Mặc dù Phần Lan không phải là nước hoàn toàn không có tham nhũng, và mỗi quốc gia sẽ có con đường riêng trong cuộc chiến chống tham nhũng phù hợp với hoàn cảnh thực tế, nhưng những kinh nghiệm của Phần Lan sẽ có ích trong vấn đề này.
LTS: Sau Thế chiến 2, Phần Lan đã chuyển đổi nhanh chóng từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu sang nền kinh tế công nghiệp phát triển bậc nhất châu Âu.
Đây là nước đứng hàng đầu trong danh sách Tự do báo chí hàng năm, cũng là quốc gia có những thành tựu giáo dục cao nhất thế giới theo báo cáo của UNICEF trong khảo sát về trình độ đọc, toán học và khoa học. Theo đánh giá của World Audit, Phần Lan là một trong những nước minh bạch nhất thế giới, là quốc gia luôn sở hữu vị trí hàng đầu trong Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nước có Chỉ số môi trường Ổn định bậc nhất, những thành tựu công nghệ bậc nhất...
Câu chuyện thành công của Phần Lan đến từ đâu? Chúng tôi lần lượt giới thiệu những thành tựu và kinh nghiệm của nước này trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục...
Phần Lan đã chuyển đổi nhanh chóng từ một nước nông nghiệp lạc hậu sang quốc gia phát triển bậc nhất châu Âu. Ảnh: tripadvisor
Mức độ tham nhũng khá thấp của Phần Lan là kết quả của một quá trình phát triển kéo dài gần hai thế kỷ. Lịch sử giảm bớt các hình thái tham nhũng là một phần trong tổng thể phát triển toàn diện của xã hội Phần Lan, để nước này từ một quốc gia nông nghiệp, nghèo nàn, ít học, phụ thuộc vào cường quốc nước ngoài trở thành một đất nước hiện đại, công nghiệp hóa, tri thức cao.
Văn hóa chịu trách nhiệm
Chân thành đi theo các giá trị của tiết chế, tự kiểm soát và lợi ích chung đã đặt ra những giới hạn quan trọng trong việc hưởng lợi ích cá nhân trên sự phí tổn của người khác. Những giá trị này cũng góp phần xây dựng lòng tin lẫn nhau. Nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa lòng tin ở mức độ cao giữa các thành viên trong một xã hội với mức độ tham nhũng thấp.
Theo những kinh nghiệm của người Phần Lan, tấm gương đạo đức của quan chức và các nhà quyết định chính sách là không thể thiếu được trong sự phát triển của đạo đức văn hóa quản lý. Khi người dân nhìn thấy sự chuẩn mực và trách nhiệm ở những người nắm giữ vị trí cao, họ sẽ muốn noi gương. Văn hóa chịu trách nhiệm trong quản lý công có thể phát triển và được tăng cường bằng việc chính thức tuyên bố những chuẩn mực giá trị đạo đức của quản lý công.
Lĩnh vực tư của Phần Lan trải qua thời gian dài phát triển cũng duy trì các giá trị của “thực tiễn là kiểm nghiệm tốt nhất”, tính trách nhiệm, thành thực và công bằng. Giáo dục đạo đức được đưa vào chương trình đào tạo Quản trị doanh nghiệp của Phần Lan. Khoảng 90% giám đốc công ty cho rằng, tuân thủ luật pháp là điều cốt yếu trong các hoạt động tập đoàn của họ. Thực tế đã chứng minh có mối tương quan giữa tính cạnh tranh cao với tham nhũng ở mức độ thấp. Trong nhiều năm, Phần Lan thường đứng xếp vị trí đầu bảng ở xếp hạng các quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, đồng thời xếp hạng top ở danh sách quốc gia ít tham nhũng nhất.
Các chuẩn mực đạo đức của toàn bộ người dân được phản ánh trong văn hóa quản lý, duy trì giá trị của lợi ích chung và chia sẻ trách nhiệm. Nói một cách tổng thể, các viên chức chính phủ Phần Lan đại diện cho những giá trị chung của toàn bộ người dân nước này. Sự độc lập của báo chí cũng được áp dụng. Thậm chí một lỗi nhỏ nhất của quan chức cũng bị báo chí để ý tới, đôi khi còn hơn cả những thông tin quan trọng khác, và ngay lập tức, vị quan chức ấy sẽ bị mất tín nhiệm.
Lập pháp, tư pháp và cấu trúc quản lý
Một hệ thống luật rõ ràng, bộ máy tòa án độc lập và hiệu quả, việc áp dụng hiệu quả luật pháp, quản lý tài chính hiện đại, minh bạch cũng là yếu tố cần thiết trong quá trình ngăn chặn tham nhũng.
Những bộ luật chính chống lại tham nhũng của Phần Lan là Hiến pháp, Luật Thủ tục hành chính, Luật Công khai hoạt động của chính phủ, Luật Hình sự, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thanh toán, Luật Kiểm toán, và Luật Mua sắm công.
Bộ phận tòa án Phần Lan có Văn phòng Thanh tra Nghị viện, Văn phòng Chưởng lý và các tòa án hành chính. Chưởng lý và Thanh tra Nghị viện giám sát hoạt động của tất cả quan chức chính phủ, từ cấp cao nhất hay thấp hơn. Cả hai đều độc lập, được phép điều tra, kiểm tra hoạt động của các thành viên Nghị viện, bộ trưởng hay thậm chí là người đứng đầu nhà nước.
Bất cứ người dân nào không nhất trí với một quyết định hành chính liên quan đến quyền hay bổn phận của mình có thể tìm tới một tòa án hành chính. Tòa án hành chính tối cao là nơi quyết định cuối cùng trong một trường hợp kiện tụng liên quan.
Phần Lan có truyền thống tôn trọng pháp luật bởi những yêu cầu, thủ tục rõ ràng, bởi bổn phận giải thích công khai những lý do đằng sau mọi quyết định, bởi một hệ thống hiệu chỉnh hiệu quả, phương pháp điều tra đúng đắn và thực tiễn thanh tra, kiểm toán minh bạch, hiện đại. Tất cả điều này cộng với quyền sử dụng công khai các tài liệu chính thức, sự tự do báo chí đã giúp các cơ quan chính phủ cũng như người dân dễ dàng phát hiện ra sai trái.
Bổn phận giải thích công khai các quyết định làm gia tăng tính minh bạch và tăng cường lòng tin của người dân vào bộ máy quản lý, tránh những quyết định mang tính phe phái hay thành kiến. Việc phân quyền trong bộ máy quản lý, chuyển giao quyền lực cho các thể chế địa phương là một phần quan trọng trong việc gia tăng hiệu quả của chính phủ và tránh tập trung quyền lực quá mức.
-
Diệu Thúy tổng hợp