Có nên lập đội đặc nhiệm ứng phó sự cố môi trường?

Cập nhật lúc 06:11, 18/10/2010 (GMT+7)

- Để ứng phó với những sự cố môi trường, Việt Nam có nên lập đội đặc nhiệm? Và ai sẽ là nòng cốt cho lực lượng này?

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Nhung
Đây là một trong những nội dung được thảo luận tại cuộc họp cuối tuần qua giữa Bộ Quốc phòng với đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường QH và Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Cuộc họp đánh giá về tiến độ thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gay ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong Bộ Quốc phòng.

Theo Tổng Cục phó Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn, Việt Nam cần lường trước một số nguy cơ sự cố về môi trường. Việc khai thác những công trình lớn như khai thác boxit Tây Nguyên, sắp tới là xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận... phải được tính toán kỹ lưỡng.

"Chúng ta mới chỉ có lực lượng cứu hộ, cứu nạn mà thôi, chưa có lực lượng đặc nhiệm ứng phó sự cố môi trường. Chẳng lẽ khi nào xảy ra mới ứng phó?", ông Lê Kế Sơn đặt câu hỏi.

Theo ông Sơn, rất cần thành lập một lực lượng đặc nhiệm để ứng phó sự cố môi trường quốc gia. Phải là lực lượng được tổ chức tốt, kỷ luật tốt, ứng phó nhanh, để đối đầu và xử lý kịp thời.

Chia sẻ ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nghiêm Vũ Khải nói, các Bộ TNMT và Bộ Quốc phòng có thể thảo luận sâu hơn vấn đề này: "Nếu Bộ Quốc phòng trở thành lực lượng nòng cốt để vừa cứu hộ, cứu nạn vừa ứng phó sự cố môi trường là tốt nhất".

Theo ông Khải, ở một số nước, ủy ban phòng chống cứu hộ cứu nạn môi trường do Tổng thống đứng đầu và Bộ trưởng Quốc phòng làm thường trực.

"Bộ Quốc phòng hội đủ điều kiện và yếu tố để trở thành nòng cốt. Bộ Quốc phòng phải đi đầu trong cả nước về bảo vệ môi trường cũng như sẽ thành lực lượng nòng cốt để ngăn chặn sự cố môi trường", ông Khải nêu ý kiến.

Nhiều thành viên trong đoàn giám sát cũng phân tích, lực lượng quân đội vẫn được xem là chủ lực trong các hoạt động như cứu nạn, bảo vệ đê điều... Nhưng, vai trò nòng cốt của lực lượng này cần phải được "luật hóa". Và Quốc hội sẽ kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện xây dựng lực lượng này. Đặc biệt việc thành lập đội đặc nhiệm ứng phó các sự cố bất ngờ về môi trường.

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, quân đội Việt Nam vẫn luôn tham gia các hoạt động phòng chống cứu nạn giống các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, do điều kiện ở Việt Nam nên chưa thành lập lực lượng ứng phó thảm họa môi trường. Trong khi đó, ở Nga, thậm chí đã có hẳn một bộ luật cho các tình trạng khẩn cấp. Hầu hết các nước đều tính tới việc phòng ngừa những thảm họa môi trường.

Việt Nam tuy chưa có những bộ luật hay ủy ban riêng về thảm họa môi trường, nhưng ông Hiệu khẳng định "quân đội vẫn luôn đóng vai trò nòng cốt".

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, đến tháng 10/2010, có 8/15 cơ sở ô nhiễm thuộc bộ đã được xử lý triệt để (đạt tỷ lệ 53% so với dự kiến).

Như vậy, tính đến nay, cả nước đã xử lý được 314/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng , đạt 71%.

  • Lê Nhung

Các tin khác