Kiểu tiếp cận “đâu sẽ vào đấy” ở Sendai cho thấy mô hình kinh tế do bộ máy viên chức dẫn dắt ở Nhật Bản trở nên lỗi thời thế nào. "Nhật Bản vẫn trông chờ vào cấu trúc cũ, nhưng chính cấu trúc ấy đã cản trở các ngành công nghiệp mới nổi lên", Kazunori Kawamura, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Tohoku nói.
Số ít chính khách táo bạo đã có cố gắng. Junichiro Koizumi, Thủ tướng đất nước mặt trời mọc từ 2001 - 2006, tin rằng người Nhật cần tự do hơn để đưa nền kinh tế chuyển động trở lại. Ông áp dụng chương trình tự do hóa kiểu Mỹ, nới lỏng tính cứng nhắc trên thị trường lao động, tái cơ cấu tập đoàn để khuyến khích đầu tư mới và doanh nghiệp.
Nhưng trong một xã hội tự hãnh diện về chủ nghĩa quân bình, những khác biệt trong an sinh mà chiến dịch cải cách của Koizumi mang tới đã làm rất nhiều người Nhật Bản không bằng lòng. Công chúng choáng váng khi chứng kiến những công nhân thất nghiệp dựng lều trại ở giữa Tokyo sầm uất trong suốt cuộc Đại suy thoái. Ý tưởng cải cách thị trường trở nên “bại hoại” ở Nhật Bản đến nỗi những thành viên tranh cử của DPJ một lần nữa lại tuyên bố chống lại nó trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái. Yukio Hatoyama, Thủ tướng đầu tiên từ DPJ, coi vấn đề này là “trái luân lý”.
DPJ đang cố gắng ổn định Nhật Bản bằng nhiều cách khác nhau. Thủ tướng đương nhiệm Kan muốn thâu tóm sức mạnh hoạch định chính sách từ quan chức quan liêu vào tay nội các. DPJ cũng hiểu rằng, tuyên bố cải cách với người dân Nhật Bản sẽ khó khăn nếu không có sự cải tổ mạng lưới an sinh xã hội.
Chính sách không theo kịp thay đổi xã hội
Đảng này ra quyết định không thu học phí trung học, giới thiệu chương trình trợ cấp chính phủ cho các gia đình có con nhỏ, cam kết thúc đẩy dịch vụ chăm sóc trẻ và y tế. Ông Kan hy vọng sẽ khởi động sự tăng trưởng bằng cách củng cố niềm tin tiêu dùng, thuyết phục các gia đình Nhật Bản chi tiêu mạnh tay hơn. Ông cũng đưa ra ý tưởng cắt giảm thuế tập đoàn - vốn cao hơn hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa khác, để thu hút đầu tư và tạo việc làm mới. "Nền kinh tế tiếp tục ì trệ vì các chính sách kinh tế không theo kịp thay đổi trong cơ cấu công nghiệp và xã hội”, Thủ tướng Kan phát biểu hồi tháng 6.
Nhưng, những hoài nghi về các chính sách của ông Kan ngày một gia tăng. Nhiều thập niên “vung tay quá trán”, chi tiêu tài chính lãng phí, các thủ tướng trước tận dụng mọi biện pháp kích thích tăng trưởng với những công trình xây dựng hoành tráng, trong khi không “thiết tha” với cải cách - đã hạn chế khả năng tạo ra tăng trưởng bằng chính sách của chính phủ mà ông Kan theo đuổi.
Bản thân ông Kan mô tả tình hình tài chính Nhật Bản là “thảm khốc” và cảnh báo về sự “sụp đổ tài chính” nếu không hành động. Trong tháng 6, ông vạch ra kế hoạch tiết kiệm để cân bằng gánh nặng thâm hụt trong thập niên tới. Ông còn nói về một đề xuất gây tranh cãi là tăng gấp đôi thuế mua hàng lên 10% để góp phần lấp đầy kho bạc nhà nước đang trống rỗng. Ông biện luận rằng, chính phủ của ông có thể cùng một lúc vừa kiềm chế thâm hụt tài chính vừa hỗ trợ cho các phí tổn an sinh xã hội.
Nhưng lời biện luận của ông không có sức thuyết phục. Tăng thuế sẽ bóp nghẹt mức chi tiêu tiêu dùng mà ông từng muốn thúc đẩy, trong khi có lẽ chỉ làm “sứt mẻ” thêm các vấn đề tài chính của Nhật Bản. Carl Weinberg, một nhà kinh tế học tại Học viện Kinh tế cảnh báo, chính phủ Nhật sẽ còn phải áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn nhiều nếu muốn giảm gánh nặng nợ nần. "Hiện tại, chúng tôi chưa thấy một viễn cảnh hợp lý trong tỉ lệ nợ so với GDP”, Weinberg viết trong một nghiên cứu gần đây.
Những tên tuổi lớn nhất xứ anh đào bắt đầu “mất đất” trong các ngành công nghiệp chủ chốt cũng như các thị trường trên thế giới, trong khi các đối thủ cạnh tranh ở châu Á ngày một “nhanh nhẹn, linh hoạt” hơn. Điều này thấy rõ nhất tại các thị trường mới nổi chủ chốt của tương lai là Trung Quốc và Ấn Độ.
Ví dụ tại Ấn Độ, năm ngoái, hãng Hyundai của Hàn Quốc đã tiêu thụ lượng xe hơi nhiều gấp 2,5 lần so với cả Toyota và Honda gộp lại, theo thống kê của J.D. Power & Associates. Các thương hiệu Nhật cũng chậm chân và tụt hậu ở các thị trường tiêu dùng mới và nóng. Samsung và LG Electronics của Hàn Quốc đứng hàng đầu trong mở rộng kinh doanh TV LCD chứ không phải Sony, Sharp hoặc Panasonic. Trong khi Acer của Đài Loan đã trở thành người chiến thắng trên thị trường mini-PC netbook.
Tìm kiếm tương lai
Dĩ nhiên, một số quyết định tốt đã được đưa ra. Các công ty Nhật Bản vẫn sở hữu những sáng kiến, sản phẩm thông minh của thế giới như sản phẩm xe hơi Prius của Toyota hay bảng điều khiển video game Wii của Nintendo, cho tới công nghệ đỉnh cao trong các ngành công nghiệp chủ chốt trong tương lai như năng lượng hạt nhân...
Nhiều lãnh đạo tập đoàn cũng cố gắng thay đổi để phù hợp với nhu cầu từ các thị trường mới nổi. Toyota sẽ bắt đầu sản phẩm trong mô hình đầu tiên thiết kế riêng cho thị trường Ấn Độ, gọi là Etios, vào cuối năm nay. Trong khi giữa tháng 7 vừa qua, công ty này tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy 600 triệu USD ở Brazil để sản xuất xe hơi loại nhỏ cho người tiêu dùng địa phương.
Một tín hiệu khác cho thấy các công ty Nhật bắt đầu chú ý tới tính toàn cầu nhiều hơn. Nhiều tập đoàn khẳng định tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính thức của họ. Thanh niên thì thiên về thành lập công ty riêng hơn là gia nhập những tập đoàn lớn hay bộ ngành chính phủ như họ từng làm trước đây.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, họ sẽ làm gì để thay thế? Nền kinh tế vẫn đi theo kiểu quản lý quan liêu nên bắt đầu một ngành kinh doanh mới sẽ là sứ mệnh khó khăn. Trên thực tế, toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản cần một cuộc “đại tu” để tạo ra nhiều cơ hội mới cho giới trẻ. Các nhà hoạch định chính sách cần “phá vỡ” thông lệ phụ thuộc vào xuất khẩu trong nhiều thập niên qua và tìm ra nguồn lực tăng trưởng mới ngay ở trong nước.
Nhật Bản cũng cần có sự cải tổ lớn trên thị trường lao động theo xu hướng tăng lương, tăng năng lực sản xuất và phúc lợi cho công nhân, thúc đẩy tiêu dùng. Nước này còn cần tạo cho phụ nữ vai trò lớn hơn ở nơi làm việc, tiếp nhận lực lượng lao động nhập cư để giải quyết gánh nặng già hóa nhân công. Rộng hơn nữa, người Nhật cuối cùng cần mở cửa hơn cho đầu tư nước ngoài, thu hút tài năng, tìm kiếm trải nghiệm quốc tế lớn hơn.
Theo Học viện Giáo dục quốc tế, số lượng sinh viên Nhật Bản theo học các trường tại Mỹ giảm 38% xuống còn 29.264 người trong thập niên qua. Trong khi đó, con số này với sinh viên Trung Quốc lại tăng tới 80%.
Katsuji Konno, Chủ tịch Igeta Tea Manufacturing, một chuỗi cửa hàng kinh doanh trà đặc biệt tại Sendai than phiền rằng, các lãnh đạo Nhật Bản quá chú trọng tới những biện pháp ngắn hạn, thay vì đưa ra giải pháp dài hơi. "Bạn cần nghĩ về những cách thức quyết liệt hơn”, ông nói. Và, Nhật Bản cần dừng sống trong quá khứ, nếu không, sẽ không thể có một tương lai.
-
Thái An (Theo TIME)