Phí môi trường thấp vì "chưa tính toán được"

Cập nhật lúc 05:52, 24/07/2010 (GMT+7)

- Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh - đại diện cơ quan soạn thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường - giải thích, mức phí hiện nay chưa phù hợp "là do chúng ta chưa tính toán được".

>> Nóng bỏng nghị trường

Hai nội dung lớn khiến tranh luận không dứt về dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường sáng 23/7 ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) liên quan đến đối tượng chịu thuế, việc phân biệt thuế và phí bảo vệ môi trường.

Thuốc lá có chịu thuế?

Về đối tượng chịu thuế, chỉ riêng Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên & nhi đồng Đào Trọng Thi tán thành ý kiến của ban soạn thảo và thẩm tra, rằng chỉ tạm thời đánh thuế 5 loại hàng hóa như dự thảo (xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng) vì "phù hợp với khả năng thu thuế".

’ĐB
ĐB Đào Trọng Thi: "phí không thể đánh vào loại hàng hóa"

Còn lại, nhiều ĐB đề xuất đưa thêm vào danh sách những hàng hóa rất gây ô nhiễm. Phó Chủ tịch QH Uông Chung Lưu đề nghị bổ sung "các loại hóa chất độc hại, hóa chất tẩy rửa trong công nghiệp, hiện đang được sử dụng rất phổ biến, còn hơn cả thuốc bảo vệ thực vật".

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước thì đề xuất thêm cả những "đối tượng" gây ô nhiễm không nhìn thấy, như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm mùi...

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Nghiêm Vũ Khải đề nghị nên đưa hết các hóa chất độc hại vào đối tượng chịu thuế, chưa kể còn các loại chất phóng xạ.

Liên quan đến thuốc lá, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình nhất định bảo phải đánh thuế vì "nghe mùi đã rất ô nhiễm rồi, vào phòng có người hút thuốc là thấy nhức đầu".

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lại băn khoăn "nếu giá thành thuốc lá tăng lên thì chỉ càng khuyến khích nhập lậu, chưa kể bà con trồng thuốc lá đều ở những vùng sâu, đời sống rất khó khăn".

Ban soạn thảo cũng giải thích muốn "mở" từ từ, vì "ta không cần đi tiên phong trước thế giới, các nước đánh sản phẩm gây ô nhiễm môi trường rất ít, chẳng nước nào đánh thuế bảo vệ môi trường cho thuốc lá cả, dù thuế tiêu thụ đặc biệt của họ rất cao".

Nhà nước có làm gì đâu mà đòi thu phí của tôi?

"Căng thẳng" nhất là thảo luận xung quanh việc phân biệt giữa thuế và phí. ĐB Đào Trọng Thi đã có sự phân định khá rạch ròi, rằng "phí đánh vào quá trình sản xuất gây ô nhiễm, còn thuế đánh vào việc sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm". Theo ông, phí không thể đánh vào loại hàng hóa như lâu nay có lúc vẫn nhầm lẫn, "hai quy trình sản xuất ra cùng một loại hàng hóa, nhưng có thể chỉ một quy trình bị đánh phí. Đó là cách khuyến khích sử dụng công nghệ sạch và biện pháp bảo vệ môi trường".

’Bộ
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Ta không cần đi tiên phong trước thế giới"

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lại "phê" cách phân biệt giữa phí và thuế của nhóm soạn thảo, bởi đã là thuế bảo vệ môi trường thì không chỉ người tiêu dùng mà cả người sản xuất cũng phải chịu. "Không cẩn thận, chúng ta sẽ không khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xử lý, làm sạch chất thải trước khi thải ra môi trường, bởi họ cho rằng đã đóng thuế, đóng phí thì có quyền làm ô nhiễm".

Ông Trần Thế Vượng cho rằng, nói đến phí là nói đến việc cung cấp dịch vụ, có được cung cấp dịch vụ thì mới trả tiền. "Như doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư BOT để xây đường, thì khi người dân đi trên đường sẽ phải nộp phí. Không phải cứ ảnh hưởng xấu đến môi trường là phải nộp phí, mà tôi chỉ nộp phí cho người cung cấp dịch vụ làm sạch môi trường thôi, đó có thể là doanh nghiệp. Còn nhà nước có làm gì đâu mà đòi thu phí của tôi? Chỉ có thuế là nhà nước thu thôi", ông Vượng chất vấn.

Tiến thêm một bước, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nói dù thuế hay phí đều tính vào giá thành, người cuối cùng phải trả tiền vẫn là người tiêu dùng, "đã có thuế rồi thì nên chuyển phí thành thuế, có khung thuế suất linh hoạt, những quy trình sản xuất sử dụng công nghệ tốt thì thu ở mức thấp, còn sử dụng công nghệ kém thì thu thuế cao", ông Hiền đề xuất.

Không nhầm lẫn phí và thuế

Tuy đề xuất của ông Hiền được Phó Chủ tịch QH Uông Chung Lưu và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đồng tình, nhưng Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đại diện cơ quan thẩm tra khẳng định không thể gộp phí và thuế. "Phí mang tính bù đắp, hoàn trả trực tiếp. Quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường thì phải trả trực tiếp cho địa phương, gây ô nhiễm bao nhiêu thì hoàn trả bấy nhiêu. Còn thuế lại không mang tính chất bù đắp, cũng không hoàn trả trực tiếp".

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh - đại diện cơ quan soạn thảo - giải thích thêm, mức phí hiện nay chưa phù hợp "là do chúng ta chưa tính toán được", và khẳng định Bộ đang thiết kế thang bảng phí theo mức độ gây ô nhiễm, cũng đang thiết kế quỹ bảo vệ môi trường mà nguồn thu chủ yếu chính là từ nguồn thu phí để trả cho dịch vụ làm sạch môi trường, "chỉ cho phép xả thải đến mức độ nào đó thôi, cũng như những công nghệ quá lạc hậu sẽ bị cấm sử dụng".

Tuy vậy, Chủ nhiệm UB Pháp luật và Trưởng Ban Dân nguyện vẫn không đồng tình với cách phân chia phí và thuế. Theo 2 ông, phí chỉ đánh vào công nghệ sản xuất, còn nếu bản thân việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường thì phải đóng thuế, "như sản xuất xi măng, sắt thép gây ô nhiễm như thế, phải đóng thuế chứ?".

Khẳng định có cả thuế và phí, nhưng ông Thuận đòi hỏi "cái gì đáng là thuế thì phải thu thuế, cái gì đáng là phí phải thu phí, chứ không nhầm lẫn được. Nếu Luật Bảo vệ môi trường quy định chưa rõ thì nhân đây ta sửa luôn, dùng một luật sửa nhiều luật".

  • Khánh Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác