- Sau 4 ngày đại hội đảng bộ, TP HCM đã có ban lãnh đạo mới. Ông Lê Thanh Hải tái đắc cử chức Bí thư Thành ủy. Người dân ở thành phố lớn nhất nước kỳ vọng gì ở người đứng đầu và tập thể những người sẽ chèo lái con thuyền kinh tế - xã hội 5 năm tới?
Tại đại hội Đảng bộ lần này, phiên khai mạc được đánh dấu với bài phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ngoài những thành tựu, ông đã "điểm mặt" những thiếu sót của lãnh đạo Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, yêu cầu phải cố gắng nhiều hơn nữa để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành “ thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại”.
Đó không phải chỉ là chỉ thị của Trung ương Đảng, mà cũng là ước nguyện của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Thanh Hải tái đắc cử Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ảnh: kinhtenongthon
Sự cố gắng không mệt mỏi của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã đem đến cho nhân dân nhiều thành quả đáng quý mà nhân dân cả nước và thành phố đã ghi nhận và tự hào.
Tuy nhiên, để tiến lên một thành phố xã hội, chủ nghĩa, văn minh, hiện đại là một việc không dễ dàng, phải xuất phát từ nhận thức, tầm nhìn, trình độ tổ chức, và đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Ở thành phố Hồ Chí Minh, những vấn đề này chưa thực sự có đủ tầm cỡ để đi lên, nếu không thẳng thắn nhìn nhận quyết tâm nâng cao trình độ, không sớm làm trong sạch đội ngũ thì rất đáng ngại.
Dù chưa có tiêu chí cụ thể, nhưng khi nói đến chủ nghĩa xã hội hay thành phố xã hội chủ nghĩa, ta có thể khẳng định một số yêu cầu cần thiết là: bên cạnh độc lập, tự do phải tạo cho nhân dân một cuộc sống ấm no hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh hiện đại.
Tất cả cố gắng của chúng ta là nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Ngoài tư tưởng định hướng thì cuộc sống của nhân dân phải được đặt lên hàng đầu. dân ấm no, được tôn trọng, bảo vệ, sống trong dân chủ công bằng thì dân sẽ hài lòng tư tưởng và trông đợi vào những cuộc họp hành, nghị quyết, chủ trương của chúng ta. Xa rời sự chăm lo của dân thì dân sẽ tránh xa, không tín nhiệm những người lãnh đạo, thờ ơ trước các đại hội.
Với nhiều người dân, đặc biệt là dân lao động, cuộc sống hôm nay là rất khó khăn, gay gắt tự mình bươn chải để sống. Trên tổng thể, thành phố có thêm cầu vượt, cầu chui, có thêm đường xá… song chưa đem đến sự thay đổi rõ rệt cho người dân, lương tối thiểu không tăng kịp với giá cả thị trường, có nghĩa là lương không đủ sống. Các cơ quan kinh doanh của nhà nước thì thoải mái tăng giá để không lỗ, để có nhiều tiền thưởng nên tha hồ tăng giá xăng, giá điện, giá nước. Các doanh nghiệp nhà nước không có tác dụng gì đến giá gạo, giá đường, giá sữa, giá thuốc, giá học phí…
Ngành giao thông tiếp tục xây lô cốt cản trở người đi đường ngăn chặn người kinh doanh…
Người dân hỏi: Các nghị quyết phải làm sao, tháng sau đời sống đỡ hơn tháng trước cuộc sống thoải mái, dễ dàng hơn năm trước… Đừng để dân ao ước: "Giá được trở lại cuộc sống năm trước hay vài năm về trước...".
Vấn đề dân chủ, công bằng trong Đảng, trong dân vẫn còn là vấn đề bức xúc. Những kiến nghị còn không được giải đáp, những cách làm thiếu dân chủ với dân trong việc giải tỏa, đền bù … vẫn kéo dài. Các công việc tiếp dân, nghe dân rất kém; thái độ phục vụ từ phường, xã trở lên vẫn còn hống hách, vòi vĩnh, bất cứ đi đâu cũng phải đóng tiền lót tay.
Ở thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm bỏ hội đồng nhà nước phường, quận, huyện. Mong sao chỉ mới là thí điểm. Cách đặt vấn đề này cũng là thiếu tôn trọng dân và trái lời dạy của Bác Hồ. Hiến pháp quy định : Người dân từ 18 tuổi trở lên có quyền ứng cử và bầu cử vào chính quyền các cấp. Bác Hồ dạy: Chính quyền từ xã, ấp, chính phủ trung ương đều do dân bầu ra.
Vì những ứng viên Hội đồng nhân dân kém hiệu lực mà lại xóa bộ máy cơ chế của dân thì không nên. Tại sao các ủy viên Hội đồng đó kém tác dụng? Vì ta chọn ra người để dân bầu không đúng tiêu chuẩn, ai kém quá thì xóa bỏ, bầu người khác. Cách suy nghĩ và thí điểm này thì sợ dẫn tới sự tồn tại của chính quyền phường, quận, huyện và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành và Quốc hội. Trong lúc nghiên cứu bỏ phường và quận, huyện khi cơ chế thành phố mới ra đời thì thí nghiệm gì cũng phải tôn trọng hiến pháp và lời dạy của Bác Hồ nếu không rạn nứt Hiến pháp trước thời điểm bác bỏ vai trò nhân dân thì rất nguy hiểm.
Một việc khiến người dân lo lắng là trình độ và phẩm chất của cán bộ. Một thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh thì không chỉ có nhiệt tình mà phải có năng lực và trình độ quản lý đô thị lớn. Đã bao năm nay, chúng ta chưa đưa ra được một cách giải quyết.
Tình trạng ngập nước, kẹt xe, đào đường gây phản văn minh thành phố. Dân số cứ tăng lên, đặc biệt là ở nội đô (với bao nhiêu là cao ốc kinh doanh, trường học , bệnh viện, cơ quan,…mà diện tích giao thông lại còn bó hẹp) - vẫn chưa có cách gì khác để cho dân mừng. Chợ búa vẫn tràn lan, lòng lề đường vẫn bị lấn chiếm - mà không có cách gì tháo gỡ.
Đó là trình độ của người quản lý các ngành không đủ sức, đó là quy hoạch thành phố không tạo ra cách gỡ. Một thành phố đô thị vượt lên trên trình độ và công việc lãnh đạo một tỉnh, một vùng nông nghiệp phải có tâm lãnh đạo.
Bên cạnh đó, đạo đức cán bộ cũng khiến người dân không kém phần lo lắng. Vụ Huỳnh Ngọc Sỹ ở Đại lộ Đông Tây, vụ Chủ tịch Hóc Môn, Bí thư, Chủ tịch Gò Vấp… vẫn cứ kéo dài không xử xong. Một thành phố văn minh mà có nhiều cán bộ cấp cao tham nhũng, tiêu cực thì rất đáng buồn.
Vấn đề đáng trách là việc xem xét đưa ra ánh sáng và xét xử khá chậm.
Thành phố giờ có thêm nhiều công trình cho dân như cầu chui vượt sông Sài Gòn, như cầu Phú Mỹ, như xe điện ngầm… là những công trình giờ đã làm thay đổi tích cực đời sống của người dân, của cán bộ nhân viên có thu nhập thấp, về dân chủ trong đời sống, vì tương lai của con em…
Các nghị quyết cần ban hành mới phải có biện pháp cụ thể đưa thành phố đi lên, cho dân được ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, hiện đại.
-
Đinh Phong