- Không thể, không thích, không đủ nghị lực để học thật, lại muốn sớm có văn bằng để leo nhanh trong nấc thang cán bộ thì tiện nhất là đi kiếm bằng giả - chuyên gia Bùi Đức Lại phân tích.
>> Mời bạn hiến kế về cải cách hành chính
Văn bằng giả chắc không thuộc số những vấn đề lớn và nóng bỏng mà năng lực trí tuệ và công luận đang cần tập trung quan tâm trong giai đoạn hiện nay, trước thềm Đại hội Đảng XI. Nhưng đây cũng không phải là vấn đề nhỏ. Một số việc bị khui ra, khiến dư luận bất bình, chỉ là những hiện tượng nổi lên bề mặt của một thực trạng đáng lo ngại đã được nhận biết và báo động từ sớm, nhưng vẫn bị khỏa lấp vì nhiều nguyên nhân. Cũng như thường thấy, lại diễn ra việc đổ lỗi, biện bạch, cả những sự dối trá nhiều khi ngô nghê, xem thường lương tri và dư luận xã hội. Nó cũng làm nổi lên rõ hơn một số vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ.
Những "thợ săn" bằng giả
Việc dạy dối, học giả, tìm kiếm văn bằng giả các loại diễn ra dưới nhiều hình vẻ, nhưng đều trực tiếp hoặc gián tiếp quan hệ đến tiền bạc, quyền chức, móc ngoặc, những việc làm sai, thậm chí phạm pháp.
Tác hại dễ thấy nhất là làm rối loạn hệ thống các văn bằng, vô hiệu hóa giá trị chứng chỉ của văn bằng, do đó nếu không ngăn chặn, sẽ khiến cho mọi văn bằng không còn đáng tin cậy.
Trong khu vực tư, bằng giả khó có đất hoành hành, nên ít có điều kiện gây tác hại. Các ông chủ đều biết xót tiền túi, chỉ trả tiền cho công việc, chứ không trả tiền cho bằng cấp.
Tác hại lớn nhất phát tác trong khu vực công, nhất là khu vực hành chính công quyền.
Biếm họa về bằng giả của báo Sài Gòn tiếp thị |
Có nhiều loại người kiếm bằng giả, nhưng phần lớn là cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo và những người muốn trở thành công chức. Có thể có một số ít do háo danh, sĩ diện, muốn lòe một bộ phận người còn tồn tại tâm lý chuộng bằng cấp, chuộng ngoại…, nhưng chủ yếu là lấy văn bằng giả để hội đủ tiêu chuẩn quy định vào làm công chức và dùng nó để làm cái gậy leo lên các nấc thang trong bộ máy.
Những người say văn bằng, đi săn văn bằng giả đa phần là cán bộ, công chức đã tạo ra “sức cầu” lớn, gây áp lực lớn lên bên “cung” là cơ quan đào tạo và có thẩm quyền cấp bằng. Cơ quan đào tạo khó chống lại một áp lực như vậy.
Cải cách hành chính trong 10 năm tới cần tập trung ưu tiên những nội dung nào? Mời bạn tham gia cuộc khảo sát trực tuyến do VietNamNet và UNDP thực hiện, tại địa chỉ http://www.hienkecchc.vn/.
Đó là chưa kể sức hấp dẫn lợi ích mà đào tạo giả dối, chất lượng thấp mang lại. Vừa được tiếng, vừa được miếng, lại an toàn. Quản lý nhà nước trên lĩnh vực này bị buông lỏng, có khi cơ quan quản lý, giám sát lại đóng vai bên “cung” càng làm cho mối quan hệ mua bán bằng cấp phát triển, ngày càng công khai, trắng trợn.
Việc vạch trần và đấu tranh khắc phục lại càng khó, nhất là không ít người, trong đó có cán bộ lãnh đạo đã cố ý hoặc vô tình dùng văn bằng giả.
Những kẻ cơ hội, nuôi “chí tiến thủ”, muốn leo cao, leo nhanh trong nấc thang cán bộ, mà không chịu phấn đấu rèn luyện thì hay có một thủ đoạn ma lanh (để chiếm ưu thế so với người cùng trang lứa) là nhanh tay nắm lấy một văn bằng cao hơn họ.
Không thể, không thích, không đủ nghị lực học thật mà lại muốn sớm có văn bằng thì tiện nhất là đi kiếm bằng giả. Nắm trong tay bằng cấp đó, như một lợi thế cạnh tranh, gần như là họ chắc “thành công” nếu có thêm “bằng lòng”. Tấm bằng giả này lại có thể trưng ra như tấm khiên để bảo vệ cho họ và những người cất nhắc họ một cách sai trái trước mọi lời phê phán.
"Lộng giả thành chân"
Thế là tấm bằng giả rất được việc, nhưng đó là những việc không liên quan gì đến ý nghĩa đích thực của nó. Nếu được cả ba phía - kẻ có bằng, kẻ cấp bằng, người sử dụng lao động - liên kết với nhau để che chở, bảo vệ, thì bằng giả sống và hoành hành không gì cản nổi. Nó “chế giễu” bằng thật, làm lung lạc ý chí của một số người muốn học thật. Bằng cách đó, nó giết chết mọi loại bằng thật.
Kẻ không có kiến thức nắm quyền lực ở vị trí cao là một điều nguy hại, nhưng nguy hại hơn khi kẻ không có kiến thức đó lại được dán nhãn hiệu kiến thức, lại phải sắm vai có kiến thức.
Người xưa nói “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”, kẻ văn bằng giả chính là một loại “hay chữ lỏng” điển hình, anh ta có thể làm hỏng mọi việc mà vẫn tự đắc, tự tại và tranh công, đổ lỗi không biết ngượng.
Người xưa cũng nói “lộng giả thành chân”. Đóng mãi cái vai có kiến thức ngang với văn bằng trưng ra, lại làm thủ trưởng, đến lúc nào đó, anh ta sẽ ngộ nhận về mình, xem mớ kiến thức lỗ mỗ chắp nhặt mà mình thực có là đỉnh cao về năng lực trong đơn vị. Hành xử với tư thế đó, anh ta tự xem mình là người thông thái nhất, phủ nhận mọi trí tuệ khác. Cố “gồng” mình cho hợp với cái vai đó, anh ta kỳ thị mọi tài năng, không sử dụng, không hợp tác, loại bỏ người tài.
Nhưng việc sử dụng bằng giả luôn luôn ám ảnh, chi phối hành vi khiến anh ta không dám sòng phẳng xử lý bất cứ sự giả dối nào trong đơn vị, nhất là giả dối về bằng cấp. Kẻ xấu có thể lợi dụng việc này để khống chế anh ta.
Người lãnh đạo như vậy dễ làm hỏng việc chung, hỏng việc của tập thể, hỏng việc của người dưới quyền, làm hỏng hiện tại, làm thui chột những mầm mống tốt của tương lai. Họ hoàn toàn không có uy tín thực sự.
Trách nhiệm của kẻ sử dụng bằng giả thì dễ thấy. Trách nhiệm của cơ quan đào tạo và quản lý việc đào tạo trong việc dạy giả, thi giả, cấp bằng giả là hiển nhiên. Nhưng cơ quan và người quản lý sử dụng cán bộ có trách nhiệm lớn hơn hết trong việc tạo ra môi trường để nạn bằng giả gây tác hại đối với xã hội.
Bằng giả có lẽ cũng giống hũ mắm thối được đem ra thị trường. Ai đó có tiền bỏ ra mua lọ mắm thối về trưng ở phòng khách, thỉnh thoảng lại mở nút ra hít hà là việc của họ. Việc quản lý chỉ đòi hỏi ghi rõ ghi nhãn hiệu “mắm thối” của hãng X, Z (tương đương với việc văn bằng được ghi rõ là do đại học X, Z - chuyên bán văn bằng bán cho). Xã hội có thể chê cười, nhưng không nhất thiết đòi phải ném đi lọ mắm thối đó trong nhà người ta.
Nhưng xã hội không thể chấp nhận việc ai đó đem tiền công đi mua lọ mắm thối, dán cho nó cái nhãn hiệu thượng hạng, đưa ra chốn công cộng, buộc mọi người phải ngửi, phải ăn, phải khen thơm, thậm chí phải xem là mắm chuẩn mực.
Có những loại bằng giả nào? - Bằng được làm giả: dễ xác định nhất, nhưng nếu được cơ quan có trách nhiệm bao che thì cũng khó bị vạch mặt. - Bằng được tổ chức có chức năng cấp chính thức, nhưng cấp một cách giả dối (cấp cho người không học, không thi, nhờ người thi hộ, nhờ làm luận văn, chép lại luận văn đã có…). Việc xác minh khó khăn vì người trong cuộc, nhất là cơ quan cấp bằng đủ điều kiện để chối tội và đương nhiên người có bằng kiểu trở thành vô tội. - Bằng do tổ chức chuyên bán bằng lấy tiền cấp. - Người học vẫn lên lớp đủ môn, đủ tiết… nhưng không học, không đủ kiến thức, nhưng vẫn được cấp bằng do cơ quan cấp bằng cố tình làm qua loa, dễ dãi, hạ thấp yêu cầu trong việc kiểm tra, thi cử. Đây là loại bằng giả khá phổ biến hiện nay. Sử dụng khá an toàn vì vẫn được xem là bằng thật. Không ít người trong chúng ta đã phải gặp những trường hợp người có học hàm, học vị cao, tiến sĩ, giáo sư nơi này nơi khác, nhưng kiến thức thấp kém đến “bất ngờ”. Bởi bằng cấp họ sở hữu thuộc những loại trên. |
-
Bùi Đức LạiKỳ tới: Đất sống của bằng giả