- Bầu cấp ủy trong Đảng sao lại phải tuyển lựa từ xã hội? Xin thưa: Đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng lãnh đạo toàn diện xã hội thông qua công tác tổ chức cán bộ - độc giả Trần Minh Phương, Hà Nội.
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
LTS: Đã có hơn 100 phản hồi gửi đến VietNamNet ngay sau khi bài viết ’Đảng viên góp ý văn kiện cần tránh chung chung, lệch lạc’ của PGS.TS Nguyễn Đức Bách (nguyên Phó Viện trưởng Viện CNXH Khoa học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) được đăng tải. Với tinh thần tôn trọng tính đa chiều của thông tin, chúng tôi giới thiệu ý kiến của độc giả Trần Minh Phương, Hà Nội.
1- Tôi đồng ý với ông là góp ý không quá chung chung, lệch lạc. Góp ý phải xuất phát từ mục tiêu và động cơ trong sáng là đưa đất nước đi lên, xóa bỏ bất công, tiến tới xã hội giàu mạnh và dân chủ. Góp ý không làm thay đổi trật tự xã hội, làm xáo trộn xã hội, nhưng phải đề xuất cơ chế xóa bỏ đi những gì là hư hỏng, xấu xa.
2 - Những luận điểm ông đưa ra không có gì là mới. Ông toàn đặt ra câu hỏi chung chung mà không đi vào cụ thể, chứng minh tính tất yếu đúng của nó - một chân lý mà chúng ta mong đợi.
Đại biểu trước phút bỏ phiếu bầu ban chấp hành đảng bộ quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng
3- Xin được lặp lại cách ông tranh luận, để trao đổi với ông:
- Bầu cấp ủy trong Đảng sao lại phải tuyển lựa từ xã hội? Xin thưa: Đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng lãnh đạo toàn diện xã hội thông qua công tác tổ chức cán bộ. Bầu cấp ủy nhưng có nghĩa là mọi chức vụ trong Đảng, nhà nước và trong xã hội đều được quyết định từ cuộc bầu cử này.
Ở đây, ý kiến người góp ý là phải thông qua xã hội để tuyển lựa đảng viên trong cuộc bầu cử, chứ không phải cách làm khép kín, do tổ chức, cấp ủy cấp trên làm hết như hiện nay, mà xã hội không biết người sẽ lãnh đạo mình là ai. Cơ chế bầu cử trong Đảng của ta bất cập nhất ở đây. Tại sao đảng viên không tranh cử trong dân và trong Đảng, rồi thông qua dân và Đảng để bầu (cơ chế 2 trong 1 để bầu, giống cơ chế một số nước tiên tiến). Chúng ta rất nên nghiên cứu cơ chế này, vì đây là cơ chế mà quyền dân chủ của dân và đảng viên quyết định vị trí người đứng đầu, cho dù cấp địa phương hay trung ương.
- Đảng ta đâu có ngại dân chủ....? Xin thưa, Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội thì Đảng đâu có sợ dân chủ! Nhưng những bất hợp lý, yếu kém, mang nặng tính chủ quan về công tác cán bộ, công tác tư tưởng lý luận, khiến Đảng lúng túng. Muốn giải thích, làm rõ cũng không được.
Ví dụ giải thích vì sao chọn đồng chí này mà không chọn đồng chí kia cũng không biết giải thích thế nào. Tính minh bạch không có. Chính vì vậy, một số người khi có địa vị trong Đảng thường mang quyền lực ra áp chế dân chủ, có thể là xảy ra lúc đầu ở một vài bộ phận, sau thành phổ biến. Trong lý luận thường lấy cái lo lắng cho chế độ, để bảo vệ cái cũ và ngăn chặn cái tích cực, đổi mới.
- Đảng phải là đảng của dân tộc! Bác Hồ nói có 3 ý về Đảng: Đảng của dân tộc, Đảng mang tính giai cấp, tính tiên phong. Nhìn vào ba ý đó: Bác đặt Đảng của dân tộc lên vị trí số 1 là có ý của nó.
Trước tiên, muốn mang tính giai cấp, tiên phong anh phải của dân tộc, được dân tộc chấp nhận, đại diện cho dân tộc, làm việc đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết. Ba ý Bác Hồ nói về Đảng thống nhất biện chứng với nhau, nhưng hai ý sau phục vụ cho ý đầu.
Nhưng nay chúng ta lại đặt tính nặng tính giai cấp, đến Đại hội X mới có tính dân tộc trong bản chất của Đảng nhưng tính giai cấp vẫn được đặt lên trên. Nên trong mọi quyết định thường nặng về tính giai cấp mà nhẹ đi tính dân tộc. Chính vì thế, nó mới hỏng chỗ nọ, hỏng chỗ kia, và chỉ thiên về vá víu, không rành mạch về chủ thuyết phát triển.
- Không ai muốn thay đổi trật tự xã hội, hay muốn đảo lộn xã hội. Chúng ta muốn đất nước ta phát triển, dân tộc ta phát triển, nhưng chúng ta phải cầu thị, không rập khuôn máy móc, phải linh hoạt. Thành tựu tư tưởng của nhân loại là thành tựu của nhiều người, nhiều nhà tư tưởng. Các nước có quyền kế thừa linh hoạt, nhưng không đặt nặng về ai, theo ai.
Bác Hồ là minh chứng sống cho cách vận dụng linh hoạt. Bác nói: “Muốn giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Bác cũng nói: Phải có Đảng cách mạng lãnh đạo. Nhưng nếu nghiên cứu về Bác, chúng ta thấy: Bác nói như thế là nhìn thấy người bị áp bức bóc lột là người vô sản và chỉ có những con người này mới đánh đuổi thực dân đế quốc.
Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn
Đây là cách để huy động sức dân và Bác vận dụng rất linh hoạt. Đảng viên đảng Cộng sản, nhưng đâu phải ai cũng là công nhân, nông dân? Nhà nước năm 1945 là nhà nước của đa thành phần xã hội, chứ đâu phải tất cả là đảng viên đảng Cộng sản?
Các nước TBCN, đảng của họ, không đảng nào nói lấy chủ nghĩa tư bản của ông này, ông kia làm nền tảng tư tưởng. Họ coi tất cả tư tưởng, lý luận chính trị trên thế giới là thành tựu của văn minh nhân loại, họ kế thừa những cái tiến bộ làm phương pháp luận phát triển xã hội, sàng lọc trở thành lý luận của họ, phục vụ cho lợi ích dân tộc họ, nhưng không bất biến, nên họ không đưa vào cương lĩnh hay văn kiện của họ.
Cương lĩnh tranh cử của họ là những cái rất cụ thể, giải quyết vấn đề xã hội đang quan tâm. Khi khủng hoảng kinh tế, họ cần lý luận khắc phục, họ cần đến Mác, nên họ mới cho nghiên cứu, phát hành bộ Tư bản của Mác - Ăngghen. Và có thể nói họ học, nghiên cứu về Mác - Ăngghen hơn cả ta học và nghiên cứu.
Xin trao đổi với ông mấy luận điểm như trên. Mong tiếp tục được nghe chỉ giáo của ông.
-
Trần Minh Phương