Thuế bảo vệ môi trường không nhằm tăng thu ngân sách
- Thảo luận hôm nay (21/10) về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, các đại biểu QH vẫn chưa thống nhất về cách tính thuế: thuế tuyệt đối theo khung hay tương đối theo phần trăm giá cả.
Đánh thuế tương đối đề phòng trượt giá
ĐB Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) cho rằng nên đánh thuế tương đối theo phần trăm, với đề xuất các mức 0-2-5% với những sản phẩm cần thiết, 10-20% với những sản phẩm không khuyến khích sản xuất.
ĐB Lương Phan Cừ (Đà Nẵng) cũng ủng hộ đánh thuế tương đối vì theo ông, giá cả biến động liên tục, việc đánh thuế tuyệt đối nếu không điều chỉnh kịp sẽ không đảm bảo được ý đồ của luật là đánh vào việc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Nếu do trượt giá mà mức thuế quy định theo khung trở thành quá thấp thì tác dụng hạn chế các sản phẩm có hại cho môi trường sẽ không còn, ông Cừ phân tích.
Các sản phẩm gây tổn hại đến môi trường như túi nilon đang tràn ngập trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Ô nhiễm môi trường do rác thải tại bến đò Phước Long - Hưng Phong (huyện Giồng Trôm), nguồn: website Sở TNMT Bến Tre. |
ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) thì không ủng hộ để UB Thường vụ QH quyết định mở rộng các đối tượng chịu thuế hay các mức thu vì "10 năm nay, UB Thường vụ QH chưa quy định được loại thuế mới nào".
ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cũng chung ý kiến này. Theo bà, "QH phải thực hiện chức năng của mình là quyết định các vấn đề về thuế", đặc biệt là hiện nay, QH họp một năm hai lần, hoàn toàn có điều kiện đảm bảo tính cập nhật của các quy định về thuế.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên giải thích việc chọn đánh thuế tuyệt đối như trong dự thảo luật là vì thuế đánh vào mức độ ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng sản phẩm chứ không nhằm vào mức lợi nhuận khi tiêu thụ sản phẩm. Nghĩa là luật thuế mới nhắm tới mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chứ không nhằm tăng thu ngân sách.
Ông Kiên cũng cam kết UB Thường vụ QH sẽ cố gắng nghiêm túc đảm nhận thay QH nhiệm vụ quy định các thay đổi trong loại thuế này, dựa trên những phương án do Chính phủ và các bộ ngành tham mưu trình lên.
Các đại biểu cũng tranh luận về việc áp dụng luật thuế mới với một số sản phẩm cụ thể. ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) băn khoăn việc quy định loại thuế mới đối với xăng dầu để thay thế phí xăng dầu theo Pháp lệnh cũ, vốn được giải thích là để tái đầu tư duy tu đường bộ, cũng như quan hệ giữa loại thuế mới này và thuế nhập khẩu xăng dầu.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết cùng với lộ trình cam kết giảm thuế nhập khẩu xăng dầu khi hội nhập, cần có một loại thuế đánh vào xăng dầu để cân bằng nguồn thu cho ngân sách.
ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) thì ủng hộ đánh thuế túi nilon cao vì theo ông, sử dụng túi nilon đã trở thành thói quen khó bỏ của người tiêu dùng, trong khi các khả năng thay thế chưa tỏ ra có hiệu quả.
Đề xuất đánh thuế rau còn dư lượng thuốc trừ sâu
Nhưng ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) một lần nữa nêu thông tin về một dự án đang tiến hành ở TP.HCM biến túi nilon đã qua sử dụng thành ống cống khá hiệu quả. Ông Dũng nhận định rằng, thay vì đánh thuế, một việc ông cho là "bất khả thi", thì nên khuyến khích hướng tái sử dụng.
ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) và Nguyễn Thị Bạch Mai thắc mắc tại sao chưa đưa thuốc lá vào đối tượng chịu thuế, trong khi sản phẩm này có tác hại rất lớn đến môi trường.
Các đại biểu này phân tích, tuy đã có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nhưng giá sản phẩm này ở Việt Nam vẫn thấp, không làm khó người hút thuốc, cộng với các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng chưa hiệu quả, nên việc đánh thuế bảo vệ môi trường là cần thiết.
ĐB Nguyễn Lân Dũng còn đề nghị đánh thuế những sản phẩm rau còn dư lượng thuốc trừ sâu để gây áp lực khiến người trồng rau phải áp dụng các kỹ thuật tiên tiến. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) thì kiến nghị bên cạnh việc cấm các hành vi tổn hại môi trường, luật còn nên khuyến khích các hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường như khai thác điện gió, điện mặt trời...
- Thủy Chung