221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1306865
Ai dám nói kinh tế chậm tiến hơn vì còn HĐND?
1
Article
null
Ai dám nói kinh tế chậm tiến hơn vì còn HĐND?
,

- Có ý kiến cho rằng bỏ hội đồng nhân dân (HĐND) huyện thì kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, năng động hơn. Thử hỏi cùng một thời điểm, cùng điều kiện như nhau, ai dám nói huyện kia KT-XH phát triển chậm hơn vì còn HĐND?

>> ’Khi lâm sự, không hiểu ông nào đứng ra giải quyết’

Ngày mai (11/9), Hội nghị toàn quốc về UBND và HĐND sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trước đó, ngày 16/8 đã tổng kết bước đầu thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. VietNamNet giới thiệu bài viết của Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Hữu Hoàn như một góc nhìn của người trong cuộc.

Mấy tháng nay, dư luận xôn xao về việc sắp tới không còn HĐND huyện, người bảo có, người bảo không. Bỏ hay không, còn hay mất phải có cơ sở khoa học, phải tổng kết thực tiễn để trả lời các câu hỏi vì sao phải có HĐND huyện, vì sao không, nếu bỏ đi thì được gì, mất gì? Có người cho rằng có HĐND huyện là hình thức, có là trung gian, có là cản trở, là làm chậm trễ sự điều hành năng động của cơ quan hành pháp, không quyết định được những vấn đề quan trọng của địa phương, thực hiện chức năng giám sát không kịp thời v.v...

Họp HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải
Họp HĐND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tháng 7/2010. Ảnh: qhhdthuathienhue

Một năm qua, một số đơn vị thí điểm bỏ HĐND huyện nói rằng không có thì KT-XH phát triển nhanh hơn, thế ra 65 năm qua HĐND là nơi cản trở sự phát triển đất nước hay sao? Thật buồn! Một việc quan trọng như thế mà mãi hơn nửa thế kỷ nay mới phát hiện ra! Nay mới thí điểm có hơn một năm ở 10 tỉnh, thành, làm gì đã có kết quả nhanh đến thế ?

Lâu nay chúng ta nói HĐND huyện là nơi quyết định các biện pháp để thực hiện phát triển KT-XH, nơi giám sát đôn đốc, phát hiện những việc làm tốt, làm chưa tốt, kiến nghị làm đúng tiến độ, làm nhanh lên lại là nơi kìm hãm phát triển hay sao?

Có nên vội vàng?

Theo Hiến pháp hiện nay, bộ máy nhà nước có 4 cấp thì phải có Quốc hội và HĐND - UBND 3 cấp. Tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân trao quyền lực cho người đại diện cho mình là HĐND. HĐND lại bầu ra người thực thi quyền lực đó là UBND để điều hành các hoạt động kinh tế xã hội của mỗi địa phương, có như thế mới đúng với tinh thần quyền lực của dân, do dân và vì dân.

Vậy tại sao chúng ta lại có ý định bỏ HĐND huyện đi vì cho rằng:

Một là: HĐND huyện lâu nay chưa quyết định được các biện pháp quan trọng, có làm thì làm hình thức, phụ thuộc tỉnh, tỉnh làm gì thì huyện làm thế. Công tác tham mưu của HĐND chưa tốt.

Theo tôi, vì một số HĐND ở một số nơi làm còn hình thức hoặc chưa tốt mà bỏ đi là chưa có cở sở khoa học, chưa biện chứng và chưa có sức thuyết phục. Phải xem bao nhiêu nơi có HĐND thì làm tốt, bao nhiêu nơi làm chưa tốt, bao nhiêu nơi làm còn hình thức, chiếm tỉ lệ bao nhiêu, nguyên nhân vì sao?

Thực chất vấn đề, theo tôi, là ở chỗ, nơi nào cán bộ HĐND có năng lực, có trách nhiệm, nhiệt tình, bố trí đúng, bố trí đủ thì chắc chắn nơi đó sẽ làm rất tốt, sẽ có những giải pháp đúng, sáng tạo cho mỗi địa phương.

Công tác cán bộ HĐND các cấp thời gian qua, chúng ta chưa quan tâm và cũng chưa đặt ra đúng tầm. Thường là sau khi bố trí sắp xếp cấp ủy và UBND xong, chúng ta mới bố trí cán bộ HĐND. Vì thế, HĐND thường là nơi tiếp nhận những cán bộ dư thừa ở các nơi về. Mặt khác, chúng ta nghĩ HĐND là hình thức nên sắp xếp con người cũng hình thức (thường là những cán bộ hiền lành, biết kiềm chế...). Cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường không muốn về công tác ở HĐ, nếu có về cũng là do bị ép buộc vì lí do nọ, lí do kia dẫn đến không yên tâm công tác để rồi tìm cách ra khỏi cơ quan (về những nơi có điều kiện phát triển về chính trị, kinh tế...).

Hiện nay, hồ sơ cán bộ về các phòng, ban UBND huyện, các sở xếp hàng chen chúc, thậm chí còn phải thêm tiêu cực phí, trong khi ở HĐND có nơi một chức danh chuyên trách khuyết đi đến vài năm vẫn không thấy có đơn nào xin về.

Hai là: Lâu nay có HĐND huyện nhưng công tác giám sát làm chưa tốt...

Theo như báo cáo ở một số nơi làm thí điểm bỏ HĐND huyện, đánh giá công tác giám sát ở HĐND cấp tỉnh làm tốt, huyện, xã làm chưa tốt, không phát hiện được những vấn đề bức xúc nổi cộm ở địa phương mình.

Nếu nơi nào làm không tốt mà bỏ đi thì có lẽ bỏ luôn cả HĐND xã đi, sao lại chỉ bỏ mình huyện? Mặt khác, nếu cấp tỉnh làm tốt, bây giờ thêm nhiệm vụ giám sát ở huyện, liệu có làm tốt được không? Với mỗi ban HĐND cấp tỉnh hiện có 1 - 2 cán bộ chuyên trách, 4 - 5 cán bộ kiêm nhiệm, khi tăng thêm nhiệm vụ, liệu mỗi ban phải tăng lên bao nhiêu?

Theo tôi, ít nhất mỗi ban phải lên tới 13 - 15 người và ít nhất là 5 - 7 cán bộ chuyên trách. Cơ quan HĐND tỉnh phải lên tới 50 - 70 người. Chúng ta đã tính đến điều này chưa? Lâu nay giám sát mỗi ngày ở cấp huỵện chỉ đi khoảng 20 - 30 km, nay tỉnh xuống cơ sở phải đi 100 - 200 km trong ngày, liệu còn thời gian bao nhiêu để tìm hiểu, lắng nghe tiếng nói của dân, gần dân hay ngày càng xa dân hơn?

Nếu chúng ta tiếp tục duy trì mô hình bộ máy có HĐND huyện và thực sự đổi mới thì chắc chắn, HĐND huyện sẽ thực sự là cơ quan quyền lực ở địa phương, quyền lực của dân sẽ được phát huy hơn bao giờ hết. Theo tôi, không nên bỏ HĐND huyện một cách vội vàng.

Không thể thực thi quyền lực vì cán bộ không đủ sức

Ba là: Có ý kiến cho rằng HĐND huyện tồn tại hình thức.

Chúng ta không thể đem cái không phổ biến áp đặt cho cái phổ biến. Ở đây, tôi xin phép một lần nữa khẳng định rằng: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở mỗi địa phưong, là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Lâu nay chúng ta làm chưa đúng, chưa đầy đủ thì bây giờ phải làm cho đúng, cho đủ trách nhiệm thì mới tốt lên được.

Không ít người suy nghĩ HĐND phải mạnh vừa thôi, nếu mạnh quá thì Ủy ban khó làm lắm. Nói như thế có nghĩa là UBND muốn làm lách luật nên sợ và né HĐND? Còn HĐND thì UB còn né, còn sợ, không còn HĐND sẽ rất dễ dẫn tới sai phạm, độc đoán, chuyên quyền (chúng ta đã phân cấp rất nhiều cho huyện).

Lâu nay HĐND không thể thực thi quyền lực vì bố trí cán bộ không đủ sức để thực thi. Thí dụ như trong việc phân bổ ngân sách, ở cấp huyện, phòng Tài chính có tới 15 - 20 cán bộ , trong khi Ban KT-XH của HĐND huyện chỉ có 5 người kiêm nhiệm, làm sao có thể phát hiện, đưa ra ý kiến cho việc sửa đổi lấy một con số trong hàng ngàn, hàng vạn con số? Trong mỗi kỳ họp, HĐND cũng chỉ còn "nhất trí như tờ trình" vì không biết gì về nội dung dự thảo tờ trình chứ không phải cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị quá tốt cho HĐND. Vậy là người ta chụp cho nó một câu là HĐND là hình thức và nên bỏ đi. Giả sử chúng ta bỏ HĐND đi, ai là người thẩm tra, hay cứ để cho UBND làm sai rồi xem xét, xử lý?

Cách đặt vấn đề khi đưa ra việc thí điểm bỏ HĐND huyện mục tiêu không rõ ràng. Chính vì thế, sau một năm thí điểm, một số nơi báo cáo kết quả rất chung chung, mỗi nơi làm và đánh giá theo một kiểu rất khác nhau. Lẽ ra sơ kết phải có mẫu biểu làm được gì, không được gì, khó khăn thế nào, thuận lợi ra sao? Phải định lượng được tiêu chí so sánh với nơi không bỏ HĐND huyện cùng một điều kiện KT-XH thì ra sao?

Một số nơi sơ kết sau khi bỏ HĐND huyện thì huyện đó tiết kiệm được mấy tỷ đồng. Tôi thấy hơi buồn vì mục tiêu bỏ HĐND có phải là để tiết kiệm mấy tỷ đâu? Bỏ mấy tỷ chỗ này nhưng lại tăng mấy tỷ chỗ kia. Vậy nơi không bỏ HĐND người ta giám sát tốt, làm lợi cho dân, cho nước hàng chục tỷ đồng lại chưa ai tính được. Bỏ HĐND hay không bỏ HĐND thì phải xem quyền lực của HĐND nâng lên hay giảm đi đến đâu chứ.

Có ý kiến cho rằng bỏ HĐND huyện đi thì KT-XH phát triển nhanh hơn, năng động hơn - định tính quá. Thử hỏi cùng một thời điểm, cùng điều kiện KT-XH như nhau, ai dám nói huyện kia KT-XH phát triển chậm hơn vì còn HĐND? Nếu chúng ta cứ đánh giá nhận xét định tính như thế thì năm tới cứ thí điểm bỏ 1-2 phòng ban của UBND của huyện đó, chắc chắn KT-XH của huyện đó cũng chẳng ảnh hưởng gì và còn giảm được nhiều tỷ ngân sách hơn nữa.

Vấn đề là phải có HĐND ở mỗi cấp hoàn chỉnh. Có như thế mới thể hiện rõ quyền lực của dân, do dân và vì dân.

  • Nguyễn Hữu Hoàn (Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Thanh Hóa)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,