Đề xuất không thu thuế môi trường thuốc hóa học thông thường

Cập nhật lúc 21:19, 07/07/2010 (GMT+7)

- Không nên thu thuế môi trường đối với thuốc hóa học thông thường vì là đầu vào không thể thiếu của sản xuất nông nghiệp

Ngày 7/7 tại Đà Nẵng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự Luật thuế bảo vệ môi trường. Theo dự thảo, đối tượng chịu thuế sẽ là 5 nhóm đối tượng gồm xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng. Cách tính thuế suất được tính trên giá trị tuyệt đối.

Không nên đưa thuốc hoá học thông thường vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường vì đây là đầu vào không thể thiếu của sản xuất nông nghiệp Ảnh: HC

Không nên đưa thuốc hoá học thông thường vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường vì đây là đầu vào không thể thiếu của sản xuất nông nghiệp. Ảnh: HC

Trong đó, dự kiến xăng các loại sẽ phải chịu thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 - 4.000 đồng/lít, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng như thuốc sử dụng trong nông nghiệp phải chịu thuế từ 500 - 2.000 đồng/kg, thuốc trừ mối từ 1.000 - 5.000 đồng/kg…

Tiến sĩ Nguyễn Trường Thành (Viện Bảo vệ thực vật) đề nghị không thu thuế môi trường đối với các loại thuốc hóa học thông thường thuộc nhóm độc trung bình và ít độc vì đây là đầu vào không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Thu thuế môi trường đối với mặt hàng này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống nông dân cũng như giá cả nông sản cho toàn xã hội.

Ông kiến nghị chỉ thu thuế môi trường đối với thuốc hạn chế sử dụng và thuốc có độ độc nhóm 1 vì chúng có nguy cơ ô nhiễm cao, có thể thay thế bằng các thuộc khác ít độc hơn. Việc thu thuế môi trường sẽ góp phần hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng chúng. Đồng thời ông đề nghị cần khuyến khích việc sử dụng thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, kể cả miễn thuế nói chung với việc sản xuất và kinh doanh nhóm thuốc này…

Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phương (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, dự thảo đưa ra 5 nhóm đối tượng chịu thuế môi trường là chưa bao quát hết những đối tượng lẽ ra phải chịu loại thuế này. Ông đề nghị bổ sung thủy ngân và các sản phẩm chứa thủy ngân, amiăng, chất tẩy rửa khó phân hủy…

Ngược lại, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế VN (nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế) nhận định, trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay, thay vì đưa ngay tất cả các hàng hoá gây ô nhiễm thì chỉ đưa 5 nhóm hàng hóa kể trên vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường là hợp lý. Cách tính thuế suất theo mức tuyệt đối có ưu điểm đơn giản, minh bạch trong thực hiện vì mức độ ô nhiễm môi trường không liên quan đến giá bán sản phẩm cao thấp.

  • Hải Châu

Ý kiến của bạn

Các tin khác