Theo một bản dự thảo thông cáo, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ kêu gọi giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và thúc giục các bên tuyên bố chủ quyền không dùng tới biện pháp vũ lực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chụp hình cùng các nhà lãnh đạo ASEAN trước cuộc gặp ASEAN - Mỹ tại Singapore năm 2009. Ảnh: Reuters
Quan điểm trên đã từng được Washington đề cập hồi tháng 7, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói trong một diễn đàn an ninh khu vực tại Việt Nam rằng, giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông là một "lợi ích quốc gia" của Mỹ.
Mỹ lo ngại xung đột có thể làm tổn hại việc tiếp cận với một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới này.
Bắc Kinh đã nổi giận với tuyên bố của Mỹ và nói rằng, Washington can thiệp vào một vấn đề khu vực tại châu Á.
Tổng thống Mỹ Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN vào thứ sáu để thảo luận các biện pháp thúc đẩy liên minh cũng như đề cập tới hợp tác kinh tế, an ninh, bao gồm cả tranh chấp Biển Đông.
Ông Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ đưa ra một tuyên bố chung mà Washington đề xuất là tái xác nhận tầm quan trọng của tự do hàng hải, ổn định khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do thương mại ở Biển Đông, theo nội dung văn bản dự thảo.
Theo hãng tin AP, tuyên bố sẽ phản đối “sử dụng hoặc đe dọa vũ lực bởi bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào nhằm thúc ép các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”.
Tất cả lãnh đạo sẽ tái xác nhận sự ủng hộ của họ với tuyên bố ASEAN - Trung Quốc năm 2002 về hành xử của các bên trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền không tiến hành các biện pháp có thể kích động bạo lực và làm nảy sinh căng thẳng mới. Họ sẽ thúc đẩy các bên tuyên bố chủ quyền tiến tới đồng thuận về một quy định hành xử mạnh mẽ hơn.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông, nơi Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Theo giới phân tích, ngoài nguồn lợi cá, khu vực được tin rằng có trữ lượng trầm tích dầu và khí tự nhiên khổng lồ. Các đảo tranh chấp nằm giữa tuyến đường biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới này là trọng tâm trong nỗ lực tìm kiếm dầu và những tài nguyên khác đáp ứng nền kinh tế đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc.
Theo thông tin bí mật mà AP có được, trong một cuộc gặp chuẩn bị tại Washington trước thềm họp thượng đỉnh, trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell và Giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Jeffrey Bader, đã nói với các đại sứ ASEAN rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã mang lại kết quả với việc “Trung Quốc trở lại với cách tiếp cận hợp tác hơn”.
AP trích dẫn các quan chức Mỹ trong cuộc gặp gần đây với Trung Quốc đã cùng thảo luận mong muốn thế nào về cách hành xử của các bên tuyên bố chủ quyền tại khu vực tranh chấp. Họ cũng thuyết phục với quan chức Trung Quốc rằng, phát biểu của bà Clinton trong diễn đàn khu vực ở Hà Nội không nhằm tìm kiếm cô lập Trung Quốc mà là để đưa ra cách giải quyết với tất cả quốc gia tuyên bố chủ quyền.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton hồi tháng 7 xuất hiện sau khi Bắc Kinh nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3 rằng, Biển Đông giờ đây được coi là một trong những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc cùng với Đài Loan và Tây Tạng.
-
Thụy Phương (Theo AP)