dựng tuy đã xử lý triệt để 15/16 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng ô nhiễm do bộ quản lý trực tiếp nhưng vẫn còn nhiều cơ sở do bộ quản lý gián tiếp vẫn chưa xử lý xong. Việc khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm tại các bãi rác xem còn khó khăn dù trách nhiệm trực tiếp đã được giao xuống tận địa phương.
Lãnh đạo các bộ cũng như thành viên đoàn giám sát đều chung nhận định "tốc độ xử lý chưa đạt yêu cầu".
Xử phạt người đứng đầu
Lý giải nguyên nhân các cơ sở sản xuất "ì ạch" trong tiến độ xây mới hệ thống xử lý chất thải, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, khung xử phạt hành chính 70 triệu đồng không thấm vào đâu so với tiền đầu tư xây mới.
Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Nghiêm Vũ Khải (giữa): "QĐ 64 tuy đã phân công trách nhiệm nhưng còn chung chung". Ảnh: LN
Như ông Khánh chỉ ra, đầu tư xây một nhà máy xử lý nước thải cỡ 30 tỷ đồng thì chỉ tính riêng tiền trả lãi cũng đã lên tới 300 triệu đồng, nên nhiều cơ sở "vô tư" nộp phạt hành chính 70 triệu. Tiền nộp phạt của DNNN thì cũng từ ngân sách mà ra.
"Đánh vào kinh tế không ăn thua... Phải có hình thức nặng hơn nữa, xử phạt người đứng đầu là quan trọng nhất, kể cả kỷ luật, cách chức", ông Khánh nói. Dùng áp lực dư luận hoặc tẩy chay sản phẩm, theo ông Khánh, cũng là phương án hiệu quả.
Điều này được minh chứng bởi nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng "một số DN chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như thực hiện quyết định trên của Chính phủ. Công tác quản lý môi trường chưa thể hiện được sự cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất của DN".
Theo Bộ Công thương, một số DN chỉ đầu tư ở mức tối thiểu, công nghệ và thiết bị không phù hợp nên vẫn không được cấp giấy chứng nhận và chưa đáp ứng được một số chỉ tiêu ô nhiễm.
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Xây dựng Nguyễn Trọng Hoà lại cho rằng, nguyên nhân một phần vì thiếu kinh phí. Kế hoạch xử lý triệt để DN gây ô nhiễm đặt ra mục tiêu làm rốt ráo xong không hề nói đến nguồn lực tài chính.
Đây cũng là câu hỏi được Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Nghiêm Vũ Khải đặt ra cho Bộ Công thương. Theo ông, khi xây dựng đề án di dời, xây mới hệ thống xử lý chất thải lớn như vậy, dự kiến sẽ tốn bao nhiêu tiền? Kinh phí từ những nguồn nào? Các cơ sở đã xử lý tiêu hết bao nhiêu cho việc di dời cũng như xây mới. Với những DN đã giải thể, bao nhiêu lao động mất việc. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho hay, chưa có thống kê nào cụ thể như vậy.
Không châm chước, xuê xoa
Thời gian tới, các bộ sẽ phải cùng với địa phương xử lý rốt ráo hơn nữa những cơ sở quá hạn, đồng thời kết thúc giai đoạn 2 theo kế hoạch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Thế Đồng cho rằng, trừ những cơ sở chậm trễ do tác động khách quan (sẽ báo cáo Thủ tướng) thì phải có thái độ dứt khoát với những DN chưa thực hiện kế hoạch.
Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Quốc hội Nghiêm Xuân Bạch đề nghị, phải đình chỉ hoặc cho phá sản những DN chậm trễ để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật.
Còn theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban, ông Nghiêm Vũ Khải, cần nhanh chóng xử lý dứt điểm, "không châm chước xuê xoa" với các cơ sở trong danh mục phải giải quyết giai đoạn 1, đồng thời phải kiểm tra những DN đã được cấp giấy chứng nhận để đảm bảo không tái phạm.
Liên quan đến một số bất cập trong quyết định 64 (kế hoạch xử lý cơ sơ gây ô nhiễm), ông Khải cho hay, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi lại, cập nhật tình hình mới và có giải pháp cụ thể hơn để gỡ vướng.
-
Lê Nhung