221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1298946
Muốn dân chủ, phải có nhiều ứng viên "ngang sức" tranh cử
1
Article
null
Muốn dân chủ, phải có nhiều ứng viên 'ngang sức' tranh cử
,

- Phần 2 của cuộc trò chuyện với ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng xoay quanh cơ chế bầu cử. Theo ông, muốn thật sự dân chủ, phải có tranh cử thật sự, với 2, 3 ứng cử viên ngang nhau về chức vụ trong Đảng, không "quy hoạch" trước, bất kể người nào được đại hội tín nhiệm hơn sẽ là bí thư.

> Nhân vật có vấn đề phải được thay thế trước đại hội
>Bầu cử thực sự dân chủ trong Đảng
> Không áp đặt nhân sự

Chọn chủ tịch từ 3 ứng viên

Những trường hợp có sự thay đổi mà ông kể ở Đà Nẵng đều do cấp ủy cấp trên quyết định. Thế còn vai trò của các đảng viên đến dự đại hội thì sao? Họ hoàn toàn có thể giới thiệu các ứng cử viên mà họ thấy xứng đáng, hoặc không bỏ phiếu cho ứng viên được BCH khóa trước giới thiệu? Phải chăng họ chưa chủ động thực hiện quyền dân chủ của mình?

Mô tả ảnh.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng: Ở ta, từ chức hầu như là chấm dứt sự nghiệp chính trị. Ảnh: Khánh Linh

Thông thường, quá trình làm công tác nhân sự kéo dài cả năm, trong đó có khâu lấy ý kiến từ dưới giới thiệu lên. Các ĐB đến dự đại hội cũng không xa lạ với danh sách đề cử này. Chưa kể, cơ cấu BCH phải được tính toán rất kỹ, không chỉ về bằng cấp, độ tuổi, mà còn về ngành nghề để khi trúng cử vào BCH sẽ có sự phân công phù hợp với chuyên môn được đào tạo hoặc sở trường công tácỞ những ĐH đại biểu, đâu phải đại biểu nào cũng có điều kiện để tiếp cận đầy đủ thông tin về tất cả các ứng viên.

Theo phân tích của ông thì mỗi đại biểu không thể đủ dữ liệu để thực hiện toàn bộ quyền dân chủ của mình? Nên họ phải tin tưởng vào giới thiệu của BCH khóa trước?

Việc giới thiệu nhân sự BCH, nhân sự bí thư… của BCH khóa trước, của BCH khóa mới và của toàn thể đại hội hoàn toàn trùng khít vẫn tốt nếu quá trình làm công tác cán bộ của đảng bộ tốt, từ khâu quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp vào vị trí, theo dõi đánh giá cán bộ... Nghĩa là phải mở rộng dân chủ trong cả nhiệm kỳ chứ không phải đến gần ĐH mới mở rộng dân chủ.

Né tránh thực hiện một quy chế bầu cử thực sự dân chủ trong Đảng chính là không tin vào bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của đảng bộ.

Ông Bùi Đức Lại, nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức TƯ

Chỉ sợ những trường hợp như tôi đã đề cập, có những người cần thay thế nhưng cấp dưới không đủ dũng cảm để đề nghị thay thế, cấp trên không chịu thay thế hoặc không đủ sâu sát để biết mà thay thế, nên khuyết điểm thế chứ khuyết điểm nữa thì vẫn tiếp tục được tái cử và tái đắc cử vào những vị trí chủ chốt. Trong thực tế, không phải không có những trường hợp như vậy.

Theo ông, để việc bầu trực tiếp bí thư thật sự dân chủ thì cần thêm những điều kiện gì?

Muốn thật sự dân chủ, cơ chế bầu cử phải khác, phải có tranh cử thật sự, với 2, 3 ứng cử viên ngang nhau về chức vụ trong Đảng, không có sự "quy hoạch" trước, bất kể người nào được ĐH tín nhiệm hơn sẽ là bí thư. Tất nhiên, để làm được điều đó thì phải giải quyết một loạt vấn đề khác, đặc biệt về văn hóa.

Như với trường hợp quận Hải Châu của Đà Nẵng, sau khi Phó Bí thư/Chủ tịch UBND quận đương nhiệm được điều động, Thành ủy đã đưa ra 3 trường hợp trong quy hoạch tại chỗ để xin ý kiến lựa chọn tiến cử một người phù hợp hơn cả.

Bước đầu tiên là họp Thường vụ quận ủy với 10 người, 2 ứng viên trong đó được 5 phiếu giới thiệu, ngay cả người thứ 3 cũng bỏ phiếu cho 1 trong 2 người kia vì tự thấy mình vào vị trí Chủ tịch là không phù hợp. Vòng tiếp theo là họp Ban chấp hành đảng bộ quận, 39 người, có một ứng viên trội hơn. Cuối cùng là hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quận khoảng trên 160 người, thì ứng viên trội hơn lại càng trội, được trên 100 phiếu giới thiệu. Đó là quy trình thật sự dân chủ, và người phù hợp nhất đã được bổ nhiệm.

Đừng nhìn nhau bằng đôi mắt hình viên đạn

Để thật sự dân chủ như câu chuyện ông vừa dẫn chứng, phải có yếu tố nhiều chọn một. Vì sao ta vẫn e ngại điều này, cũng như e ngại việc tranh cử thật sự với chương trình hành động cụ thể?

Nhiều chọn một, nhưng phải là chọn cái tối ưu trong những cái tốt, không phải chọn giữa "quân xanh" với "quân đỏ", đệm lót nhãn tiền.

Đại biểu nữ tại Đại hội Đảng bộ quận Sơn Trà, Đà Nẵng ngày 5/8. Ảnh: Khánh Linh
Đại biểu nữ tại đại hội đảng bộ quận Sơn Trà, Đà Nẵng ngày 5/8. Ảnh: Khánh Linh

Đà Nẵng cũng đã từng đề xuất để thí điểm dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố với nhiều ứng viên và có tranh cử thực sự.

Muốn thực hành dân chủ cũng phải học. Chúng tôi đã thử nghiệm thi tuyển chức danh lãnh đạo, nhưng chủ yếu trên lĩnh vực chuyên môn.

Một kinh nghiệm rút ra là cần khuyến khích thi tuyển chức danh cấp trưởng, vì dù một ứng viên có đề án hành động rất máu lửa, tâm huyết, khả thi, bảo vệ thành công khi tranh cử, nhưng nếu về chỉ làm cấp phó mà cấp trưởng không tạo điều kiện để người phó kia thực thi đề án ấy thì cũng không làm gì được. Nếu thi tuyển cấp trưởng thì người trúng tuyển có đủ điều kiện hơn để thực thi ý tưởng của chính mình.

Với việc bầu trực tiếp chức danh lãnh đạo thì càng khó hơn, phải chuẩn bị tâm lý, nhất là tâm lý số đông. Tại sao ở Việt Nam việc từ chức rất hiếm, rất cá biệt, rất bất thường? Là vì trong tâm lý người Việt, hễ từ chức chắc là do có khuyết điểm. Chưa ai đánh giá cao người từ chức cả.

Lẽ ra phải thấy người từ chức có ưu điểm là có lòng tự trọng, có sĩ khí, có tính thần trách nhiệm cao. Ở ta từ chức hầu như là chấm dứt sự nghiệp chính trị, nên không ai dám từ chức, chứ không phải bản thân họ thiếu dũng cảm đâu.

Hay như chuyện tranh cử, nếu 2, 3 người cùng tranh cử thì những người thắng hay thua đều phải cảm thấy bình thường, chứ lại nhìn nhau bằng… đôi mắt hình viên đạn thì nguy.

Vấn đề vẫn là văn hóa - văn hóa từ chức, văn hóa tranh cử, không chỉ văn hóa cho một người mà cho tất cả. Chưa giải quyết được thì khó có thay đổi căn cốt. Nhưng tôi tin cũng sẽ đến lúc thôi.

  • Khánh Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,