Ngoài lũ bùn đỏ, nhiều thảm họa chất thải chờ xảy ra
Khi số người thiệt mạng do thảm họa bùn đỏ ở Hungary đã lên đến 9 người, các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro chết người khác có khả năng xảy ra ở khắp khu vực với các cơ sở công nghiệp ít được chú ý bảo trì.
Hungary mở lại nhà máy sau lũ bùn đỏ
Hungary: Lũ bùn đỏ có thể tái diễn?
Chùm ảnh: Hungary đối mặt với thảm họa bùn đỏRà soát thiết kế các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên
“Có nhiều thảm họa đang chờ đợi xảy ra, không chỉ ở Hungary mà còn khắp khu vực”, Zoltan Illes, Bộ trưởng Môi trường của Hungary nói trong một cuộc phỏng vấn. “Bài học của lũ bùn đỏ là những gì có thể xảy ra nếu những quy định môi trường bị phớt lờ trong quá trình tìm kiếm, theo đuổi lợi nhuận”.
Bức ảnh chụp trên không về con đập tại Kolontar, Hungary, ngày 11/6 cho thấy bùn đỏ đã chảy qua tường chắn. Ảnh: AP |
Tuần trước, khoảng 757 triệu lít bùn đỏ độc hại - sản phẩm phụ của quá trình luyện nhôm từ quặng bôxit - từ một hồ chứa đã dội xuống các khu dân cư sau khi một phần bức tường hồ chứa bị sập xuống. Hàng trăm người phải sơ tán, thiệt hai tài sản tư nhân lên tới hàng triệu euro.Chưa ai bị cáo buộc trong thảm họa. Hôm 13/10, người đứng đầu công ty liên quan tới lũ bùn đỏ đã được tự do sau hai ngày tạm giam. Tòa án phán quyết chưa có đủ chứng cứ để buộc tội Zoltan Bakonyi, luật sư của ông này cho biết.
Trong khi nhà máy sản xuất nhôm - trung tâm cuộc khủng hoảng sinh thái - sẽ hoạt động trở lại vào hôm nay, dòng bùn đỏ tiếp tục đặt cả Đông và Trung Âu trong tình trạng báo động, nơi dòng Danube bị chia cắt bởi các nhà máy, hầm mỏ.
Các chuyên gia cho hay, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xói mòn những cam kết và sự tuân thủ quy định môi trường của chính phủ trong khắp khu vực và đặt ra sự hoài nghi rằng, liệu các công ty với mục tiêu cao nhất là lợi nhuận và chính quyền địa phương có kiểm tra một cách hiệu quả và đầy đủ những biện pháp an toàn cũng như việc thực thi chúng hay không.
Ông Illes, quan chức môi trường Hungary đã rất lo lắng về bảy hồ chứa bùn đỏ ở một nhà máy sản xuất nhôm khá cũ kỹ tại Almasfuzito, phía tây bắc đất nước, nơi chứa đựng 12 triệu tấn bùn đỏ sản xuất từ năm 1945 - nhiều hơn 10 lần lượng bùn tràn tuần trước.
Các nhà môi trường cảnh báo, không chỉ Hungary mà ở khắp khu vực, thảm họa sinh thái do các chất thải độc hại luôn chờ đợi xảy ra. Một nghiên cứu năm 2007 về các điểm chất thải công nghiệp độc hại trong khu vực do Ủy ban quốc tế Bảo vệ sông Danube tiến hành đã nhận thấy có 97 điểm ô nhiễm trong cả khu vực, đứng đầu là Hungary với 32 điểm, tiếp theo là Romania với 25 điểm và Slovakia, 18 điểm.
Tại Romania, nơi mọi người vẫn còn nhớ tới một thảm họa môi trường kinh hoàng xảy ra tháng 1/2000 khi 100.000 mét khối nước nhiễm cyanua tuôn trào từ bể chứa của một mỏ vàng ở thành phố phía Baia Mare, thì các nhóm môi trường cho hay, họ rất lo lắng với đề xuất cho phép nối lại khai thác cyanua. Trong thảm họa 10 năm trước, vô số động vật hoang dã bị tiêu diệt và hàng chục người phải nhập viên sau khi ăn cá nhiễm bẩn.
Tuần trước, Bộ trưởng Môi trường Romania Laszlo Borbely,nói, nước này sẽ chi 100 triệu euro (gần 140 triệu USD) để góp phần làm sạch 1.000 điểm nhiễm bẩn.
Trong khi đó, Bulgaria tới thời điểm này vẫn chưa có một hệ thống phân loại rõ ràng, theo yêu cầu của một đạo luật EU đưa ra năm 2006, để nhận diện các cơ sở ẩn chứa nguy cơ.
Theo một báo cáo của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Serbia - đất nước nghèo vùng Balkan - là khu vực dễ tổn thương với những nguy cơ môi trường kể từ năm 1999, khi NATO đánh bom vào các nhà máy sản xuất phân bón cũng như một nhà máy lọc dầu tại Pancevo, bên ngoài Belgrade, khiến các chất thủy ngân độc hại, dioxin và các chất khác gây ung thư tràn vào sông ngòi. Serbia cho biết đã đầu tư nhiều triệu euro để khắc phục các tổn thất.Còn ở Hungary, ông Illes nói, chính phủ nước này trong tình trạng báo động cao với nhà máy sản xuất nhôm cũ kỹ ở Almasfutizo và yêu cầu các thanh tra quốc gia xem xét toàn bộ địa điểm này cũng như các bể chức chất thải độc hại khác ở khắp đất nước.
WWF Hungary cho hay, một mức cao bất thường các kim loại độc hại cũng như florua gần đây được phát hiện trong các giếng kiểm tra của bể chứa Almasfutizo. Gabor Figeczky, giám đốc WWF Hungary, cho biết, địa điểm này rất dễ tổn thương vì nằm trong một khu vực dễ xảy ra động đất. “Người dân địa phương luôn đề cập tới sự rò rỉ chất thải độc hại, và nếu như thế, nguồn nước uống của nước này cũng có nguy cơ”, ông nói.
Theo các chuyên gia, nguồn gốc cũng như nguy cơ môi trường trong khu vực bắt đầu từ cách đây bốn thập niên. Thời điểm ấy, Hungary như một trung tâm sản xuất công nghiệp. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà đầu tư vội vã bước vào quá trình tư hữu hóa công nghiệp, với mục tiêu nhanh chóng thu lợi nhuận và một lần nữa lại gạt các xem xét môi trường sang bên.
Quá trình thúc đẩy các chuẩn môi trường hiện đại cuối cùng đã diễn ra cùng với sự mở rộng của EU năm 2004, khi các nước Trung và Đông Âu chi ra nhiều triệu USD và áp dụng những quy chuẩn sinh thái cứng rắn hơn, thích hợp với yêu cầu của khối.
Những chuyên gia khác nhấn mạnh, EU đưa ra những quy chuẩn chặt chẽ về môi trường, nhưng lại quá lỏng lẻo trong việc giám sát thực thi những quy định ấy đối với các thành viên mới đến từ phía đông.
Theo WWF, MAL Rt - sở hữu công ty có bể chứa bùn đỏ bị vỡ tuần trước, đã được EU cấp phép ngăn chặn ô nhiễm năm 2006. Trong khi đó, MAL Rt từng bị phạt vài lần (tới thời điểm 2003) vì vi phạm quy định cho phép mức bùn đỏ được chấp nhận trong các hồ chứa.
Ông Illes cũng chỉ trích quy định của EU khi không coi bùn đỏ là chất độc hại. Quy định môi trưởng của Hungary xác định bùn đỏ là chất độc, nhưng quy định ấy đã được nới lỏng sau khi Hungary gia nhập EU năm 2004.
“EU đã đề xuất luật an toàn khai thác cứng rắn hơn, nhưng ngành công nghiệp đã chịu khó vận động và có được tuyên bố rằng, bùn đỏ không phải là chất độc, và họ đã thắng trong cuộc đua ấy”, Figeczky của WWF cho biết.
Người phát ngôn môi trường của EU Joe Hennon thì khẳng định, các quy định môi trường của khối rất chặt chẽ.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, các nước Liên Xô cũ thiếu quỹ đầu tư cho môi trường để phù hợp với quy định của EU.
Trong khi đó, MAL Rt, khẳng định, công ty và các hồ chứa của họ đã được chứng nhận an toàn sức khỏe từ các thanh tra chính phủ vào ngày 23/9, chỉ một tuần trước khi bức tường hồ chứa sập xuống.
Điều đáng chú ý là, một bức ảnh chụp từ trên không vào tháng 6/2010 cho thấy, bùn đỏ đã rò rỉ qua bức tường hồ chứa.
Hồ chứa bị tràn bùn đỏ vào năm 2006 đã bị Ủy ban quốc tế Bảo vệ sông Danube xếp vào danh sách 1 trong hơn 150 điểm công nghiệp nằm dọc theo theo con sông có nguy cơ tràn chất thải độc hại gây ô nhiễm nguồn nước.
-
Thái An (Theo Nytimes)